Hành trình đòi độc lập của xứ Catalonia

06/10/2017 13:30 GMT+7

Sau cuộc trưng cầu dân ý đầy sóng gió, vùng Catalonia và đất nước Tây Ban Nha đứng trước tương lai bất định với những hệ lụy khó lường.

Người dân Catalonia khá quen thuộc với truyền thuyết về một con rồng hung dữ khủng bố dân làng và luôn bắt họ phải cống nạp vàng, cừu, thậm chí cả trẻ em hết lần này đến lần khác. Một hôm, có một hiệp sĩ tình cờ đi ngang qua biết được câu chuyện nên đã tiêu diệt con rồng giúp mọi người thoát nạn. Hiệp sĩ trong truyền thuyết đó là Thánh George, vị thánh bổn mạng của xứ Catalonia, được người dân xứ này gọi là Thánh Jordi. Ngày nay, nhiều người lại liên hệ truyền thuyết này với tình trạng ở Catalonia, khi họ phải đối mặt với một con rồng mới sử dụng sức mạnh vượt trội hơn để luôn buộc dân chúng phải cống nạp, đó là chính quyền trung ương ở Madrid. Dĩ nhiên, vấn đề không đơn giản như truyền thuyết nhưng đối với nhiều người dân Catalonia, ly khai khỏi Tây Ban Nha là cách duy nhất để vươn đến tự do và thịnh vượng.
Khao khát độc lập


Tuyên bố độc lập ngày 9.10
Hãng Reuters ngày 5.10 đưa tin Catalonia dự kiến sẽ tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha vào ngày 9.10. Bà Mireia Boya, một nhà lập pháp Catalonia, cho biết tuyên bố độc lập sẽ được đưa ra sau phiên họp nghị viện địa phương để đánh giá kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm 1.10. “Chúng tôi biết rằng có thể có những vụ bắt bớ... Nhưng chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ không dừng lại trong bất cứ trường hợp nào”, bà viết trên Twitter. Đáp trả động thái này, văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ra thông cáo cho biết chính phủ sẽ không đàm phán về bất kỳ điều gì bất hợp pháp và không chấp nhận sự đe dọa. “Đàm phán dân chủ chỉ có một cách, đó là tuân thủ luật pháp”, thông cáo viết. Trước đó, vua Tây Ban Nha Felipe VI lên án phong trào đòi ly khai và nói rằng sự vô trách nhiệm của giới lãnh đạo Catalonia đe dọa ổn định kinh tế và xã hội ở vùng này cũng như trên cả nước.

Catalonia là một trong những vùng đất trù phú bậc nhất ở Tây Ban Nha với lịch sử lâu đời cùng văn hóa và ngôn ngữ riêng. Trước cuộc nội chiến Tây Ban Nha, vùng này được hưởng chính sách tự trị khá thoáng trước khi nhà độc tài Francisco Franco lên nắm quyền từ năm 1939 - 1975. Sau khi Franco qua đời, phong trào đòi tự trị lại nổi lên và Catalonia lại được trao quyền tự trị theo Hiến pháp 1978. Tuy nhiên, bản hiến pháp này vẫn tuyên bố Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha. Một đạo luật năm 2006 còn trao quyền nhiều hơn cho Catalonia trước khi bị Tòa Hiến pháp Tây Ban Nha điều chỉnh vào năm 2010 trong sự tức giận của chính quyền địa phương. Đến năm 2014, Catalonia tổ chức bỏ phiếu không chính thức, công bố 80% trong số hơn 2 triệu cử tri ủng hộ ly khai. Các lãnh đạo chủ trương ly khai lên nắm quyền tại đây vào năm 2015 đã mở đường cho phong trào này đạt đỉnh điểm là cuộc trưng cầu dân ý ngày 1.10.
Thành phố Barcelona, thủ phủ của Catalonia, luôn được Liên minh Châu Âu coi trọng và nổi tiếng với Thế vận hội mùa hè năm 1992 cũng như là nơi tổ chức các sự kiện kinh tế, du lịch và thể thao lớn. Với dân số khoảng 7,5 triệu người, Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất Tây Ban Nha, đóng góp 25,6% kim ngạch xuất khẩu, 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 20,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài đồng thời chiếm 16% dân số và 6% diện tích Tây Ban Nha. Nhiều người ở đây cho rằng Catalonia đóng góp quá nhiều tiền thuế cho Madrid trong khi chi tiêu ít hơn. Tiền thuế hằng năm Catalonia đóng sau khi khấu trừ chi tiêu đạt khoảng 10 tỉ euro (267.027 tỉ đồng), theo số liệu của chính phủ Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, phong trào đòi độc lập cũng bùng lên mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tương lai thách thức
Theo luật về bầu cử vốn bị Madrid coi là bất hợp pháp, chính quyền Catalonia sẽ tuyên bố độc lập trong vòng 2 ngày sau khi có kết quả bầu cử chính thức. Tờ Business Insider nhận định Catalonia sẽ gặp rất nhiều thách thức ngay cả khi tách khỏi Tây Ban Nha. Cho đến nay, chưa có quốc gia hay tổ chức quốc tế nào lên tiếng ủng hộ phong trào giành độc lập của xứ này nên ít nhất tuyên bố độc lập sẽ bị bác bỏ vào thời điểm ban đầu. Liên minh Châu Âu (EU) luôn ủng hộ Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã tuyên bố sẽ không xem Catalonia là thành viên. Hiện 2/3 hàng xuất khẩu của Catalonia tập trung tại thị trường châu Âu nên vùng này sẽ phải nộp đơn xin công nhận là quốc gia thành viên để có thể tiếp tục giao thương. Điều trớ trêu là lá đơn này sẽ phải được tất cả các thành viên EU thông qua, kể cả Tây Ban Nha.
Catalonia có tổng thu nhập khoảng 215 tỉ euro, cao nhất trong 17 vùng tự trị của Tây Ban Nha nhưng nhiều hàng hóa vẫn do trung ương cung cấp. Bên cạnh đó, Catalonia không có đủ lực lượng an ninh cho khu vực biên giới, trong khi các lĩnh vực then chốt như thuế, ngoại giao, quốc phòng, hàng không, đường sắt và cảng biển trước giờ đều do Madrid kiểm soát. Gần đây, Madrid còn kiểm soát tất cả chi tiêu của vùng này.
Tuy nhiên, nợ công có lẽ là mối lo ngại hàng đầu của Catalonia. Theo BBC, chính quyền Catalonia đang nợ 77 tỉ euro, tương đương 35,4% GDP của vùng tự trị này, trong đó có 52 tỉ là khoản vay nợ từ chính phủ Tây Ban Nha. Năm 2012, chính phủ thành lập một quỹ đặc biệt để cung cấp tài chính cho các vùng không thể vay mượn tiền từ các thị trường quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Catalonia là vùng nhận được nhiều tiền nhất với khoảng 67 tỉ euro kể từ khi quỹ này được giải ngân. Sau khi tuyên bố độc lập, Catalonia sẽ không được tiếp cận quỹ này nữa. Ngoài ra, cũng chưa rõ khả năng Madrid có buộc vùng này chia sẻ trách nhiệm nợ công của cả nước hay không.
Trong khi đó, chính quyền Madrid đang đứng trước 2 lựa chọn đầy khó khăn. Theo Business Insider, điều 155 hiến pháp cho phép chính phủ đình chỉ toàn bộ chính quyền địa phương nếu không tuân thủ hiến pháp hoặc gây thiệt hại đến lợi ích chung quốc gia. Trước hết, Madrid có thể cảnh cáo và đặt vùng này dưới sự kiểm soát của cảnh sát quốc gia. Biện pháp thứ hai là tuyên bố tình trạng bao vây và áp dụng thiết quân luật. Theo giáo sư luật hiến pháp Fernando Simon tại Đại học Navarra ở Tây Ban Nha, vùng Catalonia căn bản đã ở trong tình trạng “nổi loạn” và tình hình vô cùng nghiêm trọng vì cả Madrid lẫn Barcelona đều không nhượng bộ.
Cả hai phe đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhưng đưa ra các điều kiện khó chấp nhận. Thủ tướng Rajoy tuyên bố ông sẽ không bàn về trưng cầu dân ý hợp pháp trừ khi chính quyền Catalonia cùng nhau bàn bạc để sửa đổi hiến pháp. Còn Catalonia tuyên bố quyền tự quyết của mình phải được tôn trọng trước khi bước vào đàm phán. Catalonia hiện kêu gọi EU can thiệp và kêu gọi quốc tế dàn xếp, trong khi Tây Ban Nha khó chấp nhận điều này.
Tiền lệ nguy hiểm
Theo tờ The New York Times, việc Catalonia đòi ly khai là một vấn đề vô cùng đau đầu đối với Liên minh Châu Âu (EU). Tổ chức này luôn lên án và thậm chí trừng phạt nếu quốc gia nào đàn áp phong trào dân chủ. Tuy nhiên, lần này là trường hợp của Tây Ban Nha và EU lo ngại phong trào đòi ly khai sẽ tiếp tục lan rộng tại các nước thành viên. Giới quan sát nhận định EU khó chấp nhận yêu cầu của lãnh đạo vùng Catalan Carles Puigdemont về việc tham gia hòa giải. Cùng với cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 ở Scotland, diễn biến ở Catalonia khiến các quốc gia châu Âu lo ngại làn sóng này sẽ gây hiệu ứng dây chuyền đến vùng Flander của Bỉ, đảo Corse ở Pháp, đảo Faroe ở Đan Mạch hay vùng đất phía bắc Ý. Dù không đòi hỏi độc lập nhưng ngày 22.10 tới đây, hai vùng giàu có ở Ý là Lombardy và Veneto sẽ trưng cầu dân ý về việc có tăng quyền tự trị, chẳng hạn như giữ lại nhiều tiền thuế hơn hay không.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.