Giao thông công cộng Pháp tê liệt vì đình công

09/12/2019 08:39 GMT+7

Các cuộc đình công phản đối cải cách lương hưu trên toàn quốc khiến hệ thống giao thông công cộng ở Pháp bị tê liệt trong bốn ngày liên tiếp.

Tính đến ngày 9.12, các hệ thống giao thông công cộng bị tê liệt trong bốn ngày liên tiếp do công đoàn của công ty đường sắt quốc gia SNCF và hệ thống giao thông công cộng Paris RATP tiến hành đình công nhằm phản đối cải cách lương hưu, theo Reuters.
Nhiều người dân phải nghỉ làm vài ngày hoặc được phép làm việc tại nhà. Tuy nhiên, hàng ngàn người không có lựa chọn, buộc phải lên những chuyến xe lửa và tàu điện ngầm quá tải, trong khi số lượng chuyến tàu bị giảm xuống mức thấp nhất.
Trong cuộc họp chính phủ cuối tuần rồi, một số bộ trưởng đề nghị tái cân nhắc một số biện pháp cải tổ. "Tôi muốn ngân sách nhà nước được cân bằng, nhưng không trở nên giáo điều, chúng ta cần tiếp tục thảo luận về cải cách lương hưu", Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói.

[VIDEO] Đình công chống cải cách lương hưu có làm tê liệt nước Pháp?

Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố: "Tôi quyết tâm hoàn tất việc cải cách lương hưu này. Nếu chúng ta không cải cách toàn diện và nghiêm túc hôm nay, người khác sẽ thực hiện trong tương lai".
Vào ngày 11.12, ông Philippe sẽ công bố kế hoạch cải tổ chi tiết nhằm chấm dứt các chế độ đặc biệt cho phép người lao động nghỉ hưu ở tuổi 50 và thay thế bằng một hệ thống toàn diện nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.
Cuộc họp chính phủ hôm 7.12 tập trung thảo luận về việc cải cách sẽ ảnh hưởng đến nhóm tuổi nào. Hồi tháng 7, ông Jean-Paul Delevoye, người đứng đầu dự án cải cách luật lao động ở Pháp, cho biết cải cách lương hưu ảnh hưởng đến những người sinh năm 1963 hoặc sau đó.
Trong một thập niên qua, tuổi nghỉ hưu chính thức ở Pháp đã tăng từ 60 lên 62, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong các nước giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chẳng hạn, ở Anh, tuổi nghỉ hưu là 66.
Tuy nhiên, Pháp có hệ thống phức tạp với 42 chương trình lương hưu khác nhau cho khối tư nhân và nhà nước, với tuổi nghỉ hưu và phúc lợi khác nhau. Chính phủ Pháp muốn cải tổ để tạo ra một hệ thống duy nhất.
Theo đề xuất cải cách lương hưu, chính phủ Pháp sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi và người lao động nghỉ hưu trước 64 tuổi thì lương hưu sẽ bị giảm. Chẳng hạn, một người nghỉ hưu ở tuổi 63 thì lương hưu bị giảm 5%.
Các nghiệp đoàn lên tiếng phản đối, cho rằng kế hoạch này sẽ buộc người lao động làm việc lâu năm hơn nhưng mức lương hưu lại bị giảm.

[VIDEO] Biểu tình phản đối cải cách lương hưu đầy bạo lực tại Pháp

Lãnh đạo nghiệp đoàn CGT Philippe Martinez tuyên bố người lao động sẽ đấu tranh cho đến khi chính phủ hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch cải tổ lương hưu.
Để xoa dịu sự giận dữ từ các nghiệp đoàn, chính phủ Pháp tuyên bố sẵn sàng trì hoãn thời gian thực hiện kế hoạch cải tổ, cam kết giải quyết linh hoạt những bất cập giữa hệ thống lương hưu cũ và mới.
Tuy nhiên, các nghiệp đoàn lên kế hoạch tiến hành cuộc biểu tình lần thứ hai vào ngày 10.12. Cuộc biểu tình đầu tiên hôm 5.12 có 65.000 người tham gia ở Paris và 806.000 người trên phạm vi toàn quốc, theo số liệu cảnh sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.