Giải mã chiến lược của lãnh đạo Kim Jong-un

15/12/2018 07:00 GMT+7

Theo giới quan sát, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có hẳn chiến lược bài bản để gây sức ép lên liên minh Hàn - Mỹ và mang về nhiều lợi thế cho Bình Nhưỡng.

Một buổi sáng mùa đông tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), nơi chia cắt bán đảo Triều Tiên từ năm 1953 và hiện vẫn là một trong những khu vực nhạy cảm và an ninh bậc nhất, nhiệt độ hạ xuống ngưỡng -2oC, để lại những mảng băng đọng trắng xóa bên rìa vỉa hè ngoài nhà ga Dorasan. Không lâu trước đó, đoàn tàu chở quan chức và chuyên gia Hàn Quốc đã rời nhà ga này, lần đầu đi vào địa phận miền Bắc sau hơn một thập niên để thực hiện cuộc khảo sát đường sắt kéo dài 18 ngày.
Quan hệ ấm lên quá nhanh
Vì khâu chuẩn bị khá vội vàng, đoàn nhà báo chỉ có thể tiếp cận DMZ như một du khách bình thường, mà không đến được Bàn Môn Điếm hay Khu vực An ninh chung (JSA), nơi hồi tháng 4 nhà lãnh đạo Kim Jong-un dắt tay Tổng thống Moon Jae-in bước qua giới tuyến tạm thời. Tuy nhiên, chúng tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi tại đây. Chẳng còn bóng dáng các bộ quân phục bên trong nhà ga Dorasan như thường thấy. Khi đứng trên Đài quan sát Dora, phần gần địa phận Triều Tiên nhất, không còn nghe thấy tiếng loa tuyên truyền vang vọng mọi khi. Trong khi đó, tại JSA đang diễn ra hoạt động tháo gỡ bom mìn, dỡ bỏ các chốt pháo và vũ khí.
[VIDEO] Những khoảng khắc tại Vùng phi quân sự liên Triều
Những diễn biến trên phần nào củng cố niềm tin bán đảo Triều Tiên tạm thoát khỏi nguy cơ bùng nổ xung đột. Còn chính quyền Tổng thống Moon thì ra sức thúc đẩy quan hệ liên Triều theo hướng tích cực, điều mà các quan chức và giới phân tích Mỹ quan ngại vì Seoul đẩy nghị trình quá nhanh, gây sức ép đối với Washington. Trao đổi với chúng tôi tại Washington D.C, tiến sĩ Sue Mi Terry tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), phân tích chính quyền Seoul cho rằng họ cần phải tiếp tục tìm cách giảm căng thẳng giữa hai miền. “Cho đến khi nào còn cải thiện được quan hệ liên Triều, họ hy vọng có thể tích góp dần ảnh hưởng lên ông Kim Jong-un và dẫn dắt mọi chuyện thay đổi theo chiều hướng mà họ theo đuổi”, theo nữ tiến sĩ. Thế nhưng, một số chuyên gia Hàn, Mỹ khi trò chuyện với đoàn nhà báo tỏ ra hoài nghi về khả năng trên.
[VIDEO] Xem trạm gác Triều Tiên nổ tung tại khu phi quân sự
Chiến lược khôn ngoan
Theo đánh giá của giới chuyên gia, kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, ông Kim Jong-un đã xây dựng chiến lược khôn ngoan, xuyên suốt và có hệ thống. Sau thời gian phát triển chương trình vũ khí, Bình Nhưỡng vào năm 2017 đã đạt đến đỉnh điểm đủ để gây sức ép nhằm vào liên quân Hàn - Mỹ. Sau khi làm tốt công đoạn “đe dọa”, ông Kim Jong-un tiến tới cuộc vận động ngoại giao. Trong vòng 6 tháng, nhà lãnh đạo đã 3 lần gặp Tổng thống Hàn Quốc, để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp mình 3 lượt, lần đầu tiên ngồi vào bàn đối thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, một quan chức chuyên trách vấn đề Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ gây sốc khi tiết lộ bất chấp các chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ - Triều cho đến nay vẫn chưa thiết lập kênh làm việc chính thức để thảo luận các điều khoản chi tiết nhằm thực thi tuyên bố chung tại Singapore. “Chúng tôi không có cơ hội ngồi xuống. Thậm chí khi gặp lãnh đạo Kim Jong-un, Ngoại trưởng Pompeo chỉ đủ thời gian gửi lời mời gặp mặt lần hai từ Tổng thống Trump”, quan chức này nói.
[VIDEO] Tổng thống Trump 'phải lòng' lãnh đạo Triều Tiên?
Một viên chức Hàn Quốc tiết lộ với Thanh Niên rằng Mark Lambert, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao về Triều Tiên, trong tuần này đã đến Hà Nội và sau đó là Mông Cổ, để bàn bạc vấn đề liên quan đến Bình Nhưỡng. Ông đề cập khả năng VN được chọn là điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 nhưng chưa có gì là chính thức. Chia sẻ với Thanh Niên, nhà báo Kim Jin-ho của tờ The Kyunghyang Shinmun nhận xét Mỹ đang đối đầu một dạng “kẻ thù mới”, trong khi tiến sĩ Sue Mi cho rằng thời cơ hiện nghiêng về hướng Triều Tiên nếu muốn đạt được mục tiêu của mình: được công nhận như Pakistan (có vũ khí hạt nhân nhưng không chính thức). Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ đi vào ngõ cụt nếu bỏ lỡ cơ hội vào năm 2019 vì qua năm 2020 ông Trump sẽ dồn sức giữ ghế tổng thống và quốc hội Hàn Quốc bầu cử lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.