Để ngăn chặn bền vững đối với biến thể Delta

11/09/2021 07:00 GMT+7

Đó là nhận định của các chuyên gia thuộc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ khi trả lời Thanh Niên.

Vừa qua, Mỹ đã khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ tại Hà Nội.
Nhân dịp này, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ John MacArthur (Giám đốc Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ - CDC), và bác sĩ Eric Dziuban (Giám đốc Văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam) về tình hình ứng phó dịch Covid-19 ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

“Rất nhạy” với người chưa tiêm vắc xin

Ông đánh giá thế nào về sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở Đông Nam Á mà biến thể Delta được coi là một trong những nguyên nhân chính?
Bác sĩ MacArthur: Năm ngoái, các nước Đông Nam Á đã làm rất tốt việc kiểm soát Covid-19 trước khi có sự xuất hiện của biến thể Delta trong khu vực. Biến thể Delta có khả năng lây truyền rất cao và “rất nhạy” để tiếp cận những người chưa được tiêm chủng. Vì thế, ngay cả các nước từng thành công trong việc kiểm soát SARS-CoV-2 thì nay vẫn có số ca bệnh tăng đáng kể.
Đa số các nước ASEAN đã có tỷ lệ tăng số ca bệnh là 25% trở lên trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch bắt đầu được cải thiện. Điều đó cho thấy các chiến lược giảm thiểu dịch bệnh tại cộng đồng, kết hợp cùng việc số lượng người được tiêm chủng ngày càng tăng đang đem lại một số dấu hiệu tích cực.
Ông nhận định thế nào về các biện pháp phòng chống dịch của khu vực Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói riêng?
Bác sĩ MacArthur: Khu vực Đông Nam Á có lịch sử lâu dài trong việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.
Trong 20 năm qua, khu vực đã trải qua các đợt bùng phát dịch vi rút Nipah, SARS, cúm gia cầm (H5N1), đại dịch cúm (H1N1), MERS-CoV, Zika, và bây giờ là Covid-19. Với thực tế đó, cán bộ y tế của các nước trong khu vực đã và đang tăng cường năng lực của mình để ngăn ngừa, phát hiện và đáp ứng với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Các nước đã huy động những người chuyên trách đã được đào tạo và phát triển qua các Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa, để tiến hành các cuộc điều tra ca bệnh cần thiết và truy vết người tiếp xúc. Lực lượng chuyên trách này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập dữ liệu giám sát dịch, phân tích dữ liệu đó và cung cấp thông tin để giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các biện pháp phù hợp. Các nước cũng sử dụng các phòng xét nghiệm y tế công cộng được tăng cường năng lực trong những năm qua, để phát hiện các đợt bùng phát và hiểu rõ bản chất của các biến thể lây lan ở từng quốc gia và trong toàn khu vực. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á đã kích hoạt các Trung tâm đáp ứng khẩn cấp, giúp tiếp cận theo phương thức phối hợp, toàn diện để ứng phó với đại dịch này.
Các nước Đông Nam Á đã sử dụng các phương tiện y tế công cộng được phát triển trong nhiều năm qua một cách hiệu quả, tìm kiếm các hướng dẫn từ các tổ chức như WHO và CDC, điều chỉnh các hướng dẫn quốc tế phù hợp với tình hình trong nước, và đã thành công đáng kể trước khi xuất hiện biến thể Delta.
Khi biến thể Delta lan rộng, các nước không chỉ phải sử dụng các biện pháp giảm thiểu dịch bệnh tại cộng đồng như rửa tay, đeo khẩu trang che mặt và giữ khoảng cách, mà còn phải nỗ lực để tăng tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vắc xin.
Bác sĩ Dziuban: Tại Việt Nam, các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã rất thành công trong năm ngoái, nhưng hiện gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là khi biến thể Delta lây lan quá dễ dàng. Các tỉnh thành đang cho thấy rất khó để có thể chấm dứt các đợt bùng phát dịch như từng đạt được trước đây, nhưng họ vẫn có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát để làm chậm sự lây lan và giúp các bệnh viện tiếp tục vận hành.

Tăng tỷ lệ tiêm vắc xin

Vậy các thách thức lớn đối với việc kiểm soát và ngăn chặn Covid-19 của Việt Nam trong đợt bùng phát hiện nay là gì?
Bác sĩ Dziuban: Thách thức lớn hiện nay là tìm cách ngăn chặn biến thể Delta lây lan nhanh theo các cách thức bền vững, đồng thời đáp ứng nhu cầu cá nhân cho người dân. Tăng tỷ lệ tiêm vắc xin càng cao càng tốt giúp bảo vệ tốt hơn cho cộng đồng. Cần có lộ trình đảm bảo những người đã được tiêm liều vắc xin thứ nhất sẽ được tiêm liều thứ 2 theo đúng thời hạn.
CDC đã mở văn phòng khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, CDC sẽ cùng với Việt Nam và các nước trong khu vực làm những gì để đáp ứng với Covid-19?
Bác sĩ MacArthur: Cùng phối hợp để hỗ trợ chính phủ các nước trong khu vực là ưu tiên cao nhất của các văn phòng song phương và văn phòng khu vực của CDC Đông Nam Á. Ngoài các hỗ trợ thường quy về an ninh y tế của chúng tôi đối với các quốc gia, Quốc hội Mỹ đã phân bổ 3 gói tài trợ bổ sung khẩn cấp hỗ trợ các hoạt động cốt lõi ứng phó Covid-19.
CDC Đông Nam Á đang hỗ trợ các nỗ lực ứng phó bằng các sáng kiến đa quốc gia bao gồm tăng cường năng lực phòng xét nghiệm và dịch tễ học, đào tạo về Quản lý khẩn cấp y tế công cộng, giám sát Covid-19 ở động vật và các hoạt động kiểm soát Covid-19 tại các khu vực biên giới và trong các khu vực dân cư có mức độ di chuyển nhiều.
Đầu tháng 9.2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố thông tin CDC sắp mở văn phòng Đông Nam Á đóng tại Hà Nội, để cùng ứng phó tình hình bệnh dịch Covid-19. Đến ngày 25.8, nằm trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam, Phó tổng thống Mỹ Kamala D.Harris đã cùng dự khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC tại Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.