Để giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng Trung Quốc

09/07/2020 07:57 GMT+7

Thực tế từ dịch bệnh Covid-19 đặt ra việc thế giới nói chung, và một số nước trong khu vực nói riêng, cần hạn chế việc chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc .

Trong chuyến công du Hàn Quốc vừa qua, bên cạnh vấn đề quan hệ với CHDCND Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun còn trao đổi với đại diện chủ nhà về sáng kiến Mạng lưới kinh tế thịnh vượng. Đây là một trong các sáng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 nhằm ứng phó với sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc giữa bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cơ cấu lại chuỗi sản xuất toàn cầu

Mạng lưới kinh tế thịnh vượng (gồm “Tứ giác kim cương” Mỹ - Úc - Nhật Bản - Ấn Độ mở rộng thêm 3 đối tác Việt Nam - Hàn Quốc - New Zealand) để kết nối nhiều quốc gia cùng hình thành một mạng lưới nhằm phối hợp tự chủ về chuỗi cung ứng.
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho biết: Có một sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức về an ninh quốc gia khi Trung Quốc lợi dụng sự trỗi dậy về kinh tế để định hình lại trật tự quốc tế ở khu vực Á - Âu. Đại dịch Covid-19 càng chỉ rõ ra nhận thức này khi thế giới đã bị lệ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
“Trong bối cảnh đó, Mỹ và nhiều nước đã nhận thấy an ninh kinh tế và ngoại giao kinh tế là chìa khóa, thậm chí có thể xem là yếu tố cốt lõi, của sức mạnh quốc gia và tạo ảnh hưởng toàn cầu. Từ đó, sáng kiến Mạng lưới kinh tế thịnh vượng ra đời để kết nối nhiều quốc gia cùng hình thành một mạng lưới nhằm phối hợp vượt qua sự cưỡng ép về kinh tế, hình thành các quy tắc chung về thương mại và chuỗi cung ứng thay thế, nhằm tách rời khỏi mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay vốn tập trung về đầu mối Trung Quốc”, PGS Nagy phân tích.
Cũng theo ông Nagy, Mạng lưới kinh tế thịnh vượng có thể rất quan trọng trong việc tái định hình hệ thống thương mại toàn cầu, được cam kết bởi những định hướng, đóng góp và hỗ trợ từ các thành viên trong cùng mạng lưới.

Và thách thức

Cũng trả lời Thanh Niên về Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) đặt vấn đề: Thực sự mà nói thì ngoài vấn đề thương mại và yếu tố Trung Quốc, nhóm “tứ giác kim cương” cùng 3 đối tác còn lại chưa thực sự chia sẻ nhiều giá trị chung để tạo nên sự kết dính. Trong khi đó, một thành viên của “Tứ giác kim cương” là Ấn Độ tuy có nhiều điểm tương đồng về kinh tế với Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhược điểm để đảm đương vai trò tương xứng.
Theo ông, một trong những thách thức là thái độ của Mỹ trước các đối tác vốn được thể hiện trong chính sách “nước Mỹ trên hết” của đương kim Tổng thống Donald Trump.
GS Sato chỉ ra rằng trong quan hệ thương mại với Nhật, Mỹ thực sự đã đưa ra nhiều đòi hỏi đáp ứng cho lợi ích của Washington khiến Tokyo phải miễn cưỡng đàm phán hiệp định song phương. Trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cách đây vài năm, chính Mỹ đã rút lui. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đòi thay đổi những điều khoản thỏa thuận trước đó.
Chính vì vậy, để Mạng lưới kinh tế thịnh vượng thực sự phát huy giá trị, thì cần phải đảm bảo hướng đến lợi ích chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.