Hé lộ tài liệu mật của Facebook

29/11/2018 08:06 GMT+7

Quốc hội Anh thu thập được tập tài liệu nội bộ chứa nhiều thông tin có thể làm bằng chứng chống lại Facebook và dọa sẽ công bố trong vòng 1 tuần.

Xuất phát từ một vụ kiện ở bang California (Mỹ), tập tài liệu được cho là chứa đựng nội dung trao đổi giữa nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và các quản lý cấp cao. CNN dẫn nguồn giấu tên cho hay hồ sơ này có thể làm bằng chứng cho thấy Facebook không bảo vệ thông tin cá nhân người dùng và ông Zuckerberg đã lên kế hoạch để loại bỏ các đối thủ của công ty.
“Facebook chính là công ty sử dụng sai mục đích dữ liệu cá nhân người dùng nghiêm trọng nhất lịch sử ngành công nghệ”, ông Ted Kramer, chủ Công ty công nghệ Six4Three, nói với CNN. Trước đó, Six4Three đâm đơn kiện lên tòa án California, cáo buộc Facebook thay đổi chính sách chia sẻ thông tin người dùng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty này. Trong quá trình hợp tác với Facebook, Six4Three đã nắm được tập tài liệu nội bộ nói trên và cung cấp cho nghị sĩ Damian Collins, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Thể thao, Truyền thông, Kỹ thuật số (DMSCC) thuộc Hạ viện Anh hồi tuần rồi. Facebook đã gửi thư yêu cầu Collins không công bố tài liệu nhưng nghị sĩ này tuyên bố ông dự kiến tung ra toàn bộ nội dung trong vòng 1 tuần tới.
Các nghị sĩ Anh càng giận dữ hơn sau khi ông Zuckerberg không xuất hiện mà chỉ cử Phó chủ tịch Facebook Richard Allan tham dự phiên điều trần quan trọng của quốc hội nước này về tình trạng gieo rắc thông tin sai lệch trên mạng xã hội, diễn ra hôm qua tại London. Theo Reuters, cùng tham gia phiên điều trần còn có các nghị sĩ Argentina, Bỉ, Brazil, Canada, Ireland, Latvia, Mỹ, Pháp và Singapore. Nhiều nghị sĩ kịch liệt chỉ trích sự vắng mặt của Zuckerberg và chất vấn dồn dập ông Allan về nhiều vấn đề, chẳng hạn Facebook trở thành công cụ gieo rắc thông tin giả mạo nhằm can dự vào các cuộc bầu cử, theo Reuters.
Chủ trì phiên điều trần, nghị sĩ Collins dẫn lại nội dung email hồi năm 2014 của một kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Facebook được trích từ tập tài liệu nội bộ. Trong đó, kỹ sư này cảnh báo các đối tượng với địa chỉ IP từ Nga mỗi ngày trộm hàng tỉ dữ liệu của Facebook thông qua trang Pinterest. Tuy nhiên, ông Allan lại cho rằng nội dung email bị “hiểu lầm”, đồng thời thừa nhận Facebook có những điểm yếu trong bảo vệ thông tin người dùng và ngăn chặn tin giả.
Tại phiên điều trần, các nghị sĩ Anh và 9 quốc gia đưa ra nhiều biện pháp siết chặt quản lý thông tin trên internet. Theo tờ The Washington Post, đáng chú ý là đề xuất buộc các công ty mạng xã hội phải chịu trách nhiệm pháp lý trước tin giả. Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn đang gặp khó khăn ở chỗ nếu siết chặt quản lý mạng xã hội quá mức thì có nguy cơ xâm phạm quyền tự do ngôn luận. 
Nhân viên Google phản đối dự án bí mật với Trung Quốc
Hơn 200 kỹ sư, nhà thiết kế và quản lý của Google ký tên vào thư kiến nghị yêu cầu chấm dứt dự án bí mật phát triển ứng dụng tìm kiếm Dragonfly tuân thủ chế độ kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc, theo Reuters. Đây được cho là kế hoạch bí mật của Google nhằm tái thâm nhập thị trường đại lục. Đáp lại, Google ra thông cáo nói “tất cả chỉ mới là thử nghiệm”. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết: “Hiện không có dấu hiện nào cho thấy Google sẽ ngừng kế hoạch ra mắt ứng dụng Dragonfly” nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Hồi năm 2010, Google đóng cửa dịch vụ tìm kiếm của trang Google.cn tại Trung Quốc đại lục và chuyển sang trang tìm kiếm ở Hồng Kông (Google.com.hk) do tranh cãi về kiểm duyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.