Đông Nam Á trước sắc lệnh di trú của ông Trump

03/02/2017 10:43 GMT+7

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải cân nhắc quan hệ với các nước Đông Nam Á cũng như đảm bảo vị trí đối trọng với Trung Quốc.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sắc lệnh di trú ban hành mới đây nhằm ngăn chặn khủng bố và không mang tính chất tôn giáo, người dân tại các quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á vẫn lo ngại về khả năng sắc lệnh này có thể sẽ mở rộng đến khu vực. Trong khi đó, giới quan sát nhận định phản ứng của các nước có ý nghĩa quan trọng trong việc ông Trump có quyết định mở rộng sắc lệnh di trú hay không.
Trước đó, hôm 27.1 ông Trump ký sắc lệnh di trú với nội dung tạm ngưng nhập cư trong vòng 90 ngày đối với công dân các nước Syria, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan và Yemen, tất cả đều có đa số người dân theo đạo Hồi. Điều này làm dấy lên lo ngại từ các quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á, trong đó có Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới với 220 triệu tín đồ, chiếm 88% dân số, và Malaysia với gần 17 triệu người theo đạo Hồi, tương đương 60% dân số.
Du học sinh hoãn về nước
Trang Foreign Policy ngày 2.2 nhận định nhiều người dân Malaysia và Indonesia rất lo ngại trước sắc lệnh di trú của ông Trump. Tại Malaysia, một cuộc biểu tình phản đối dự kiến sẽ diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Kuala Lumpur vào ngày 3.2. Foreign Policy dẫn lời nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ hành động Malaysia Ong Kian-Ming cho rằng Malaysia cần theo quan điểm “đoàn kết với người tị nạn” vì có khả năng sắc lệnh sẽ mở rộng đến công dân nước này.
Joanna Ghazali, sinh viên người Malaysia mới ra trường hiện làm việc tại một công ty tư vấn ở thành phố New York, đã quyết định không về nước ít nhất trong vòng 1 năm tới do lo sợ không thể quay lại Mỹ. “Nhiều người cũng khuyên tôi không nên rời Mỹ. Tôi không biết mọi việc sẽ ra sao đối với phụ nữ, người Hồi giáo và các nhóm thiểu số, tình thế nguy thật”, cô nói.
Lo lắng cũng lan rộng trong giới du học sinh Indonesia. Sinh viên Dyah Ramadhani sắp tốt nghiệp Trường Harvard Kennedy cũng không muốn rời Mỹ trong thời điểm này và lo rằng bố mẹ cô sẽ không thể đến dự lễ tốt nghiệp của mình sắp tới. Trong khi đó, đường dây nóng của các cơ quan lãnh sự Indonesia ở Mỹ luôn quá tải bởi các cuộc gọi của công dân nước này, kể từ khi ông Trump ban hành sắc lệnh, dù Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã khuyên họ “nên bình tĩnh”.
Trong khi đó, CNN Philippines dẫn lời đặc phái viên Philippines tại Mỹ Jose Manuel "Babe" Romualdez cũng tỏ ra lo ngại Mỹ có thể ngưng xét nhập cảnh đối với công dân nước này do các nhóm có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn hoạt động tại Philippines. “Chính sách này chính là để ngăn các phần tử liên quan đến khủng bố nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng nếu chúng ta bị liệt vào danh sách các nước có phần tử khủng bố”, ông nói.
Tuy nhiên, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định Mỹ sẽ vẫn chấp thuận cho công dân Philippines nhập cảnh. “Hiện nay Philippines không nằm trong danh sách những nước bị coi là đáng ngại nên chúng tôi luôn chào đón người Philippines đến Mỹ”, ông nói.
Lợi ích chung
Tại Malaysia và Indonesia, giới lãnh đạo cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ phản đối nào đối với sắc lệnh của ông Trump. “Chúng ta không bị ảnh hưởng bởi chính sách đó. Sao phải lo ngại?”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu hôm 30.1. Người phát ngôn của ông Widodo là Johan Budi thông tin rằng tổng thống đang kêu gọi người dân “giữ yên lặng”. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng chưa đưa ra phản ứng nào liên quan đến sắc lệnh của ông Trump.
Nhận định về khả năng sắc lệnh di trú của ông Trump có thể ảnh hưởng đến Malaysia và Indonesia, Đài CNBC dẫn lời Giáo sư Ahmad Fauzi Abdul Hamid tại Đại học Sains Malaysia cho rằng điều này tùy thuộc vào phản ứng của ông Widodo và ông Najib. Ông Hamid nhận định nếu như ông Widodo và ông Najib cho rằng sắc lệnh của ông Trump nhằm vào người Hồi giáo chứ không phải vì an ninh quốc gia thì mọi tác động xấu có thể xảy ra và ảnh hưởng đến cả hai phía.
Đồng quan điểm, Foreign Policy dẫn lời chuyên gia nghiên cứu chính trị Chandra Muzaffar tại Kuala Lumpur cho rằng khó có khả năng ông Trump mở rộng lệnh cấm nhập cư khi cân nhắc đến lợi ích của việc duy trì quan hệ tốt với các nước trong khu vực. “Ông Trump sẽ tìm đồng minh ở khu vực này nhằm cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc”, ông Muzafar nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Asrul Hadi Abdullah Sani tại Công ty tư vấn Bower Group Asia ở Indonesia cho rằng sắc lệnh của ông Trump dù không mở rộng sang Đông Nam Á vẫn có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Malaysia và Indonesia về lâu dài. “Các chính sách của ông Trump có thể không ảnh hưởng đến quan hệ song phương nhưng chắc chắn sẽ thay đổi suy nghĩ của công chúng tại đây về Mỹ”, ông nhận định.
Bối rối với trường hợp thường trú nhân
Sau sắc lệnh di trú của ông Trump, một số hành khách có thẻ xanh (thẻ thường trú nhân tại Mỹ) cho biết họ bị ép buộc phải ký mẫu đơn I-407 về việc “từ bỏ tư cách thường trú nhân”.
Hãng Bloomberg hôm 31.1 dẫn lời luật sư về di trú Rachel Odio cho biết mẫu đơn đã được phát trên nhiều chuyến bay đến sân bay quốc tế Los Angeles. Bà Odio cũng cho hay một số hành khách đã thấy những mẫu đơn này lúc bị tạm giữ tại sân bay. Công ty luật của bà đã hỗ trợ hàng chục trường hợp hành khách có thẻ xanh bị tạm giữ.
Hiện chưa rõ mẫu đơn này chỉ được phát cho các công dân có thẻ xanh thuộc 7 nước nằm trong danh sách tạm ngưng nhập cảnh hay phát cho cả các đối tượng khác. Nhiều luật sư đang kêu gọi hành khách không ký vào mẫu đơn này. Tờ The Guardian cũng đưa tin về trường hợp 2 anh em người Yemen, một nước nằm trong danh sách, đã bị các nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay Dulles (bang Virginia, Mỹ) ép ký vào mẫu đơn I-407 và buộc quay lại Ethiopia vào ngày 28.1. Cả 2 đều có thẻ xanh và đang trên đường đến Michigan để gặp cha mình.
Trước tình trạng xáo trộn tại các sân bay Mỹ, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đang kêu gọi nước này có những quy định rõ ràng hơn liên quan đến sắc lệnh di trú để các hãng hàng không áp dụng. Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ John Kelly khẳng định những người có thẻ xanh đến từ 7 quốc gia được nêu tên sẽ không bị ngăn cản đến Mỹ, theo Bloomberg. “Khi áp dụng các điều khoản trong sắc lệnh hành pháp của tổng thống, tôi cho rằng việc nhập cảnh của công dân thường trú hợp pháp nằm trong lợi ích quốc gia”, ông Kelly tuyên bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.