Đông Nam Á chật vật vì 'sóng thần' Delta

16/08/2021 07:00 GMT+7

Tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm và tử vong do biến thể Delta không ngừng tăng.

Brunei ngày 14.8 ghi nhận kỷ lục 55 ca nhiễm Covid-19, chỉ hơn một tuần sau khi phát hiện những ca nhiễm cộng đồng đầu tiên sau hơn một năm. Trước đó, hôm 8.8, Đông Timor trở thành quốc gia thứ 10 ở Đông Nam Á phát hiện biến thể Delta. Trên khắp khu vực, biến thể Delta lây lan nhanh chóng, khiến hệ thống y tế nhiều nước quá tải.

Những kỷ lục buồn

Theo Rappler, Philippines ngày 15.8 báo cáo 14.749 ca mắc mới, mức cao thứ hai trong ngày kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại đây lên hơn 1,7 triệu. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca bệnh mới ở nước này qua ngưỡng 5 chữ số. Cùng ngày, Philippines ghi nhận 270 người tử vong do Covid-19, ngày thứ 3 liên tiếp số người chết vượt quá 200 và đưa tổng số nạn nhân thiệt mạng lên 30.340. Làn sóng lây nhiễm mới đã khiến gần 25% trong số 1.291 bệnh viện ở Philippines chạm đến công suất trên 85%, tức gần quá tải.
Tại Indonesia, tâm dịch mới của thế giới, số ca nhiễm hằng ngày đã giảm chỉ còn một nửa so với mức hơn 50.000 hồi tháng 7. Tuy nhiên, nước này vẫn có 1.500 người tử vong mỗi ngày, mức cao nhất thế giới, theo CNN. Indonesia đang cố gắng xây thêm bệnh viện dã chiến và cơ sở cách ly để đối phó biến thể Delta. Biến thể này đã gây ra hơn 90% tổng số ca mắc mới tại đây từ tháng 6 đến nay.

Tình nguyện viên Thái Lan chạy đua cứu bệnh nhân Covid-19

Trong khi đó, 74/77 tỉnh của Thái Lan đã ghi nhận biến thể Delta. Ngày 15.8, Thái Lan báo cáo 21.882 ca bệnh mới và 209 trường hợp tử vong, theo Bangkok Post. Tính từ ngày 1.4, khi làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát ở Thái Lan, nước này ghi nhận 878.294 ca mắc và 7.457 người chết vì Covid-19. Tình hình diễn biến phức tạp ở Thái Lan đã khiến nước láng giềng Campuchia lo ngại chỉ 2 ngày sau khi mở cửa lại biên giới hôm 13.8. Campuchia đã ghi nhận ít nhất 513 ca mắc biến thể Delta và chỉ còn 3 tỉnh nước này chưa phát hiện biến thể này, Khmer Times đưa tin.

Phong tỏa kéo dài

Trước tình hình đó, nhiều nước phải quay lại phong tỏa để làm chậm làn sóng lây nhiễm mới. Nhiều khu vực của Philippines đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, bao gồm cả vùng đô thị Manila có 14 triệu dân và tỉnh Laguna. Hai nơi này sẽ bị phong tỏa đến ngày 20.8.
29 tỉnh ở Thái Lan cũng đang áp đặt lệnh phong tỏa, có hiệu lực đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan hôm nay 16.8 quyết định sẽ nới lỏng hay mở rộng phạm vi phong tỏa. Campuchia cũng đã đóng cửa thêm một chợ ở quận Tuol Kork của thủ đô Phnom Penh vào ngày 15.8 để thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Một số quốc gia trong khu vực đang cố gắng vực dậy nền kinh tế bằng cách nới lỏng hạn chế. Từ ngày 13.8, trung tâm thương mại ở thủ đô Jakarta của Indonesia được phép hoạt động với 25% công suất. Tuy nhiên, chỉ những người đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin mới được phép đến đó.

Tiêm vắc xin vẫn là giải pháp

Dù đang áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia Đông Nam Á được dự đoán khó cải thiện trong tương lai gần. Reuters dẫn cảnh báo từ lực lượng phòng chống Covid-19 của chính phủ Thái Lan ngày 13.8 cho rằng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại đây có thể tăng gấp đôi lên thành 45.000 vào tháng tới. Dự đoán được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc xin ở Thái Lan vẫn ở mức thấp.

Số tử vong vì Covid-19 tại Nga tăng cao kỷ lục, người dân vẫn không mặn mà tiêm vắc xin

Kết quả đạt được sau khi tiêm vắc xin ở một số nước đã chỉ ra rằng chủng ngừa là cách tốt nhất để góp phần kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là hạn chế ca bệnh nặng và tử vong. Tại các bang có ít nhất 40% dân số trưởng thành đã chủng ngừa đầy đủ ở Malaysia, số ca nhập viện đã giảm đáng kể. Trong khi đó, tính đến ngày 13.8, chưa đến 10% trong số 270 triệu dân của Indonesia được tiêm ít nhất 1 liều, khiến giới chuyên gia cảnh báo làn sóng dịch sẽ tiếp diễn. 
Biến chủng Delta cũng gây ra thách thức lớn cho Việt Nam trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 với số ca mắc tăng cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam nhanh chóng kích hoạt các biện pháp phòng chống Covid-19, trong đó có thực hiện giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau tại từng địa phương, đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.
Như đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng qua 15.8, phòng dịch chính là chống lây nhiễm từ người này sang người khác, do đó phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Đồng thời, công tác điều trị, hỗ trợ điều trị phân theo các tầng khác nhau cũng được áp dụng để vừa giảm tải cho hệ thống y tế, vừa thích nghi với tình hình mới. Ngoài ra, việc an toàn sản xuất cũng được chú trọng.
Nhìn nhận việc tiêm vắc xin là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam đã triển khai tiêm chủng đại trà vắc xin cho người dân hoàn toàn miễn phí. Trong tình hình vắc xin còn thiếu, Việt Nam đã mở nhiều kênh để tiếp cận, bao gồm đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, cho phép các địa phương, doanh nghiệp chủ động nguồn nhập, đồng thời đẩy nhanh việc sản xuất vắc xin trong nước.
Dịch bệnh còn diễn biến khó lường và phức tạp, có thể còn kéo dài. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” là ưu tiên số 1 lúc này. Với hướng đi đúng cùng sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, toàn hệ thống, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng đại dịch. 
Ngọc Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.