Đô đốc Mỹ Scott H.Swift: Bắc Kinh cưỡng chế chủ quyền trên Biển Đông bằng quân sự và kinh tế

22/04/2020 07:04 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên , đô đốc Scott H.Swift, giữ chức Tư lệnh Hạm đội 7 - Thái Bình Dương (Mỹ) từ tháng 5.2015 - 5.2018, nhận xét Trung Quốc đang tìm cách cưỡng chế chủ quyền trên Biển Đông bằng quân sự và kinh tế.

Khi còn tại nhiệm lãnh đạo Hạm đội 7, đô đốc Scott H.Swift (ảnh) đã nhiều lần lên án những hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Ngày 21.4, ông trả lời phỏng vấn Thanh Niên về những hành động gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Bắc Kinh cưỡng chế chủ quyền trên Biển Đông bằng quân sự và kinh tế1

Ảnh: US Navy

Gây áp lực lên luật pháp quốc tế

Ông đánh giá thế nào về hành động mới đây của Trung Quốc khi thông qua việc thành lập 2 chính quyền cơ sở cấp quận - huyện là Tây Sa và Nam Sa, thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, để tăng cường kiểm soát Biển Đông?
Hành động này của Trung Quốc gây rắc rối lớn cho tình hình Biển Đông. Đó là thông điệp thể hiện rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi cái mà nước này gọi là chủ quyền và sẽ theo đuổi bằng cách cưỡng chế dựa trên sức mạnh quân sự lẫn kinh tế.
Không những vậy, qua đó, Bắc Kinh dường như còn thể hiện việc sẽ tiếp tục gây áp lực lên luật pháp quốc tế. Trung Quốc muốn một thứ luật pháp quốc tế dựa trên trật tự phục vụ cho lợi ích của nước này, dù lợi ích đó đã bị bác bỏ.

Hành xử kiểu “lý lẽ của kẻ mạnh” chỉ nhận lấy thất bại

Điều đó tác động như thế nào đến tình hình Biển Đông?
Bắc Kinh cưỡng chế chủ quyền trên Biển Đông bằng quân sự và kinh tế1

Công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

ẢNH: MAI THANH HẢI

Rõ ràng, việc Trung Quốc dùng quân sự và kinh tế để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông không mang lại kết quả tốt trước mắt cũng như lâu dài đối với sự ổn định của khu vực. Vì lợi ích chung, các nước liên quan Biển Đông cần cùng nhau phối hợp hành động dựa trên luật pháp quốc tế, dựa trên đối thoại để giải quyết bất đồng.
Đó chính là cách mà thế giới đã tiếp cận từ cuối Thế chiến 2 để đem đến sự ổn định và thịnh vượng chung. Các nước đừng vội quên rằng việc hành xử theo kiểu “lý lẽ của kẻ mạnh” sẽ chỉ nhận lấy thất bại và cách hành xử này là yếu tố dẫn đến bùng nổ Thế chiến 2.
Từ những bài học trên được rút ra từ cuộc chiến toàn cầu để rồi phải tốn kém bao nhiêu thiệt hại mới thiết lập được trật tự dựa trên luật pháp quốc tế đến ngày nay. Cốt lõi của trật tự đó là cần giải quyết các bất đồng dựa trên đối thoại.

Phải hành xử dựa trên luật pháp quốc tế

Việt Nam và các nước ASEAN nên ứng phó như thế nào, thưa ông?
Tất cả các quốc gia quan tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên chủ động bày tỏ sự quan ngại trước việc một nước nào đó sử dụng sức mạnh, thay vì tiến hành đối thoại và hành xử dựa trên luật pháp quốc tế, nhằm giải quyết các bất đồng với nước khác.
Những quốc gia bị nước khác sử dụng sức mạnh để ép buộc nên tìm đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, điển hình như Philippines đã chọn cách kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) liên quan tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông. Hay gần đây, Việt Nam cũng đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cách ứng xử của Việt Nam và Philippines đã góp phần tăng cường tính hợp pháp của một trật tự quốc tế dựa trên quy tắc chung, nhằm góp phần tạo ra mối quan tâm chung để tiến đến các hành động phối hợp quốc tế. Còn hành động đơn phương của Trung Quốc sẽ tự làm nước này suy yếu.
Không thể chấp nhận hành động của Trung Quốc
Ngày 21.4, Đài ABS-CBN News dẫn lời nghị sĩ Carlos Isagani Zarate, phó lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Philippines, tuyên bố vụ Trung Quốc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” lần lượt quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Ông Zarate, thuộc đảng cánh tả Bayan Muna, kêu gọi chính quyền Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc về hành động trên. Ngoài ra, ông Neri Colmenares, Chủ tịch Bayan Muna, cho rằng Philippines nên tăng cường tuần tra chung với Việt Nam, Malaysia và Brunei ở Biển Đông “vì hoạt động này có thể trở thành lá chắn răn đe lớn hơn đối với mưu đồ của Trung Quốc”. Ông Colmenares còn kêu gọi chính phủ Philippines “gia nhập cộng đồng quốc tế trong việc lên án và chống lại những hành động mới nhất của Trung Quốc” ở Biển Đông.
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.