Di sản ngoại giao của Tổng thống Trump

25/08/2020 22:59 GMT+7

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một số cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng không phải tất cả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều cam kết về đối ngoại như đánh giá lại mối quan hệ Mỹ-NATO, hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, rút quân khỏi "các cuộc chiến không hồi kết". Tuy nhiên, không phải tất cả cam kết gây về đối ngoại của ông đều được thực hiện.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng Tổng thống Trump để lại di sản ngoại giao “gây mất lòng tin, mối quan hệ rạn nứt với đồng minh cùng các lệnh cấm vận”.
Nếu đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 3.11 thì chính phủ mới sẽ phải đối mặt thách thức khó khăn nhất là khôi phục vị thế dẫn đầu thế giới và mức độ tin cậy của Mỹ. Khi đó, ông Biden, từng là phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, sẽ phải tiếp quản mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với nhiều rạn nứt, đối đầu sâu sắc với Trung Quốc cùng những chiến dịch gây áp lực, hàng loạt lệnh cấm vấn nhằm vào Iran, Syria và Venezuela.
Dưới đây là một số ưu tiên chính sách chính của chính phủ Tổng thống Trump và cũng là những thách thức tiềm tàng đối với ông Biden:

Trung Quốc

Một chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump là cáo buộc Trung Quốc "trộm cắp" nước Mỹ. Ông cam kết sẽ có một thỏa thuận thương mại công bằng với Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Kết quả là cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài gần hai năm nhưng chưa có hồi kết. Hai bên đã áp thuế trả đũa lẫn nhau đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ USD. Đến nay, chính phủ ông Trump chỉ đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc cuối năm 2019 rồi lan rộng toàn cầu đã đẩy mối quan hệ song phương xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh lạnh mới.
Mặt khác, Washington có nhiều hành động chống lại Bắc Kinh trên nhiều phương diện như: chấm dứt ưu đãi đặc biệt cho Hồng Kông, cấm vận các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đại lục bị Mỹ cáo buộc là vi phạm nhân quyền; và tìm cách cấm cửa các công ty công nghệ Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, chẳng hạn lệnh cấm ứng dụng TikTok.
Các nhà phân tích nhận định nếu ông Biden đắc cử thì chính quyền tương lai sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc duy trì lập trường cứng rắn, cùng lúc tìm cách hạ nhiệt căng thẳng để tạo cơ hội cho đàm phán.

Thỏa thuận hạt nhân với Iran

Vào năm 2018, Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 và cho rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn. Sau đó, chính phủ ông Trump tiến hành chiến dịch "gây áp lực tối đa", áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận, bóp nghẹt nền kinh tế Iran.
Sau gần 2 năm gây áp lực tối đa từ nguồn thu từ dầu mỏ đến khoáng sản và ngân hàng trung ương Iran, Washington vẫn chưa thể buộc Tehran thay đổi hành vi hoặc đưa Iran trở lại bàn đàm phán. Thay vào đó, căng thẳng hai bên leo thang đến bờ vực chiến tranh.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ứng viên Biden nói ông sẽ đối phó với Iran thông qua kênh ngoại giao và tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với điều kiện Tehran trước tiên phải tuân thủ trở lại các cam kết về hạn chế chương trình hạt nhân.

Mối quan hệ với NATO

Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng. Ông cũng cho rằng NATO lỗi thời không phù hợp với tình hình mới vì nó được thành lập vào năm 1949, khi đó chiến tranh lạnh với Liên Xô bắt đầu. Chủ nhân Nhà Trắng từng cân nhắc việc rút Mỹ khỏi NATO.
Các cuộc công kích của ông Trump nhắm vào NATO đã làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với một số đồng minh châu Âu, theo Reuters. Tuy nhiên, đến nay nhiều thành viên NATO đã tăng chi tiêu quốc phòng để đạt mục tiêu chiếm 2% GDP.
Vào tháng 6, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cắt giảm quân số của Mỹ tại Đức, với lý do Berlin không đáp ứng các nghĩa vụ của NATO. Các nhà phân tích đánh giá cải tổ NATO sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng đây sẽ là một trong những nhiệm vụ dễ dàng hơn nếu ông Biden đắc cử.

Các binh sĩ Mỹ tại Đức

Quân đội Mỹ

Rút lính Mỹ về nước

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ tránh xa các cuộc chiến không có hồi kết ở nước ngoài và rút lính Mỹ khỏi Afghanistan. Afghanistan là cuộc chiến dài nhất của Mỹ, bước sang năm thứ 19.
Washington bắt đầu cắt giảm quân số ở Afghanistan sau khi đạt được thỏa thuận với Taliban hồi tháng 2, hướng đến rút quân toàn bộ. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan vốn đang bị bị đình trệ. Tổng thống Trump cũng ra lệnh rút quân khỏi Syria. Dù các trợ lý và quân đội nhiều lần phản bác quyết định này, nhưng con số lính Mỹ ở Syria giảm hơn một nửa.

Rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris

Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Tổng thống Trump là rút khỏi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Đây là điều ông nhiều lần hứa hẹn sẽ thực hiện trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận này tạo ra gánh nặng kinh tế và tài chính "hà khắc" đối với Mỹ và tuyên bố sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, một thỏa thuận mới đã không thành hiện thực. Ban vận động của ứng viên Biden cho biết ông sẽ duy trì Thỏa thuận chung Paris và nỗ lực khiến khích các nước lớn khác đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo thỏa thuận này.

Kế hoạch Hòa bình Trung Đông

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump tuyên bố sẽ dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến thành phố Jerusalem. Động thái này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Palestine và các nước Ả Rập.
Bên cạnh đó, người Palestine kịch liệt phản đối kế hoạch Hòa bình Trung Đông của ông Trump vì nó cho phép Israel duy trì quyền kiểm soát các khu định cư ở khu tranh chấp lâu nay là Bờ Tây. Tuy nhiên, một số quốc gia Ả Rập ủng hộ kế hoạch này.
Các nhà phân tích đánh giá ông Trump giành được một chiến thắng trong chính sách đối ngoại vào thời điểm ứng viên Biden dẫn trước ông trong các cuộc thăm dò. Cụ thể là trong tháng này, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)-Israel đã đạt được thỏa thuận lịch sử hướng đến bình thường hóa quan hệ và Mỹ là trung gian xúc tiến đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội năm 2019

Reuters

CHDCND Triều Tiên

Ông Trump đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên khi ông trở thành vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên có 3 cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, bắt đầu là tại Singapore năm 2016.
Tuy ông Trump đến nay vẫn chưa thể thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nhưng một số chuyên gia tin rằng chính sách ngoại giao phá băng này có thể là nền tảng cho chính phủ tương lai. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.