Giáo sư Thayer: Căng thẳng Indonesia - Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông tệ hơn

23/03/2016 19:43 GMT+7

Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc sau vụ đụng độ tàu hải cảnh tại vùng biển gần quần đảo Natuna ngày 19.3 sẽ khiến tình hình Biển Đông tồi tệ hơn, theo Giáo sư Carl Thayer.

Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc sau vụ đụng độ tàu hải cảnh tại vùng biển gần quần đảo Natuna ngày 19.3 sẽ khiến tình hình Biển Đông tồi tệ hơn, theo Giáo sư Carl Thayer.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: ReutersTàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: Reuters

Giới chức Indonesia cho biết sẽ khởi tố vụ 8 ngư dân Trung Quốc được cho đánh bắt trộm trên vùng biển của Indonesia. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông, thông qua những yêu sách lãnh thổ phi lý (đường 9 đoạn) cắt ngang nhiều vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước trong khu vực.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, trong bài viết trên chuyên san The Diplomat, ngày 22.3 cho rằng Indonesia rơi vào thế khó qua sự kiện lần này.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trong buổi họp báo ngày 21.3 nhắc lại quan điểm rằng căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh vừa qua không liên quan tới Biển Đông, và nhấn mạnh rằng “Indonesia không phải là nước có yêu sách trên Biển Đông”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa qua cũng một lần nữa khẳng định rằng tàu cá Trung Quốc “hoạt động bình thường trên vùng biển đánh bắt lâu đời của Trung Quốc” (?), một cách lập luận cũ kỹ, mơ hồ.

Theo Giáo sư Carl Thayer, việc Trung Quốc đưa ra khái niệm “quyền lịch sử” trên Biển Đông, bao gồm các tuyên bố ngang nhiên là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, quản lý tất cả các hòn đảo và vùng nước xung quanh, bao gồm cả “đường chín đoạn” phi lý đi qua EEZ của các nước đã vô tình đẩy Indonesia tiến ra phía trước trong việc thách thức “đường chín đoạn” ấy.

Vấn đề nằm ở chỗ từ trước tới nay, Trung Quốc luôn muốn ôm trọn Biển Đông bằng chiến thuật mơ hồ, tránh mọi biện pháp kiện tụng quốc tế và chỉ muốn đàm phán song phương.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Indonesia sẽ khiến tình hình Biển Đông ngày càng tồi tệ - Ảnh: Bảo Vinh

Đây là chuyện cũng đang xảy ra trong mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong thời gian qua. Theo đó, Bắc Kinh và Washington đổ lỗi cho nhau trong việc ai đang quân sự hóa trên Biển Đông.

Quan điểm về việc thực hiện các Hoạt động Tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) của Mỹ, bao gồm việc đưa tàu chiến tiến sát khu vực “12 hải lý” tại các đảo do Trung Quốc xây dựng trái phép, trên thực tế “trao cho Trung Quốc quá nhiều sự tôn trọng luật pháp”, nghĩa là vô tình thừa nhận tính hợp pháp của các công trình phi pháp ấy, theo Giáo sư Thayer.

Như vậy, trong thời điểm Indonesia vẫn đang giằng xé giữa việc giữ quan hệ đối tác với Trung Quốc hay phản ứng mạnh mẽ về vấn đề bị xâm phạm EEZ, cũng như hành động theo nguyên tắc ngoại giao bebas-aktif (độc lập và chủ động) với các vấn đề Biển Đông, mọi thứ vẫn "kẹt cứng". Phát biểu tại Jakarta, chuyên gia Donald Weatherbee cũng nói rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thất bại trong việc áp dụng nguyên tắc bebas-aktif.

Ngoài ra, với việc chính quyền Mỹ sẽ thay đổi sau khi Tổng thống Barack Obama nhường lại vị trí cho tân tổng thống sau cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2016, câu chuyện sẽ hứa hẹn có những thay đổi tiếp diễn. Chỉ có điều trong thời gian “chờ” Indonesia và Mỹ có sự chuyển biến, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông, và tình hình sẽ còn tệ hơn trước khi có cơ hội sáng sủa trở lại, theo Giáo sư Thayer.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.