Độc hại ngành tái chế lốp xe

10/11/2019 14:00 GMT+7

Nguồn thu lớn từ việc nhập khẩu lốp xe cũ để tái chế đã khiến nhiều người bỏ qua tác hại nhãn tiền về sức khỏe , môi trường.

Hoạt động chui tràn lan

Ở hầu hết các nước phát triển đều có nhà máy tái chế lốp xe cũ bằng công nghệ nhiệt phân, cho ra sản phẩm là dầu chất lượng thấp có thể dùng làm nhựa đường hoặc dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải sinh ra từ quá trình này lại rất tốn kém và khó thu lợi nhuận ở quy mô lớn nên các nước thường xuất khẩu lốp xe cũ ra nước ngoài.
Anh, Ý và Mỹ là các nước xuất khẩu nhiều nhất, trong khi Ấn Độ là nước nhập khẩu hàng đầu. Năm 2018, Ấn Độ nhập từ Anh 263.000 tấn lốp xe cũ, chiếm 13% tổng giao dịch mặt hàng này trên toàn cầu.
Theo Reuters, các công ty tái chế ở Ấn Độ hay Malaysia nhập khẩu lốp xe cũ với giá 1.500 - 2.500 USD/container (34 - 57 triệu đồng), trong đó 75% là chi phí vận chuyển. Lốp xe cũ có thể được tái chế làm sản phẩm an toàn giao thông, đường sá, sân thể thao hoặc dùng để đốt lò sản xuất xi măng, gạch. Tuy nhiên, đa số được nhiệt phân để biến lốp xe thành dầu, muội than (dùng sản xuất lốp xe, làm màu công nghiệp) và phế liệu. Với mỗi container lốp xe cũ, cơ sở tái chế có thể thu về 2.500 USD tiền dầu, 300 USD phế liệu và 200 USD muội than. Như vậy, lợi nhuận là 500 - 1.500 USD/container.
Theo số liệu thanh tra của chính phủ Ấn Độ, tính đến tháng 7.2019 có 637 nhà máy nhiệt phân được cấp phép trên cả nước, trong đó 270 cơ sở không tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường và 116 cơ sở đã bị đóng cửa. Mặt khác, hàng trăm cơ sở bị cho là đang hoạt động chui trên nhiều vùng tại nước này. Trong khi đó, Cục Môi trường Malaysia hồi tháng 5 cho biết có 22 công ty nhiệt phân lốp xe trên cả nước được cấp phép, nhưng từ chối cung cấp số lượng công ty không phép. Reuters dẫn nhiều nguồn tin cho biết ở Malaysia, các nhà máy nhiệt phân lốp xe cũ mọc lên như “nấm sau mưa” tại bang miền nam Johor trong hơn 10 năm qua, chủ yếu để bán dầu thành phẩm cho tàu thuyền.

Vô cùng độc hại

Cơ quan thanh tra Ấn Độ cho biết hầu hết các cơ sở tái chế sử dụng thiết bị thô sơ, thải ra các chất như bụi carbon, dầu nhớt làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Công nhân làm việc không mang thiết bị bảo hộ cũng tiếp xúc trực tiếp với những chất này. Để xây dựng một nhà máy tái chế đủ tiêu chuẩn phải mất hàng triệu USD, do đó nhiều cơ sở sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất với giá chỉ 30.000 USD và có thể dễ dàng đặt mua qua mạng, theo AFP. Với những thiết bị này, cơ sở hoạt động chui có thể nhanh chóng thu hồi vốn nhưng lại không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
Tờ India Today dẫn lời ông Lalit Dandona, lãnh đạo Tổ chức ISLDBI chuyên nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe ở Ấn Độ, cho biết việc đốt lốp xe nhưng không có biện pháp xử lý chất thải thích hợp có thể gây phát tán nhiều hóa chất, khí gas độc hại. Tiếp xúc với những chất này trong thời gian ngắn có thể gây dị ứng da, nhiễm trùng phổi trong khi về lâu dài có thể gây ung thư phổi, đau tim. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ từng cảnh báo đốt lốp xe sản sinh ra nhiều chất độc như dioxin, thủy ngân hay asen.
Trước sự phản đối ngày càng mạnh từ các tổ chức môi trường và người dân, giới chức Ấn Độ đang cân nhắc cấm toàn bộ cơ sở nhiệt phân lốp xe cũ trừ một số nơi có nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn; trong khi Malaysia cũng bắt đầu siết quy định với ngành này. Còn đối với các nước xuất khẩu như Anh và Úc thì đã có thông báo sẽ ngừng cung cấp lốp xe cũ và ban hành quy định buộc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc thu mua lại lốp xe.
Theo Reuters, Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới và xử lý chất thải quy ước lốp xe không phải là chất thải nguy hại. Do đó, chỉ có một số ít quy định quốc tế liên quan đến việc buôn bán lốp xe giữa các nước, ngoài những quy định riêng của một số nước nhập khẩu. Theo số liệu của LHQ, có gần 2 triệu tấn lốp xe cũ (tương đương 200 triệu lốp) được mua bán giữa các nước trong năm 2018, tăng gần gấp đôi so với năm 2013.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.