Đảo nhân tạo phi pháp không thể mang lại chủ quyền cho Trung Quốc

12/07/2017 15:25 GMT+7

Cả Philippines và Trung Quốc đều đã tìm cách tiếp cận mới sau khi Toà trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.

Ngày 12.7.2016, Tòa trọng tài quốc tế tại Hague, Hà Lan đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Để nhìn lại những chuyển biến trong một năm qua, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
Thanh Niên: Thưa PGS.TS Vũ Thanh Ca, đã một năm trôi qua kể từ ngày có phán quyết vụ kiện Biển Đông, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của phán quyết này trong thời gian qua và đã có những chuyển biến gì trong tuyên bố hay hành động của các bên sau phán quyết? Cục diện trên Biển Đông có thay đổi gì hay không?
Vụ trưởng Vũ Thanh Ca: Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế và là một văn kiện luật pháp quan trọng, đã thay đổi về cơ bản thực trạng pháp lý trên Biển Đông. Có thể nói rằng phán quyết đã giáng một đòn quyết định vào tuyên bố “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại khu vực biển bên trong “đường lưỡi bò”.
Quan sát tình hình, ta có thể thấy Biển Đông đã “lặng sóng” hơn từ sau khi có phán quyết. Từ chỗ rất xác quyết đối với các vấn đề liên quan tới chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận và có vẻ đang tập trung nghiên cứu để tìm một hướng đi mới, phù hợp hơn. Dù muốn hay không muốn và dù không công nhận phán quyết, Trung Quốc cũng phải nhận ra rằng phán quyết sẽ mãi nằm đấy chờ thực thi và trở thành một “án lệ”quốc tế trong tương lai. Vì vậy, Trung Quốc không thể ra mặt chống lại luật pháp quốc tế, vi phạm phán quyết một cách thô bạo. Nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ mất đi hình ảnh cùng rất nhiều quyền lợi của mình, bao gồm vai trò của nước này trên trường quốc tế. Với cách tiếp cận thay đổi, Trung Quốc từng bước dùng đòn bẩy kinh tế để vận động các nước liên quan ủng hộ những yêu sách của mình. Đồng thời, Trung Quốc cũng không quên củng cố vị thế của mình với các cường quốc, đặc biệt là với Mỹ.
PGS.TS Vũ Thanh Ca       

Bằng cách làm rõ rất nhiều vấn đề, phán quyết đã tạo cơ hội cho các nước xung quanh Biển Đông hợp tác về các vấn đề liên quan tới tài nguyên, môi trường, tự do hàng hải, hàng không và an ninh trên Biển Đông. Tuy rằng phản ứng của các nước xung quanh Biển Đông với phán quyết khá dè dặt, nhưng những phản ứng này cần được xem xét với cái nhìn toàn diện. Hơn ai hết, tất cả các nước có tranh chấp với Trung Quốc đều hiểu rõ rằng từ nay “đường lưỡi bò” không còn nữa, và những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ không bao giờ có thể mang lại chủ quyền cho Trung Quốc. Chính vì vậy, họ đổi cách tiếp cận từ chỗ có nhiều khía cạnh đối đầu sang hợp tác. Trong khi hợp tác để tăng cường ổn định và an ninh hàng hải, hàng không, các nước xung quanh Biển Đông đã tận dụng mọi cơ hội để thực thi phán quyết, đồng thời tận dụng những nguồn lực có được do hợp tác với Trung Quốc để phát triển kinh tế trong nước.
Nhiều hội nghị quốc tế được tổ chức để bàn bạc, làm rõ phán quyết và tìm giải pháp thực thi phán quyết. Đặc biệt, các học giả Indonesia đã ra tuyên bố nêu rõ: “Phán quyết Tòa Trọng tài là một bước tiến trong cộng đồng các quốc gia tôn trọng quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ và hỗ trợ làm rõ phán quyết trong các khía cạnh liên quan đến UNCLOS – nền tảng cho giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông. Chúng tôi cũng lưu ý rằng phán quyết của Tòa - tương tự như quan điểm từ trước tới nay của Indonesia, rằng yêu sách “đường chín đoạn” là đi ngược lại UNCLOS 1982”.

tin liên quan

Biển Đông trong đối thoại Shangri-La
Một số chuyên gia tham dự Đối thoại Shangri-La vừa qua tại Singapore đã đưa chia sẻ các nhận định với Thanh Niên về vấn đề Biển Đông xung quanh thông điệp của Mỹ và Úc, cũng như diễn biến thực tế.
Thanh Niên: Quan điểm của Vụ trưởng như thế nào về cách tiếp cận của Philippines đối với phán quyết và cách tiếp cận đó tác động thế nào đối với tình hình Biển Đông?
Vụ trưởng Vũ Thanh Ca: Philippines đã điều chỉnh chính sách một cách toàn diện sau khi có phán quyết. Tôi cho rằng là một luật sư, Tổng thống Duterte rất cân nhắc những gì mình nói và cần phải hiểu những câu nói của Tổng thống Duterte cho đúng nghĩa. Luật sư nào cũng biết rằng quyền và lợi ích của các bên liên quan nằm trong những “tờ giấy” của phán quyết và khi ông nói “phán quyết của Tòa chỉ là mẩu giấy”, ông hoàn toàn có thể ngụ ý rằng những gì nằm trong “mẩu giấy” ấy không mất đi mà mãi mãi tồn tại, và rồi dần dần sẽ được thực thi.
Với cách tiếp cận mới, ông đã thân thiện hơn với Trung Quốc, đã thực thi được một phần của phán quyết bằng cách đòi lại quyền đánh cá của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough. Ông còn tiến xa hơn nữa bằng cách tuyên bố đơn phương thiết lập một khu bảo tồn biển tại khu vực bãi cạn này mà Trung Quốc không có ý kiến phản đối. Về mặt kinh tế, Tổng thống Duterte đã thảo luận và đạt được những thỏa thuận kinh tế rất quan trọng với Trung Quốc.
Thanh Niên: Thưa Vụ trưởng, trong thời gian tới liệu phán quyết này có thể được các bên sử dụng để làm thay đổi cục diện khu vực được không và triển vọng pháp lý cũng như thực địa ở Biển Đông sẽ như thế nào khi mà Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu dừng quân sự hóa trên các đảo nhân tạo?
Vụ trưởng Vũ Thanh Ca: Như đã chia sẻ, các nước trong khu vực đều cố gắng tận dụng tất cả những cơ hội mà phán quyết mang lại để tối đa hóa lợi ích của mình và bằng cách đó, họ đang dần thay đổi cục diện Biển Đông. Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để ngăn cản xu thế này, nhưng nhiệm vụ này đối với Trung Quốc bây giờ sẽ khó khăn gấp bội.
Phán quyết có làm Trung Quốc dừng mọi hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ đã xây phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cấp những đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng. Tuy vậy, Trung Quốc cần phải cân nhắc rất kỹ những quyết định đầu tư của mình bởi vì trong thế giới ngày nay chân lý không nhất thiết thuộc về kẻ mạnh. Với phán quyết của Tòa, chiến lược “tằm ăn lá dâu”, từng bước hợp thức hóa các quyền trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã phá sản hoàn toàn. Những nỗ lực quân sự hóa các đảo nhân tạo không thể thay đổi hiện trạng pháp lý hiện tại và tạo ra một hiện trạng pháp lý mới. Trung Quốc không thể tự tiện phá vỡ luật pháp quốc tế bằng cách tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.