Gian nan cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Trump

Văn Khoa
Văn Khoa
18/11/2020 08:05 GMT+7

Dù giới chức bang Georgia phát hiện số phiếu chưa được kiểm có lợi cho Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến pháp lý của ông về kết quả bầu cử vẫn chưa có dấu hiệu tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt.

Tờ The Atlanta Journal-Constitution hôm qua 17.11 dẫn lời ông Gabriel Sterling, quan chức quản lý hệ thống bầu cử bang Georgia, cho hay trong quá trình kiểm phiếu lại, giới chức phát hiện hơn 2.600 phiếu ở hạt Floyd chưa được kiểm. Ông Sterling khẳng định đó là do lỗi của con người, không phải thiết bị. Sau khi kiểm số phiếu trên, giới chức phát hiện có 1.643 phiếu ủng hộ Tổng thống Trump và 865 phiếu ủng hộ cựu Phó tổng thống Joe Biden.

Hơn 3.200 phiếu bầu cho Tổng thống Trump bị đếm sót tại bang Georgia

Ngày 11.11, ông Brad Raffensperger, quan chức cấp cao Georgia, ra lệnh kiểm phiếu lại bằng tay tất cả phiếu bầu sau khi kết quả cho thấy ông Biden dẫn cách biệt ông Trump khoảng 14.000 phiếu (0,3%). Việc kiểm phiếu lại dự kiến hoàn tất trước khi bang Georgia công bố kết quả bầu cử vào ngày 20.11.
Cũng vào hôm qua, Ủy ban Bầu cử bang Wisconsin cho hay nếu muốn kiểm phiếu lại ở toàn bang, nhóm phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ phải trả chi phí cho việc này lên tới 7,9 triệu USD, theo AP. Kết quả kiểm phiếu chưa chính thức ở Wisconsin cho thấy ông Trump thua ông Biden với số phiếu cách biệt khoảng 20.500 phiếu. Giới chức bầu cử Wisconsin đưa ra hạn chót phía ông Trump muốn kiểm phiếu lại là lúc 17 giờ ngày 18.11 (giờ Mỹ).
Đến nay, Tổng thống Trump vẫn chưa thừa nhận thất cử và nhóm phụ trách chiến dịch tranh cử của ông đã nộp đơn kiện ở nhiều bang nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Tuy nhiên, nhiều đơn kiện đã bị thẩm phán bang bác bỏ. Ngày 16.11, thêm 3 luật sư đại diện cho nhóm phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump đã yêu cầu rút khỏi vụ kiện thách thức kết quả bầu cử ở bang chiến địa Pennsylvania. Yêu cầu được đưa ra chỉ một ngày trước khi phiên tòa dự kiến diễn ra. Luật sư Marc Scaringi, đại diện phía ông Trump, đề nghị thẩm phán cho hoãn phiên tòa để có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng đã bị thẩm phán từ chối, theo Reuters.

Ông Biden: Nếu ông Trump chậm chuyển giao quyền lực, nhiều người sẽ chết vì Covid-19

Phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn An ninh toàn cầu, được tổ chức ở Qatar ngày 16.11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho hay quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden chỉ diễn ra nếu các đơn kiện “không cho ra kết quả tốt”, theo báo The Hill. Mặt khác, ông O’Brien nhấn mạnh nếu ông Biden được công nhận là người thắng cử, “chúng tôi sẽ có cuộc chuyển tiếp quyền lực chuyên nghiệp từ Hội đồng An ninh quốc gia”.
Ông Biden kêu gọi đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 16.11 ở TP.Wilmington (bang Delaware, Mỹ), ông Joe Biden nhấn mạnh Mỹ cần phải tích cực đàm phán với các đồng minh nhằm đưa ra bộ quy tắc thương mại toàn cầu nếu muốn đối phó chiến lược nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Nền kinh tế Mỹ đóng góp 25% trong bức tranh toàn cầu, và chúng ta cần thêm 25% hoặc hơn nếu muốn ấn định luật lệ của cuộc chơi”, Hãng Reuters dẫn lời ông Biden.

Ông Biden sẽ làm gì với Trung Quốc - thách thức đối ngoại lớn nhất nhiệm kỳ tổng thống?

Theo ông, chính quyền Washington “cần đầu tư mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Mỹ”, từ đó đảm bảo rằng các lợi ích của lao động và môi trường phải hiện diện trong bất kỳ nỗ lực thương thuyết thương mại, và trên hết ngừng “chọc giận” các đồng minh.
Đội ngũ Dân chủ chuẩn bị kế hoạch hành động chi tiết cho ngày làm việc đầu tiên của chính quyền ông Biden ở Nhà Trắng. Trong khi đó, các cố vấn tiết lộ ông Biden sẽ không lập tức dỡ bỏ các thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc.
H.G
Nhật muốn hoãn thỏa thuận về chi phí căn cứ Mỹ
Tờ Nikkei Asian Review ngày 17.11 đưa tin một số quan chức Nhật Bản muốn hoãn thỏa thuận với Mỹ về chia sẻ chi phí cho binh sĩ Mỹ đồn trú, kỳ vọng kéo dài đến lúc ông Joe Biden có thể nhậm chức.
Thỏa thuận 5 năm sẽ hết hạn vào cuối tháng 3.2021 và hai bên thường sớm thảo luận về thỏa thuận thay thế nhằm đạt sự thống nhất vào tháng 12, khi chính phủ Nhật lên kế hoạch cho tài khóa mới. Tuy nhiên đại dịch và bầu cử Mỹ đã khiến đàm phán năm nay bị hoãn. Tổng thống Trump muốn Nhật chi thêm, trong khi Tokyo cho rằng đã đóng góp đủ.
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.