Đối ngoại Mỹ thời bầu cử

17/06/2015 09:19 GMT+7

Trong bài viết độc quyền cho Thanh Niên , Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) Richard Haass vạch ra các vấn đề đối ngoại mà ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt trên đường đua đến Nhà Trắng.

Trong bài viết độc quyền cho Thanh Niên, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) Richard Haass vạch ra các vấn đề đối ngoại mà ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt trên đường đua đến Nhà Trắng.

Đối ngoại Mỹ thời bầu cử Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush là hai gương mặt nổi bật trong cuộc đua đến Nhà Trắng - Ảnh: Politico
Không thể nào biết được cử tri Mỹ sẽ chọn ai làm tổng thống kế tiếp, nhưng có một điều chắc chắn là sự lựa chọn này sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng, dù tốt hơn hay xấu đi, cho toàn bộ thế giới. Trên hết, quyết định đó phản ánh một thực trạng tiếp diễn của quyền lực Mỹ, và một điều gần như chắc chắn là vị Tổng thống Mỹ đời kế sẽ đối mặt với một thế giới khá hỗn loạn.
Jeb Bush tuyên bố tranh cử
Theo AFP, cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, con trai của Tổng thống thứ 41 George H.W.Bush và là em trai của Tổng thống thứ 43 George W.Bush, vào ngày 15.6 đã chính thức tuyên bố tham gia đường đua tổng thống, trở thành ứng viên thứ 11 tham gia cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Không giống như trường hợp Dân chủ, phe Cộng hòa chưa lộ diện ứng viên sáng giá nhất và có thể nói cơ hội vẫn đang chia đều cho các bên. Tuy nhiên, đối với Jeb Bush, khó khăn lớn nhất hiện nay là phải làm sao thoát khỏi hình ảnh “một người nhà Bush khác” trong mắt cử tri.
Hai tiến trình chính trị khác biệt nhưng có liên hệ lẫn nhau, đó là hai cuộc chạy đua giành quyền đề cử tại đảng Dân chủ và Cộng hòa, sẽ diễn ra vào năm tới.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton hiện dẫn đầu bên phe Dân chủ, dù khả năng đề cử của bà vẫn chưa hoàn toàn được định đoạt. Trong bất cứ trường hợp nào, chính sách đối ngoại có thể sẽ đóng vai trò thứ yếu khi lựa chọn ra ứng viên đại diện, vì hầu hết cử tri phe áo xanh thường xoáy vào các vấn đề đối nội và kinh tế.
Bên phe Cộng hòa đang khác xa về khoản nhộn nhịp cũng như mức độ bất định, và dường như chính sách đối ngoại sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc chọn lựa ứng viên. Nền kinh tế đang khởi sắc dưới thời Tổng thống Barack Obama, nên đây sẽ là một mục tiêu ít hấp dẫn hơn về khía cạnh chính trị. Ngược lại, tình trạng hỗn loạn trên toàn cầu mang lại nhiều cơ hội để các chính khách áo đỏ công kích ông Obama và đảng Dân chủ.
Trọng tâm tranh luận
Dù sao đi nữa, một số vấn đề trong chính sách đối ngoại sẽ thống trị các cuộc tranh luận ở cả hai đảng. Đầu tiên là thương mại, một đề tài can hệ đến đối nội lẫn đối ngoại. Ông Obama đang muốn được trao cho Quyền thúc đẩy thương mại (TPA), tiền đề cần thiết trước khi giành được ủng hộ của quốc hội để thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều ứng viên Cộng hòa ủng hộ TPP, trong khi không khí ở đảng Dân chủ không có lợi cho thỏa thuận thương mại, biến nó thành đề tài mạo hiểm cho bất cứ ứng viên nào muốn ủng hộ TPP.
Một đề tài thứ hai chắc chắn chi phối các cuộc tranh luận ở hai đảng là Iran và các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Có thể thấy nhiều ứng viên Cộng hòa sẽ lên tiếng bài bác bất cứ đề xuất nào. Các câu hỏi sẽ xoay quanh việc lựa chọn những mục để dỡ bỏ cấm vận, cũng như thời gian thực hiện; về vấn đề thanh tra quá trình thực thi thỏa thuận; và về chuyện gì sẽ xảy ra sau khi một số hạn chế áp đặt đối với hoạt động hạt nhân của Tehran hết hạn. Ứng viên phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ tán thành tiến trình đàm phán, nhưng rõ ràng sẽ có sự khác biệt giữa các ứng viên của hai đảng.
Vấn đề thứ ba là biến đổi khí hậu. Giáo hoàng Francis sẽ đưa ra một tuyên bố quan trọng về vấn đề này trong tuần tới, trong khi Hội nghị về biến đổi khí hậu do LHQ tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 12 sẽ giữ cho đề tài này luôn xuất hiện thường trực trên báo giới. Phe Dân chủ sẽ tỏ ra ủng hộ hơn đối với các cam kết khó đạt được của Mỹ, mặc dù khác biệt sẽ lại một lần nữa nảy sinh ở cả hai phía.
Thứ tư là những vấn đề liên quan đến Trung Đông. Chẳng phe nào hào hứng mở rộng sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Iraq và Syria để kiềm chế tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, sẽ nổ ra tranh luận dữ dội, và phần nào giả tạo, về đường đi nước bước của Mỹ. Kế đến là những vấn đề khác, từ hành vi hung hăng của Trung Quốc tại châu Á đến chính sách phục thù mà Nga đang áp dụng tại Ukraine. Các cuộc hùng biện, đặc biệt ở phe Cộng hòa, sẽ diễn ra một cách tóe lửa.
Hy vọng những gì nổi lên trong quá trình lựa chọn ứng viên tranh cử tổng thống sẽ cho phép thấy được câu trả lời của các đại diện về 3 câu hỏi lớn sau đây. Mối bận tâm đầu tiên là ứng viên sẽ cam kết như thế nào về chính sách đối ngoại. Thứ hai, mục tiêu và ưu tiên của chính sách đối ngoại là gì? Câu hỏi cuối cùng là cách tiếp cận của ứng viên trong việc triển khai chính sách đối ngoại? Họ sẽ pha trộn chủ nghĩa đơn phương và đa phương như thế nào, và sẽ vận dụng thường xuyên nhất công cụ nào, từ đối sách ngoại giao và cấm vận đến các chiến dịch tình báo và vũ lực quân sự?
Các câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng hơn trong chiến dịch vận động. Cùng lúc đó, dân Mỹ sẽ lựa chọn được người mà họ muốn bỏ phiếu, và mọi người trên thế giới sẽ có dự cảm rõ ràng hơn về điều gì sẽ xảy đến vào tháng 1.2017, khi tổng thống đời thứ 45 của Mỹ tuyên thệ nhậm chức tại Nhà Trắng.
© Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.