Hiểm họa chợ đen vũ khí trên Facebook

11/04/2016 08:00 GMT+7

Tình trạng các nhóm vũ trang sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác để buôn bán vũ khí đã nở rộ đến mức báo động.

Tình trạng các nhóm vũ trang sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác để buôn bán vũ khí đã nở rộ đến mức báo động.

Các loại súng được chào bán trên một tài khoản Facebook ở Iraq 
- Ảnh: The New York Times
Các loại súng được chào bán trên một tài khoản Facebook ở Iraq - Ảnh: The New York Times
Tờ The New York Times và Đài CNN ngày 7.4 dẫn báo cáo của Tổ chức Khảo sát và nghiên cứu vũ khí (ARES) đưa ra những cảnh báo về nạn buôn vũ khí ở Libya, cũng như các vùng xung đột tại Syria, Iraq và Yemen. Theo đó, trên các nhóm kín của Facebook, hoạt động mua bán vũ khí diễn ra sôi động với đủ mọi thành phần, giao dịch từ súng ngắn, lựu đạn đến các vũ khí hạng nặng như súng máy, tên lửa dẫn đường...
Lái buôn trên mạng
The New York Times dẫn lời Giám đốc ARES Nic Jenzen-Jones cho biết tổ chức này ghi nhận khoảng 6.000 vụ mua bán vũ khí trực tuyến ở Trung Đông trong năm 2015. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều, bởi nhiều thế lực bên ngoài bị cho là đã cung cấp một lượng rất lớn vũ khí cho các phe phái ở những điểm nóng như Libya, Syria, Iraq... nhưng lại rất khó kiểm soát luồng di chuyển của chúng.
Cách đây vài năm khi Facebook cho ra đời ứng dụng nhắn tin Messenger, mạng xã hội này đã phát triển thành một kênh bán hàng trực tuyến với quy trình giao dịch thông qua Messenger. Từ đó, Facebook bị biến thành một kênh bán hàng tiện lợi, chi phí thấp và hiệu quả cao, bởi không chịu sự quản lý của chính quyền khi đăng tải giới thiệu mặt hàng, dù đó là vũ khí. Nhiều cá nhân, tổ chức đã công khai rao hàng tạo nên những chợ vũ khí sôi nổi.
Theo báo cáo của ARES, có 1.346 vụ mua bán vũ khí ở Libya vào năm ngoái, bao gồm cả các thương vụ liên quan đến vũ khí hạng nặng như súng máy, súng phóng lựu, tên lửa và súng xuyên giáp. Đặc biệt, các tay súng ở Libya từng giao dịch cả tên lửa đối không SA-7 vốn được xem là khắc tinh của máy bay trực thăng lẫn máy bay thương mại.
Ở một đất nước chìm trong vòng xoáy bạo lực như Libya, nỗi bất an thường trực khiến dân chúng đua nhau mua “hàng nóng”. Tâm lý phòng thân của người dân đã đẩy mức giá súng ngắn có khi lên đến 7.000 USD, gấp 6 - 7 lần thị trường châu Âu hoặc Mỹ. Việc mua bán vũ khí từng được siết chặt dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nhưng sau khi chính quyền của ông này bị lật đổ vào năm 2011, các kho vũ khí tại Libya trở thành mục tiêu cướp phá của các nhóm vũ trang và chợ đen vũ khí từ đó cũng bắt đầu nở rộ.
Tương tự, chợ vũ khí online ở Iraq không kém phần nhộn nhịp khi giới thiệu hàng loạt món hàng hấp dẫn có nguồn gốc từ quân đội Mỹ. Các loại vũ khí được mang ra chào mời lực lượng chống chính phủ Iraq bao gồm súng M4, súng trường tấn công M16, súng máy tự động M249, súng tiểu liên MP5 và súng ngắn.
Ở Syria, ARES còn ghi nhận cả việc có người chào bán đầy đủ hệ thống tên lửa dẫn đường chống xe tăng (TOW), vốn là nỗi ám ảnh của lực lượng phương Tây. Đầu tháng 3, các tay súng ở Syria tung ra đoạn clip ngắn cho thấy xe tăng T-90 lừng danh của Nga suýt bị tiêu diệt vì trúng hỏa lực từ một hệ thống TOW.
 
Ảnh: The Tele­graph

Nỗ lực ngăn chặn
Tổ chức vượt biên
Không chỉ là nơi buôn bán vũ khí, Facebook còn bị nhiều tổ chức biến thành nơi giới thiệu dịch vụ đưa người vượt biên để rời khỏi các điểm nóng trên thế giới. Tuy nhiên, những dịch vụ kiểu này ẩn chứa không ít rủi ro khi sử dụng các phương tiện thiếu an toàn, và trở thành “con mồi” của các nhóm cướp. Mới đây, Facebook gỡ bỏ một mẩu quảng cáo tổ chức vượt biên sang Hy Lạp với cam kết “đảm bảo an toàn đến miền đất hứa”.
Trước thực trạng trên, Facebook và Instagram đã cấm việc rao bán vũ khí từ tháng 1.2016 và ra sức kêu gọi mọi người sử dụng tính năng “report” (báo cáo) mỗi khi nghi ngờ có giao dịch bất hợp pháp. Một nhóm nhân viên Community Operations (Hoạt động cộng đồng) của Facebook sẽ xem xét các báo cáo trên nhiều ngôn ngữ và xác minh nội dung vi phạm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nghi ngại về hiệu quả của phương pháp này vì nhiều nhóm buôn vũ khí lớn mạnh với hàng ngàn thành viên đã hoạt động trước khi Facebook ban hành lệnh cấm, đặc biệt là các nhóm có sự tham gia của nhiều lực lượng như Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda.
Hơn nữa, một số trang bán các vật dụng như áo chống đạn không vi phạm chính sách của Facebook, nhưng tiềm ẩn nguy cơ buôn thêm các loại vũ khí khác. Mới đây nhất, Facebook đã đóng cửa 6 trang buôn vũ khí trên mạng nhưng không có gì bảo đảm chúng sẽ không tái xuất dưới một vỏ bọc khác.
Các chuyên gia của ARES nhấn mạnh không chỉ riêng Facebook mà các mạng xã hội khác cũng phải theo dõi và kiểm soát chặt chẽ trước tình trạng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.