Đệ nhất phu nhân & chiếc khăn trùm đầu

11/01/2014 08:40 GMT+7

(TNTS) Khi bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng leo thang, áp lực lên những người phụ nữ đạo Hồi càng lớn. Họ vừa phải chăm lo gia đình vừa phải vượt qua nhiều trở ngại ngoài xã hội để xây dựng sự nghiệp. Nhưng với họ, đệ nhất phu nhân Hayrunnisa Gul vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực vươn lên khẳng định sự độc lập, kiên định của phái yếu.

(TNTS) Khi bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng leo thang, áp lực lên những người phụ nữ đạo Hồi càng lớn. Họ vừa phải chăm lo gia đình vừa phải vượt qua nhiều trở ngại ngoài xã hội để xây dựng sự nghiệp. Nhưng với họ, đệ nhất phu nhân Hayrunnisa Gul vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực vươn lên khẳng định sự độc lập, kiên định của phái yếu.

Đệ nhất phu nhân & chiếc khăn trùm đầu 1
Ảnh: Reuters 

Mãi đến tháng 10.2013, lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo mang khăn trùm đầu ở công sở và trường học mới được dỡ bỏ. Nhưng bà Hayrunnisa Gul - vợ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul từ lâu đã nổi tiếng với hình ảnh một đệ nhất phu nhân mang khăn trùm đầu. Bà mẹ 3 con này từ năm 1998 đã đứng đầu phong trào đòi quyền tự do mang khăn trùm đầu. Kiên quyết trong đấu tranh nhưng bà Gul luôn bày tỏ quan điểm ôn hòa và kiên nhẫn. “Hãy để cho vấn đề khăn trùm đầu tự giải quyết chuyện của nó theo thời gian. Chúng ta đã quan sát thấy quá trình bình thường hóa trong mọi chuyện gần đây. Người ta nhìn nhau bằng con mắt bao dung hơn so với quá khứ. Họ cũng khoan dung hơn với văn hóa, truyền thống và giá trị của nhau”, bà chia sẻ.

Trong mắt nhà báo Mỹ Marvine Howe, bà Gul “bảo thủ nhưng không cực đoan, chống phá thai, phản đối việc sinh con bằng phương pháp mổ và ủng hộ lối sống đại gia đình” nhưng Howe khi phỏng vấn bà Gul luôn có cảm giác đang trò chuyện với một người Mỹ ôn hòa chứ không phải một người theo đạo Hồi. Bà Gul, khi đề cập đến các vấn đề xã hội, chỉ nhẹ nhàng bày tỏ: “Tôi không thể hình dung việc chấm dứt một sự sống nhưng chuyện đó nên để người phụ nữ quyết định. Tôi không phản đối kế hoạch hóa gia đình. Tôi quan tâm đến tự do của bản thân. Nếu tôi bị buộc phải làm điều gì đó, nó sẽ tác động lên tôi theo hướng ngược lại. Tôi phản đối chuyện áp đặt lên người khác bằng cách nói phải làm thế này hay thế kia”.

Đệ nhất phu nhân & chiếc khăn trùm đầu 2
Vợ chồng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: habervitrini

Đệ nhất phu nhân & chiếc khăn trùm đầu 3

 

Câu chuyện Tổng thống Abraham Lincoln

Năm 2012 khi xem phim Lincoln khắc họa cuộc đời của vị tổng thống này, bà Hayrunnisa Gul đã so sánh vợ chồng bà với câu chuyện vợ chồng Tổng thống Lincoln. “Tôi đặt mình vào tình cảnh của vợ ông Lincoln. Tôi đã từng trải qua những điều tương tự xảy đến với họ”, bà cho biết. “Chúng tôi từng sống trong quãng thời gian mà ở đó định kiến chiếm ưu thế và chúng ta đã sống những ngày mà chúng ta rất ân hận”. Bà nói thêm: “Có những thay đổi ở Thổ Nhĩ Kỳ mà khoảng 10 năm trước thôi chúng tôi không bao giờ mơ đến”.

Người phụ nữ lập gia đình khi mới 15 tuổi ấy cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chồng bà làm chính trị. Họ cưới nhau năm 1980. Đến năm 1991, nhà kinh tế Abdullah Gul bước vào chính trường rồi giữ những chức vụ quan trọng như phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao từ 2003 đến 2007 rồi thủ tướng trong 2 năm 2002 - 2003. Tháng 8.2007, ông trở thành tổng thống theo đạo Hồi đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Và bà Hayrunnisa Gul trở thành một trong những đệ nhất phu nhân trẻ nhất của đất nước nằm trên hai châu lục Á - Âu.

“Quyết định làm chính trị của chồng tôi đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi”, bà Gul tâm sự. “Tôi phải chăm sóc con cái, nhà cửa để Abdullah Bey có thể chú tâm vào công việc”. Chính bà cũng thú nhận rằng có nhiều lúc bà vô cùng mệt mỏi nhưng chỉ lấy làm tiếc vì các con không có nhiều thời gian chơi đùa với cha. Theo bà Gul, dẫu chính trị đòi hỏi phải hy sinh hạnh phúc cá nhân và gia đình nhưng bà luôn ý thức vai trò đệ nhất phu nhân của mình: “Là vợ của một tổng thống thì phải có trách nhiệm hơn. Chúng tôi có chung một trách nhiệm, đó là đại diện đất nước của chúng tôi theo cách tốt nhất”.

Và bà đã biết “tận dụng” vị thế của mình để góp phần tạo ra những thay đổi đáng kể trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong những dự án mà bà Gul tâm huyết nhất là Talking Book nhằm khuyến khích việc đọc đặc biệt ở trẻ em. Dự án này đã tổ chức nhiều lễ hội sách khắp TNK từ năm 2008. Cũng như một số đệ nhất phu nhân khác, bà Gul rất xem phát triển giáo dục và thúc đẩy quyền của trẻ em là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình hành động của mình. Phát biểu tại một kỳ họp của Hội đồng nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE) năm 2010, bà cho biết: “Những đứa trẻ tàn tật không sống trong những hòn đảo xa tít ngoài đại dương, chúng bị bỏ rơi giữa 4 bức tường trong chính căn nhà của chúng... đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta không biết đến chúng”. Ngay tại quê hương mình, bà đã khởi xướng chiến dịch Education Enables nhằm trang bị kiến thức cho những đứa trẻ thiếu may mắn.

Đệ nhất phu nhân Gul còn là người luôn ủng hộ cho phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ tạo dựng sự nghiệp trong công việc. Với bà Gul, hình ảnh những người phụ nữ trùm khăn ngày càng trở nên rõ ràng hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải bởi có nhiều người hơn mà bởi họ đã bắt đầu tham gia tích cực hơn vào cuộc sống. “Chúng ta nên có thêm các nữ bộ trưởng, nữ vụ trưởng và nữ thị trưởng. Trong lịch sử 85 năm của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta chỉ có duy nhất một nữ thống đốc. Điều này cần được xem lại”.

Bà Gul từng cho biết bà muốn sửa lại chút xíu câu nói nổi tiếng: “Đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ”. “Bên cạnh mỗi người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ bởi cuộc sống là sự đồng hành của hai người bạn”, bà cho biết và giải thích thêm mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ nên dựa trên sự hợp tác chứ không phải sự cạnh tranh.

Nguyệt Hàn
(theo Hurriyet, Today’s Zaman, Anatolia News Agency)

>> Pháp: Lại ầm ĩ vì khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo
>> Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống thông qua dự luật bãi bỏ lệnh cấm đội khăn trùm đầu
>> Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lệnh cấm đội khăn trùm đầu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.