G7 vẫn chia rẽ về vấn đề nhập cư

28/05/2017 07:12 GMT+7

Tại Hội nghị cấp cao G7 diễn ra ở Sicily (Ý) từ ngày 26 - 27.5, lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển đã đồng ý đẩy mạnh các biện pháp mới chống khủng bố.

Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo kêu gọi những nhà cung cấp dịch vụ internet, các mạng xã hội như Facebook, Twitter tăng cường nỗ lực giúp kiểm soát các nội dung mang tư tưởng cực đoan, kích động bạo lực.
Một điểm bất ngờ trong hội nghị là Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý đưa cam kết chống bảo hộ thương mại vào tuyên bố chung, theo Reuters. Tổng thống Trump trước đây từng ủng hộ các biện pháp bảo hộ mậu dịch, nói rằng Mỹ đang phải chịu đựng hậu quả vì những hành vi thương mại không lành mạnh từ một số đồng minh phương Tây chính, bao gồm cả Đức, cũng như từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển.
Tuy vậy, các lãnh đạo G7 không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề nhập cư. Ý đã tổ chức hội nghị tại Sicily với hy vọng các nước tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trên Địa Trung Hải như mở thêm các kênh hợp pháp tiếp nhận người nhập cư, và hội nghị lần này cũng có sự tham gia của lãnh đạo các nước châu Phi như Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia. Dẫu vậy, mong muốn của Ý đã bị bác bỏ. Theo Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên, Anh và Mỹ đã phản đối rất mạnh mẽ ý tưởng trên.
Về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni cho biết Tổng thống Trump vẫn từ chối ủng hộ cắt giảm xả thải theo Hiệp định Paris về bảo vệ khí hậu trái đất và Washington đã được cho thêm thời gian để cân nhắc về vấn đề này. Theo BBC, 6 lãnh đạo khác trong G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đồng ý ký tuyên bố tái khẳng định sự ủng hộ với Hiệp định Paris và Mỹ sẽ quyết định động thái tiếp theo của nước này sau khi hoàn tất việc đánh giá về thỏa thuận trên.

tin liên quan

Khó bằng mặt, không bằng lòng
Cũng như Hội nghị cấp cao NATO vừa diễn ra liền kề, Hội nghị cấp cao G7 ở Sicily (Ý) lần đầu tiên có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.