Hóa giải bí ẩn về thiên hà chứa 99,99% vật chất tối

15/10/2020 18:53 GMT+7

Các nhà khoa học đã có lời giải cho câu đố về một thiên hà mà sự tồn tại của nó hoàn toàn vượt khỏi trí tưởng tượng của con người: thiên hà được cho có cấu tạo từ 99,9% vật chất tối.

Vật chất tối thật sự là một cái gì đó vô cùng khó hiểu. Đến nay nhân loại vẫn chưa rõ nó là gì. Giới thiên văn học vô phương phát hiện vật chất tối một cách trực tiếp, vì nó không hề hấp thụ, phản xạ hoặc phóng thích bất kỳ bức xạ điện từ nào.
Tuy nhiên, dựa vào sự tương tác của vật chất tối với những thực thể xung quanh, như cách các thiên hà xoay tròn, ánh sáng bị bẻ gãy trong quá trình di chuyển, chúng ta biết được phải có thứ gì đó nằm ngoài dạng vật chất quan sát được, và các nhà khoa học gọi chung là vật chất tối.
Dựa trên nhiều kết quả quan sát khác nhau, đến 85% số lượng vật chất trong vũ trụ là vật chất tối, dù lượng phân bổ trên thực tế thay đổi tùy theo từng thiên hà.
Các chuyên gia tin rằng một mạng lưới vật chất tối đã được hình thành vào thời điểm vũ trụ còn sơ khai, đóng vai trò như các kênh dẫn vật chất vào những thiên hà, và là chất gắn kết các thiên hà với nhau.

Kính viễn vọng Hubble cho thấy những bất thường tại cụm thiên hà khổng lồ MACS J1206

NASA

Giới thiên văn học phát hiện khối lượng vật chất tối xung quanh các thiên hà phải gấp từ 10 đến 300 lần khối lượng vật chất bình thường.
Tuy nhiên, vào năm 2016, các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một thiên hà siêu khuếch tán, với khối lượng vật chất tối phải lớn gấp 10.000 lần so với các ngôi sao của nó.
Đó là Dragonfly 44 (DF44), một thiên hà tỏa ra ánh sáng yếu ớt cách Trái đất khoảng 330 triệu năm ánh sáng.
Giờ đây, đội ngũ chuyên gia quốc tế do Viện Kapteyn của Đại học Groningen (Hà Lan) dẫn đầu đã tìm được câu trả lời cho sự bất thường trên, theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Sau khi tính toán lại, khối lượng vật chất tối ở thiên hà này thấp hơn phát hiện ban đầu. Kết quả cho thấy tỷ lệ vật chất so với vật chất tối không phải là 1:10.000 nhưng là 1:300, tức lọt vào ngưỡng tiêu chuẩn như quy định hiện nay. Và vì thế, DF44 không phải là một sự tồn tại đặc biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.