Đức đau đầu với rác thải hạt nhân

Khánh An
Khánh An
02/12/2019 08:00 GMT+7

Đức sẽ đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân trong 2 năm tới nhưng chưa tìm được nơi an toàn để chôn rác thải phóng xạ trong vòng 1 triệu năm.

Chỉ vài ngày sau thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 3.2011, làn sóng biểu tình lớn bùng nổ tại Đức và kéo dài hơn 2 tháng trước khi chính phủ thông báo sẽ đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân trên cả nước vào năm 2022. Theo CNN, với kế hoạch đóng cửa 7 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, Đức đang đối diện thách thức lớn trong việc tìm “nghĩa địa” cho rác thải trước thời hạn chính phủ đưa ra là năm 2031.
Bộ Kinh tế và Năng lượng cho biết cơ quan chức năng cần tìm nơi chôn rác thải phóng xạ với “độ an toàn, an ninh cao tối đa trong thời gian 1 triệu năm”, nhưng cảnh báo cả nước không có nơi nào phù hợp.

Rác thải chết người

Chỉ đứng sau Anh và Pháp, Đức có hơn 28.000 m3 rác thải phóng xạ cần giải quyết khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Số rác thải độ phóng xạ cao hiện được chứa trong những kho lưu trữ tạm thời nằm gần các nhà máy điện. Theo Giáo sư Miranda Schreurs tại Đại học Kỹ thuật Munich, thành viên nhóm phụ trách tìm nơi chôn rác thải hạt nhân tại Đức, những kho này được thiết kế chỉ để chứa trong vài thập niên. Trong khi đó, rác thải độ phóng xạ cao gồm những thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đưa ra từ các nhà máy và thuộc loại nguy hiểm nhất. “Nếu mở hộp chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, bạn sẽ chết ngay lập tức”, bà Schreurs nói và cho biết những thanh nhiên liệu rất nóng nên khó di chuyển an toàn.
Theo Văn phòng liên bang về Quản lý an toàn rác thải hạt nhân, Đức hiện có 27 điểm tạm trữ rác thải phóng xạ để làm nguội chúng trong thời gian ngắn. Chính phủ đang tìm kiếm nơi có thể chôn chúng lâu dài, sâu ít nhất 1 km trong lòng đất. Các chuyên gia cho biết vị trí đó phải đáp ứng các điều kiện về độ rắn chắc, không có nước ngầm hay động đất. Nếu xét về các điều kiện này thì Phần Lan là nước đạt yêu cầu hàng đầu. Quốc gia Bắc Âu này có 4 nhà máy điện hạt nhân và còn dự định xây thêm, trong khi đang chuẩn bị nơi chôn cất rác thải phóng xạ dưới lớp đá granite.
Bà Schreurs cho biết vấn đề của Đức là không có những vùng đá granite như thế nên phải tính chuyện chôn lấp tại những môi trường địa chất mềm xốp hơn, nhưng phải đáp ứng yêu cầu về tính ổn định và nơi đó sẽ phải niêm phong hoàn toàn trong khoảng thời gian 2130 - 2170. Bên cạnh đó, các chuyên gia đang nghiên cứu cách thông báo cho nhiều thế hệ trong hàng ngàn năm sau nhằm cảnh báo họ tránh xa địa điểm này, do ngôn ngữ khi đó có thể hoàn toàn khác biệt.

Bài toán hóc búa nhất

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với cơ quan chức năng Đức là tìm một nơi mà người dân chấp nhận sống gần bãi chôn rác thải phóng xạ. Bà Schreurs thừa nhận việc lấy được lòng tin của người dân không phải là chuyện dễ, nhất là sau nhiều sự cố tại những kho lưu giữ trong thời gian gần đây.
Trong hơn 40 năm qua, người dân làng Gorleben ở vùng Hạ Saxony luôn đấu tranh quyết liệt nhằm phản đối kế hoạch đặt bãi chôn rác thải phóng xạ tại đây, được đề xuất lần đầu vào năm 1977. Khi đó, Gorleben là nơi thưa người ở Tây Đức và gần biên giới Đông Đức, với tỷ lệ thất nghiệp cao nên một số chính trị gia cho rằng dự án sẽ tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, vô số cuộc biểu tình xảy ra và người dân còn chặn tuyến đường sắt chở rác thải phóng xạ đến một kho lưu trữ tạm thời tại đây. Chính phủ từng cho đào một mỏ thăm dò ở Gorleben nhưng vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân nên buộc phải khởi động lại dự án khảo sát trên cả nước nhằm tìm nơi phù hợp. Theo bà Schreurs, không chỉ riêng tại Đức mà với hơn 400 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, trong đó nhiều nhà máy gần hết thời hạn hoạt động, thì vấn đề chôn cất rác thải đang khẩn cấp hơn bao giờ hết.
“Ngôi mộ” hạt nhân bị nứt
“Ngôi mộ” hạt nhân bị nứt1

Ngôi mộ hạt nhân trên đảo Runit

Ảnh: chụp màn hình The Sun

Theo trang Science Alert, bãi chôn rác thải hạt nhân trên đảo Runit thuộc quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, thường được gọi là “Ngôi mộ”, đang có nguy cơ bị rò rỉ. Từ năm 1948 - 1958, Mỹ tiến hành thử nghiệm 67 vụ nổ hạt nhân tại quần đảo này, theo Los Angeles Times. Đến năm 1977, Mỹ điều khoảng 4.000 binh sĩ đến đưa 877.000 m3 chất thải phóng xạ vào hồ kín để chôn và phủ bê tông, phần lớn chứa plutonium - một đồng vị phóng xạ có thể gây ung thư phổi nếu hít phải. Tuy nhiên, mái vòm gần đây xuất hiện các vết nứt, bong tróc và nước biển dâng khiến “Ngôi mộ” có thể bị vỡ. Các quan chức Marshall Islands kêu gọi chính phủ Mỹ trợ giúp xây dựng lại mái vòm nhưng bị từ chối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.