Giải mật đề xuất nhà nước trung lập của Triều Tiên

Ngọc Mai
Ngọc Mai
31/03/2018 07:31 GMT+7

Sau hơn 30 năm, Hàn Quốc mới công bố đề xuất bí mật từng được CHDCND Triều Tiên nhờ Liên Xô chuyển tới Mỹ nhưng không thành.

Ngày 30.3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc công bố hồ sơ giải mật về đề xuất của miền Bắc vào năm 1987 nhằm giải quyết các vấn đề trên bán đảo. Theo Yonhap, Triều Tiên đã nhờ lãnh đạo Liên Xô khi đó là ông Mikhail Gorbachev chuyển các ý tưởng giải pháp hòa bình cho Mỹ. Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Washington D.C vào ngày 9.12.1987, ông Gorbachev đã đích thân giao đề xuất bí mật nói trên cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Nội dung kế hoạch nêu rõ Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) muốn các bên cùng đặt ra một nhà nước trung lập, đóng vai trò như vùng đệm trên bán đảo. Cụ thể, nhà nước này theo thể chế cộng hòa kiểu liên bang, gồm hai chính quyền khác nhau đại diện cho hai miền Triều Tiên và gia nhập LHQ dưới một cái tên chung cho cả hai miền. Cũng theo đề xuất, Bình Nhưỡng và Seoul sẽ ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, đồng thời thay thế thỏa thuận đình chiến bằng hiệp định hòa bình.
Ngoài ra, Triều Tiên đề nghị mỗi miền cắt giảm số binh sĩ xuống dưới 100.000 người như một bước để tạo điều kiện hướng tới hòa bình trên bán đảo. Theo tài liệu giải mật, nước này còn muốn cùng miền Nam hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận và hiệp định đã đạt được với các đối tác bên ngoài (gồm cả Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc). Chính quyền Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng kêu gọi rút toàn bộ vũ khí hạt nhân và binh sĩ nước ngoài khỏi bán đảo, được cho là nhằm vào lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Theo hồ sơ giải mật, Triều Tiên xem nối lại đàm phán liên Triều như một điều kiện tiên quyết mở đường cho sự chung sống hòa bình của hai miền, đồng thời kêu gọi Liên Xô và Mỹ tiến hành các biện pháp cân bằng lẫn nhau để xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
Ít ngày sau khi cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Reagan, lãnh đạo Gorbachev liên lạc với cố vấn an ninh của chủ nhân Nhà Trắng khi đó là ông Colin Powell (sau này là Ngoại trưởng Mỹ từ 2005 - 2011) để tìm hiểu tình hình. Ông Powell phản hồi rằng Washington sẽ sớm cân nhắc về đề xuất, đồng thời tỏ ý muốn các bên giữ kín bí mật. Sau đó, Mỹ trả lời rằng vấn đề này phải do Hàn Quốc tự quyết định nhưng cũng cảnh báo những ý tưởng nói trên là thiếu thực tế nếu Triều Tiên không thể hiện rõ thiện chí sẵn sàng tạo dựng niềm tin.
Không rõ các bên có thảo luận thêm lần nào hay không nhưng kế hoạch của Bình Nhưỡng đều không thành hiện thực. Ngày 17.9.1991, cả hai miền Triều Tiên cùng gia nhập LHQ một cách riêng rẽ. Về lý thuyết, 2 nước hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh. Đến nay, hơn 23.000 binh sĩ Mỹ vẫn duy trì đồn trú tại Hàn Quốc, đồng thời thường xuyên triển khai các khí tài chiến lược như oanh tạc cơ và tàu sân bay đến khu vực.
Tài liệu mật nói trên được công bố giữa lúc tình hình khu vực có nhiều biến động bất ngờ theo chiều hướng được đánh giá là tích cực. Hai miền Triều Tiên nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 27.4, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp lịch sử trong tháng 5.
Cũng trong hôm qua, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hàn Quốc gặp Tổng thống Moon Jae-in để thông tin về nội dung chuyến thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Triều Tiên trước đó. Yonhap dẫn lời ông Dương tuyên bố cuộc hội đàm thượng đỉnh Trung - Triều sẽ giúp các cuộc gặp sắp tới thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Theo giới quan sát, những diễn biến nói trên là bằng chứng về bước chuyển chiến lược về ngoại giao của lãnh đạo Kim chỉ trong 3 tháng, từ khi thể hiện sẵn sàng đàm phán trong bài phát biểu trước quốc dân hồi đầu năm cho đến chủ động đổi cách tiếp cận từ song phương thành đa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.