‘Điểm mặt’ các tên lửa nguy hiểm nhất của Triều Tiên

30/11/2017 14:25 GMT+7

Hwasong-15 được cho là tên lửa hiện đại nhất với khả năng mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng và đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm bắn.

Vụ phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29.11 là bằng chứng về bước tiến tên lửa thần tốc của CHDCND Triều Tiên. Từng bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt biệt danh là “người tên lửa”, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nắm trong tay nhiều loại tên lửa với tầm bắn và mục tiêu khác nhau.
Triều Tiên hiện sở hữu các tên lửa tầm ngắn như Scud cho đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cỡ lớn với khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn được cho là “vươn tới toàn lãnh thổ Mỹ”.
Hwasong-15
 
Tầm bắn: 13.000 km
Chiều dài: Chưa xác định
Loại: ICBM
Hiện chưa có nhiều thông tin về tên lửa Hwasong-15 được phóng thử lần đầu vào ngày 29.11. Đây là tên lửa phóng thử đạt độ cao nhất của Triều Tiên khi chạm ngưỡng 4.475 km, và vượt khoảng cách 950 km.
Thông cáo của chính phủ Triều Tiên cho hay đây là loại tên lửa đạn đạo mới với đầu đạn “siêu lớn” và nặng, hiện đại hơn tên lửa Hwasong-14 thử nghiệm vào tháng 7. Triều Tiên cũng tự hào rằng đã hoàn thành mục tiêu phát triển vũ khí tên lửa sau khi phóng thành công Hwasong-15.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ về công nghệ giúp tên lửa quay lại khí quyển cũng như khả năng bay xa nếu thực sự mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng.
Hwasong-14
Tầm bắn: 10.400 km
Chiều dài: 19,5-19,8 m
Loại: ICBM
Đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại của Triều Tiên và chỉ đứng thứ 2 sau Hwasong-15. Sau lần phóng thử vào tháng 7, nhiều phân tích từ phía Mỹ, Nhật và Hàn Quốc cho thấy tên lửa này đã đạt tầm cao 3.700 km và bay xa 1.000 km trong vòng 45 phút. Còn có tên gọi là KN-20, tên lửa 2 tầng này sử dụng nhiên liệu lỏng và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Theo Dự án phòng thủ tên lửa (MDP) thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), tên lửa này có thể bắn đến Alaska và bờ tây nước Mỹ.
Hwasong-12
Tầm bắn: 4.500 km
Chiều dài: 17,4 m
Loại: IRBM
Tên lửa đạn đạo tầm trung xa (IRBM) Hwasong-12 có tầm bắn tối đa có thể vươn đến căn cứ của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. MDP nhận định tên lửa này, còn có tên gọi là KN-17, chỉ mới hoàn tất 50% thử nghiệm. Tên lửa phóng thử vào tháng 4 bay 60 km và đạt độ cao 189 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản sau 9 phút. Truyền thông Triều Tiên cho rằng tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.
Musudan/Hwasong-10
Tầm bắn: 3.500 km
Chiều dài: 11,5 m
Loại: IRBM
Musudan là một loại tên lửa tầm trung xa khác của Triều Tiên với tầm bắn kém hơn Hwasong-12. Không giống như dòng Hwasong, tên lửa Musudan có thể phóng từ bệ di động, khiến vị trí phóng dự định khó bị phát hiện.
Tuy nhiên, dù phát triển và thử nghiệm hơn một thập niên, tên lửa Musudan tỏ ra không mấy hiệu quả, theo chuyên gia tên lửa John Schilling. Theo đánh giá của Mỹ và Hàn Quốc, trong 8 lần thử từ giữa năm 2016 đến đầu năm 2017 thì có đến 7 lần phóng thất bại.
Taepodong-3/Unha-3
Tầm bắn: 10.000 km
Chiều dài: 30 m
Loại: SLV
Thiết bị phóng vệ tinh (SLV) Taepodong-3 là tên lửa tầm xa chủ yếu để đưa vệ tinh lên không gian. Bình Nhưỡng bị cáo buộc dùng chương trình này để che giấu việc thử nghiệm ICBM và công nghệ vũ khí khác. Taepodong-3 là tên lửa 3 tầng với tải trọng khoảng 1 tấn.
Scud
Tầm bắn: 500 km
Chiều dài: 12,8 m
Loại: SRBM
Tên lửa tầm ngắn (SRBM) Scud dựa theo thiết kế của Liên Xô từ Thế chiến 2. Dù Scud thường dùng chất nổ thông thường, tên lửa này cũng có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Do kích thước nhỏ nên Scud có thể khai hỏa từ bệ phóng di động.
Tại cuộc diễu hành ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4, Triều Tiên đã phô trương tên lửa KN-18, một biến thể của Scud với tầm bắn có thể lên đến 1.000 km.
Nodong/Rodong
Tầm bắn: 1.500 km
Chiều dài: 16 m
Loại: MRBM
Ngoài các tên lửa trên, Triều Tiên còn chế tạo nhiều tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) có thể phóng từ bệ di động và mang đầu đạn hạt nhân, hóa chất hoặc chất nổ thông thường. Nodong là một trong những thiết kế tên lửa cũ nhất của Triều Tiên, có thể được sử dụng để tấn công hiệu quả các mục tiêu như sân bay, cảng và các thành phố. Theo MDP, tên lửa này đặt toàn bộ Nhật trong tầm bắn nhưng độ chính xác cực kì thấp so với các tên lửa hiện đại.
Tên lửa phóng từ tàu ngầm
Tầm bắn: 1.200 km
Chiều dài: 9 m
Loại: SLBM
Trong khi hoạt động của ICBM và IRBM có thể bị phát hiện bởi giới tình báo và vệ tinh, tên lửa phóng từ bệ phóng di động và tàu ngầm có thể hạn chế nhược điểm này. Tên lửa Pukkuksong-1, còn gọi là KN-11, là tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) chính của Triều Tiên. Nhiều vụ phóng thử KN-11 được tiến hành từ năm 2015, với biến thể phóng trên mặt đất là Pukkuksong-2 được thử nghiệm vào tháng 2. Cả hai mẫu này đều được trình diễn trong cuộc diễu binh hồi tháng 4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.