Hệ lụy Trung Quốc khai thác bauxite ở châu Phi

16/11/2019 09:00 GMT+7

Những dự án đầu tư ồ ạt của Trung Quốc nhằm khai thác quặng bauxite ở hàng loạt nước châu Phi những năm qua đã kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Chính phủ cùng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đóng vai trò vừa là nhà nhập khẩu, đầu tư, cùng lúc cho vay viện trợ phát triển để đổi lấy việc tiếp cận các nguồn tài nguyên như bauxite ở Ghana, Guinea, CH Congo và nhiều quốc gia khác ở châu Phi.
Các lãnh đạo châu Phi và Trung Quốc đều tuyên bố dự án hợp tác khai thác bauxite sẽ giúp mang đến thịnh vượng, nhưng theo các nhà phân tích làn sóng này không những không giúp người dân xóa nghèo mà còn tác động xấu tới môi trường.
Bauxite là nguyên liệu dùng để sản xuất nhiều loại sản phẩm nhôm từ linh kiện máy bay, dụng cụ nhà bếp cho đến lon bia. Ngành công nghiệp bauxite ở Guinea bùng nổ kể từ năm 2016, khi đó các nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Malaysia và Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu do ô nhiễm nguồn nước và không khí nghiêm trọng, theo Reuters.
Chính phủ Guinea hoan nghênh doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, bao gồm Trung Quốc và mở rộng liên doanh CBG (bao gồm chính phủ, Công ty Alcoa của Mỹ và Tập đoàn Canada - Úc Rio Tinto) để tăng cường khai thác bauxite.
Ở Boké, thủ phủ ngành bauxite của Guinea, giới chức địa phương phản ánh tình trạng khai thác hủy hoại hệ sinh thái với nhiều loại động vật quý hiếm và không mang đến lợi ích gì cho người dân địa phương, theo AFP. “Kể từ khi các công ty Trung Quốc, như Shandong Weiqiao (Sơn Đông Ngụy Kiều) vào cuộc, họ tiếp tục phá hoại môi trường, bất kể rừng, đất, nguồn nước hay động vật hoang dã”, Phó thị trưởng TP.Boké thuộc tỉnh Boké, ông Mamadou Diallo cho biết.
Luật pháp quy định các công ty khai thác phải dành 0,5% doanh thu đóng góp cho ngân sách phát triển địa phương. “Tuy nhiên, chính phủ trung ương thu về khoản đóng góp này và không phân bổ lại cho địa phương”, ông Diallo nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân địa phương về mức bồi thường để di dời trước khi phá rừng và lấy đất. “Nhiều người dân nghèo lo sợ bị trả thù nếu từ chối nên đành chấp nhận mức bồi thường thấp. Những người sống xung quanh khu vực khai thác thì chấp nhận tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng”, ông Diallo bức xúc nói.
Ở Ghana, khu bảo tồn rừng nổi tiếng thế giới mang tên Atewa có nguy cơ bị hủy hoại vì hoạt động khai thác bauxite, theo tờ The Washington Post. Đây là nơi tập trung 3 con sông lớn cung cấp nước cho 5 triệu dân, cùng trữ lượng 165 triệu tấn bauxite. Chính phủ Ghana muốn khai thác bauxite với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ vào đối tác lớn duy nhất là Trung Quốc.
Vào năm 2018, chính phủ Ghana đã đạt được thỏa thuận “trao đổi” với Trung Quốc. Theo đó, chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi 2 tỉ USD để Ghana thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm cầu đường và đường sắt. Tập đoàn nhà nước Sinohydro (Trung Quốc) sẽ thực hiện các dự án. Đổi lại, quốc gia Tây Phi này cam kết trao 5% nguồn tài nguyên bauxite cho Trung Quốc.
Các tổ chức bảo vệ môi trường, giới chức địa phương nhiều lần cảnh báo nếu chính phủ cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Atewa thuộc vùng Akyem Abuakwa thì hoạt động này sẽ hủy hoại rừng, 3 con sông lớn.
Ngoài ra, bụi đỏ (sản sinh trong quá trình khai thác) sẽ gây ô nhiễm các khu vực lân cận, đồng thời đe dọa nhiều loài động vật quý hiếm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Đất đai Ghana, ông Kwaku Asomah-Cheremeh hồi tháng 9 tuyên bố chương trình khai thác thí điểm cho thấy rừng và nguồn nước sẽ không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào.
Trước đó, trong hội nghị về phát triển bền vững vào tháng 5, Tổng thống Ghana, ông Nana Addo Dankwa Akufo-Addo bác bỏ cáo buộc rằng việc khai thác bauxite ở Atewa sẽ đe dọa các loài động vật hoang dã quý hiếm ở nơi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.