Hiểm họa bắt cóc từ Abu Sayyaf

07/07/2017 07:09 GMT+7

Bắt cóc và sát hại con tin một cách đẫm máu là thủ đoạn quen thuộc của nhóm vũ trang Abu Sayyaf, chân rết của IS ở Đông Nam Á.

Sau nhiều vụ bắt cóc và hành quyết con tin một cách vô nhân tính của Abu Sayyaf, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vô cùng phẫn nộ và đã thể hiện quyết tâm tiêu diệt nhóm cực đoan này.
“Ta sẽ ăn gan của các người nếu các người muốn. Chỉ cần thêm muối và giấm, ta sẽ ăn gan ngay trước mặt các người”, trang tin Rappler ngày 6.7 dẫn lời Tổng thống Duterte đe dọa Abu Sayyaf và khẳng định không thể để tổ chức này tiếp tục tồn tại.
Số liệu từ quân đội Philipines cho biết các tay súng Abu Sayyaf hiện vẫn đang giữ 22 con tin, đa số bị bắt cóc trên vùng biển phía nam nước này.
Ngoài ra, nhiều thành viên hiện tham gia cùng nhóm Maute chiếm đóng TP.Marawi từ ngày 23.5, dẫn đến xung đột đẫm máu khiến hơn 460 người thiệt mạng. Chiến sự bùng nổ sau khi quân chính phủ truy bắt thủ lĩnh Abu Sayyaf là Isnilon Hapilon, kẻ đứng đầu tất cả các nhóm cực đoan ở Philippines thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Khủng bố và bắt cóc
Kể từ khi thành lập vào năm 1991 và ly khai tổ chức Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), Abu Sayyaf luôn khét tiếng với các vụ tấn công đẫm máu, bắt cóc và chặt đầu con tin.
Thủ lĩnh đầu tiên Abdurajak Abubakar Janjalani là một giáo sĩ Hồi giáo từng gặp gỡ Osama Bin Laden và được al-Qaeda hỗ trợ về tài chính, huấn luyện. Abu Sayyaf từng tiến hành vụ thảm sát năm 1995 khi 200 thành viên vũ trang tấn công vào thị trấn Ipil thuộc tỉnh Zamboanga Sibugay, bắt giữ 30 con tin sau khi đốt phá và cướp bóc các ngân hàng và nhà dân. Cảnh sát trưởng thị trấn bị giết và gần 1 tỉ peso (448,5 tỉ đồng) bị cướp tại 8 ngân hàng tại đây.
Đến năm 1998, Abdurajak bị tiêu diệt trong trận đọ súng với cảnh sát trên đảo Basilan. Em trai hắn là Khadaffy Janjalani lên nắm quyền, tiếp tục tiến hành khủng bố và bắt cóc con tin trước khi bị cảnh sát tiêu diệt năm 2007. Nhóm này từng tuyên bố chịu trách nhiệm vụ tấn công đẫm máu nhất ở Philippines khi cài bom đánh chìm một chiếc phà tại vịnh Manila vào năm 2004 khiến 116 người thiệt mạng.
Thủ lĩnh hiện tại là Hapilon tuyên bố trung thành với IS vào năm 2014 và Abu Sayyaf hiện còn được biết với tên “tỉnh Philippines của Nhà nước Hồi giáo”. Sau nhiều chiến dịch trấn áp quy mô lớn của lực lượng an ninh Philippines, Hapilon quyết định giảm bớt tấn công vào các địa phương và thay bằng tăng cường bắt cóc con tin, chủ yếu là người nước ngoài, để đòi tiền chuộc cũng như sát hại dã man để khủng bố tâm lý.
Tàn ác
Trong những năm gần đây, các vụ bắt cóc và chặt đầu con tin của Abu Sayyaf diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Hồi tháng 2, nhóm này sát hại con tin người Đức là Jurgen Kantner, 70 tuổi. Nạn nhân bị bắt cóc năm ngoái khi đang đi du thuyền trên vùng biển phía nam Philippines. Cũng trong năm 2016, Abu Sayyaf chặt đầu 2 con tin người Canada sau khi bắt cóc họ tại một khu nghỉ dưỡng ở Davao.
Theo nhà chức trách, ngoài du khách, thủ đoạn mới của Abu Sayyaf là tập trung nhắm vào tàu hàng di chuyển gần vùng biển phía nam Philippines, dùng xuồng cao tốc tiếp cận chớp nhoáng để bắt con tin rồi nhanh chóng tẩu thoát. Năm ngoái, hàng loạt tàu chở than của nhiều nước ASEAN bị tấn công khiến Malaysia và Indonesia phải tạm ngưng các chuyến hàng đến Philippines suốt nhiều tháng. Trung tâm thông tin cướp biển Malaysia phát khuyến cáo tàu bè đi vào khu vực phải cảnh giác tránh xa những tàu nhỏ khả nghi. Hồi tháng 6, lực lượng Malaysia, Indonesia và Philippines bắt đầu tuần tra chung ở vùng biển tiếp giáp nhằm ngăn chặn hoạt động của các nhóm cực đoan như Abu Sayyaf và Maute.
Nhận định trên Đài CBC, chuyên gia William Braniff thuộc Đại học Maryland (Mỹ) cho rằng Abu Sayyaf thề trung thành với IS vì muốn được cung cấp tài chính, súng ống và thu hút thêm thành viên hơn là vì có chung tư tưởng cực đoan. “Ngược lại, IS có thể lợi dụng những hành động sát hại con tin tàn ác của Abu Sayyaf để tiếp tục tuyên truyền cho thanh thế của mình”, ông nói. Quan hệ lợi dụng lẫn nhau này khiến Abu Sayyaf đóng vai trò quan trọng trong ý đồ mở rộng hoạt động của IS tại Đông Nam Á.
IS tuyên chiến với Indonesia và Malaysia
Tờ The Star đưa tin IS vừa tung ra đoạn băng kêu gọi “thánh chiến” tại Malaysia và Indonesia. Trong đó, một người đàn ông đứng giữa một nhóm trẻ em và nói bằng tiếng Malaysia lẫn tiếng Ả Rập để đưa ra thông điệp tuyên chiến nhằm vào chính quyền Malaysia và Indonesia: “Hãy ghi nhớ điều này. Bọn ta không còn là công dân của các người. Bọn ta đã tự giải phóng mình và sẽ tấn công với sức mạnh không thể chống lại”. Người này sau đó ném hộ chiếu xuống đất và lũ trẻ làm theo trước khi châm lửa đốt. Hai đoạn băng khác cho thấy nhiều trẻ em trải qua huấn luyện chiến đấu bắn đạn thật. Giới chức Malaysia và Indonesia chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Trong khi đó, lực lượng an ninh Philippines thông báo bắt giữ nghi can Monaliza Romato với cáo buộc giúp cung cấp tài chính và hậu cần cho các tay súng đang đối đầu với quân chính phủ tại Marawi. Bà này bị bắt cùng 2 người khác trong cuộc khám xét ở một ngôi làng gần Marawi nơi cảnh sát tìm thấy đạn dược cùng vật liệu chế tạo bom.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.