Hàn Quốc dự định đóng tàu sân bay hạng nhẹ

Tường Vi
Tường Vi
12/08/2020 19:14 GMT+7

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này lên kế hoạch chế tạo chiếc tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên vào năm tới và mua máy bay chiến đấu loại F-35B để hoạt động trên tàu.

Vào năm 2019, Hàn Quốc từng che giấu mối quan tâm về tàu sân bay mà chỉ nói rằng nước này sẽ chế tạo một “chiếc tàu vận tải đa năng cỡ lớn”. Nhưng nay Chính phủ Hàn Quốc lần đầu khẳng định sẽ chế tạo tàu sân bay, loại khí tài trị giá hàng tỉ USD trong kế hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được công bố hồi tuần trước, theo CNN ngày 12.8.

“Chiếc tàu sân bay với lượng choán nước 30.000 tấn có thể vận chuyển lực lượng quân sự, trang thiết bị và có đủ không gian để máy bay chiến đấu cất và hạ cánh thẳng đứng. Ngoài ra, tàu còn cho phép quân đội ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa, điều động lực lượng và vận chuyển trang thiết bị đến vùng biển tranh chấp, đóng vai trò như một tàu chỉ huy cho lực lượng hải quân”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Dự kiến Hàn Quốc sẽ mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ sản xuất, có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Tàu sân bay do Hàn Quốc chế tạo sẽ gần giống với tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản (lượng choán nước toàn tải 27.000 tấn)

AFP

Như vậy Hàn Quốc sẽ phối hợp cùng Nhật Bản và Mỹ triển khai máy bay chiến đấu F-35B trên tàu sân bay hạng nhẹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Với lượng choán nước 30.000 tấn, kích thước của tàu sân bay do Hàn Quốc chế tạo sẽ tương đương với tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản, nhưng nhỏ hơn lớp tàu tấn công đổ bộ USS America của Hải quân Mỹ (lượng choán nước 43.000 tấn, mang được chiến đấu cơ tàng hình F-35B).

Trung Quốc cũng đang đóng các tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa có các máy bay chiến đấu có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho các con tàu này.

Tàu tấn công đổ bộ USS America của Hải quân Mỹ (lượng choán nước 43.000 tấn) với các chiến đấu cơ tàng hình F-35B

Hải quân Mỹ

Tuy vậy, một vị tướng quân đội Hàn Quốc đã về hưu là Chun In-bum đặt câu hỏi liệu Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư khôn ngoan hay không.

Ông Chun nói: “Phân tích chi phí và lợi ích thực sự cần phải thực hiện thì có đáng để đầu tư hay không? Ở một khía cạnh khác, liệu có phải Hàn Quốc đang chuyển hướng tiềm lực ưu tiên nếu đầu tư vào thiết bị quân sự này?”. Thay vào đó, theo ông Chun, Chính phủ Hàn Quốc nên ưu tiên các lĩnh vực như hậu cần, huấn luyện và thậm chí là trang bị thiết bị vô tuyến điện tốt hơn cho quân đội nước này
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.