Đối thoại Shangri-La 2016: Biển Đông là vấn đề cấp bách nhất

04/06/2016 08:47 GMT+7

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La (SLD) tại Singapore tối qua 3.6 kêu gọi ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông.

Phát biểu trước hơn 600 đại biểu gồm các bộ trưởng, thứ trưởng quốc phòng của hơn 20 quốc gia, chuyên gia quân sự, giới ngoại giao, học giả và báo chí, ông Prayuth đặt vấn đề tranh chấp ở Biển Đông vị trí số 1 trong 7 mối lo an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ông cho rằng khu vực và thế giới đang ở trong tình trạng “mất cân bằng” về an ninh, mà để tái lập được, các bên cần phải xây dựng lòng tin lẫn nhau, tôn trọng nhau và cùng nhau hưởng lợi. Đối với Biển Đông, vốn được diễn đàn xác định là vấn đề an ninh cấp bách nhất hiện nay, Thủ tướng Thái Lan cho rằng các quốc gia đang có tranh chấp nên “tuyên bố chủ quyền theo hướng bớt dân tộc tính mà quan tâm hơn đến lợi ích chung”, trong khi các quốc gia không trực tiếp liên quan thì nên “tránh rơi vào cái bẫy phải chọn lựa đứng về bên nào”.
Giữa lúc cả thế giới đang hồi hộp chờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực của LHQ về vụ kiện của Philippines chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý do Trung Quốc áp đặt tại Biển Đông, thái độ của ASEAN cũng đang được theo dõi chặt chẽ. Giới quan sát cho rằng một ASEAN chia rẽ và không thể có tiếng nói chung ủng hộ phán quyết sẽ dẫn đến sự lấn lướt của Trung Quốc. Chuyên gia William Choong thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức SLD thường niên - cho rằng Bắc Kinh đang cố chia rẽ ASEAN bằng cách lôi kéo Malaysia và Philippines bằng những hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỉ USD và nhiều hứa hẹn khác.
Đáp lại quan ngại về lập trường của ASEAN, Thủ tướng Prayuth kêu gọi đồng thuận: “Thái Lan tin rằng ASEAN nên đồng thuận trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông”. “Thái Lan ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển; ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển; kêu gọi việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC)”, ông nói thêm. Nhà lãnh đạo Thái cũng đề nghị các bên nên gác bất đồng và tiến tới cùng khai thác một cách thiện chí và tôn trọng lẫn nhau.
Trao đổi với Thanh Niên, nhà nghiên cứu PS Suryanarayana tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc ĐH Quốc gia Singapore nói Thủ tướng Prayuth đã nêu ra các chuẩn mực hành xử mà ai cũng phải đồng tình. “Tuy nhiên, ông ấy không đưa ra giải pháp thực tiễn nào cho việc thực thi các chuẩn mực đó”.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, đặc biệt là câu hỏi về sự lấn tới của Trung Quốc khiến “sự cân bằng” an ninh của thế giới đang bị đe dọa, ông Prayuth chỉ “hy vọng các bên sẽ trao đổi các vấn đề tại đối thoại này”. “Nhưng SLD là nơi để thảo luận, không phải để ra quyết định”, ông Suryanarayana phản biện về bài phát biểu được coi là “khá ổn” của ông Prayuth.
Hôm nay 4.6, SLD tiếp tục với 3 phiên họp toàn thể và 5 phiên họp kín về nhiều vấn đề an ninh nổi cộm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ có bài phát biểu đầu tiên về vai trò của Mỹ trong việc đáp ứng các thách thức an ninh phức tạp ở châu Á.
Đoàn VN cấp tập gặp đối tác
Đoàn cán bộ quốc phòng VN do Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu trong hôm qua đã có nhiều cuộc gặp song phương với các đồng nghiệp Mỹ, Singapore, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada. Trong cuộc gặp Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục hiện thực hóa những cam kết trợ giúp VN trong việc tham dự Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát huy chương trình tốt đẹp như tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa, công bố bản đồ bom mìn còn sót lại ở VN... Ông David Shear cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ VN trong những công tác này.
Tại cuộc gặp Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng hai bên cần tăng cường hợp tác hải quân và cảnh sát biển để góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định giữa hai nước.
Trong danh sách đoàn cán bộ VN dự SLD lần này, có 8 người từ Bộ Quốc phòng, 5 người từ Bộ Ngoại giao và 2 người từ Bộ Công an. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cũng sẽ có bài tham luận trong phiên họp kín về “Quản trị căng thẳng ở Biển Đông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.