Động thái của Mỹ ở Biển Đông năm 2018

Văn Khoa
Văn Khoa
04/01/2018 07:48 GMT+7

Giới chuyên gia dự đoán tình hình Biển Đông có thể tạo ra áp lực mới buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump hành động mạnh hơn.

Trong năm 2017, Mỹ đã ít nhất 4 lần triển khai chiến hạm tuần tra áp sát những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông để thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP).
Reuters dẫn lời giới chức Washington khẳng định chương trình FONOP là nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở vùng biển này. Trả lời Thanh Niên, chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng dù chưa thể hiện tác dụng trong việc buộc Trung Quốc dừng các hoạt động xây dựng phi pháp và quân sự hóa ở Biển Đông, hiệu quả chính của FONOP ít nhất là nhằm ngăn chặn Trung Quốc đẩy căng thẳng quá xa đến mức đe dọa khu vực. “FONOP có tác dụng như là một hình thức răn đe, buộc Trung Quốc phải xem xét tới khả năng can dự của Mỹ ở Biển Đông nếu đẩy vấn đề leo thang với những bên tranh chấp khác”.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng FONOP nói riêng và áp lực quốc tế nói chung “chưa đủ” vì Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên xây dựng nhiều cơ sở dân sự và quân sự trên những đảo nhân tạo phi pháp, theo tờ The Washington Post. “Nếu có thể điều động tàu đóng trú và chuyển vũ khí đến đó, Trung Quốc sẽ giành ưu thế lâu dài trên Biển Đông và một khi đã đạt điều này thì họ sẽ không rút lui”, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, cảnh báo.
Một số nhà quan sát ở Philippines còn đang lo ngại Trung Quốc cũng có thể sẽ bắt đầu nạo vét gần bãi cạn Scarborough trong năm nay.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ gặp áp lực lớn hơn về gia tăng hiện diện ở Biển Đông trong năm 2018, đặc biệt là từ giới tướng lĩnh. “Chúng tôi biết rằng Lầu Năm Góc, không giống với các quan chức dân sự, rất lo lắng về Biển Đông. Lầu Năm Góc đang xem xét các lựa chọn để ứng phó những diễn biến đáng quan ngại trong khu vực cũng như tăng mức độ hoạt động trong vùng biển này”, The Washington Post dẫn lời nhà phân tích an ninh Richard Javad Heydarian ở Manila nói.
Ngoài ra, trong Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) được công bố hồi tháng trước, bản thân Tổng thống Trump cũng cảnh báo “nỗ lực của Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông gây nguy hiểm cho dòng chảy thương mại, đe dọa chủ quyền của các nước khác và tổn hại an ninh khu vực”. “Chúng ta sẽ đẩy mạnh cam kết duy trì quyền tự do đi lại trên các biển và giải quyết hòa bình tranh chấp biển cũng như lãnh thổ theo luật pháp quốc tế”, văn kiện NSS nhấn mạnh.
Úc quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong Sách trắng Chính sách ngoại giao công bố cuối năm 2017, chính phủ Úc nhấn mạnh nước này đặc biệt quan ngại “mức độ và quy mô chưa có tiền lệ” trong các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trả lời Thanh Niên, Giáo sư Leszek Buszynski (Đại học Quốc gia Úc) cho rằng Úc không phải là một bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông nhưng sẽ ủng hộ giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp và bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực.
Mặt khác, sau khi Sách trắng được công bố, hải quân và một số chuyên gia Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích Úc. Trong bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu thời báo hôm 31.12, nhà nghiên cứu Trương Hà thuộc Viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc cáo buộc Úc “can thiệp vào Biển Đông” và lên giọng kêu gọi nước này “đừng để vấn đề Biển Đông làm tổn hại quan hệ song phương”. Đáp lại, trang News.com.au dẫn lời Giáo sư Carlyle A.Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận định bài viết phản ánh quan điểm cực đoan trong một bộ phận chuyên gia ở Trung Quốc, đặc biệt về mặt quân sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.