Đằng sau cú ngã của ông chủ Anbang

Bảo Vinh
Bảo Vinh
25/02/2018 07:22 GMT+7

Việc tiếp quản Tập đoàn bảo hiểm Anbang cho thấy sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ từ sự bành trướng rầm rộ của các công ty tư nhân ra nước ngoài trong vài năm qua.

Sau hơn nửa năm xuất hiện đồn đoán về số phận của Tập đoàn Anbang, Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) ngày 23.2 chính thức thông báo sẽ tiếp quản tập đoàn này trong một năm và xác nhận Chủ tịch Ngô Tiểu Huy, cháu rể của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, đã bị cách chức và đang đối mặt việc bị truy tố vì “các tội phạm kinh tế”. Việc tiếp quản cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cực kỳ lo ngại về tình hình tài chính của công ty này giữa lúc Bắc Kinh tìm cách kiềm hãm những món nợ đang phồng lên với tốc độ chóng mặt của nền kinh tế thứ hai thế giới, theo AFP.
Gió đổi chiều
Là một doanh nghiệp chuyên về bảo hiểm, nhưng Anbang cũng tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh khác và được coi là một trong những tập đoàn tiên phong của Trung Quốc cùng với Fosun, Dalian Wanda hay HNA thực hiện các vụ thâu tóm rầm rộ bất động sản, câu lạc bộ thể thao, hãng phim lớn... ở nước ngoài trong những năm gần đây. Năm 2014, tập đoàn này gây tiếng vang trên trường quốc tế khi mua khách sạn danh tiếng Waldorf Astoria ở thành phố New York (Mỹ) với giá gần 2 tỉ USD.
Trước đây, Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, nhưng khoảng hơn một năm trở lại đây, nhà chức trách nước này lên tiếng cảnh báo về những thương vụ mua bán và sáp nhập “không hợp lý”, trong bối cảnh có những lo ngại về nguy cơ các tập đoàn và doanh nghiệp lớn đang đối mặt với núi nợ khổng lồ.
Cuối năm 2017, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) công bố quy định yêu cầu các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài một cách kiềm chế và “những doanh nghiệp tư nhân phải thông báo kế hoạch đầu tư với chính quyền và phải được chấp thuận nếu muốn làm ăn tại những quốc gia, ngành công nghiệp nhạy cảm”. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc công bố cho thấy tổng mức đầu tư nước ngoài của Trung Quốc năm 2016 đạt mức kỷ lục 170 tỉ USD. Kể từ đó, Anbang là một trong những tập đoàn bị các nhà quản lý Trung Quốc nhắm đến. Theo tờ South China Morning Post, việc thâu tóm tài sản ở nước ngoài của tập đoàn này đã bị ngừng lại từ tháng 6.2017 khi Chủ tịch Ngô Tiểu Huy bị điều tra.
Đằng sau cú ngã của ông chủ Anbang1
Chủ tịch Anbang Ngô Tiểu Huy Ảnh: Reuters
Bảo vệ an ninh
Tập đoàn bảo hiểm Anbang do ông Ngô Tiểu Huy thành lập năm 2004 với chỉ 60 triệu USD. Từ chỗ là một nhà bảo hiểm xe hơi nhỏ, Anbang sau đó nhanh chóng trở thành tập đoàn dịch vụ tài chính với khối tài sản 1.970 tỉ nhân dân tệ (310 tỉ USD). Anbang được coi là một trong những công ty có mối liên hệ khăng khít nhất với những nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc. Các nhà quan sát nhận định việc chính quyền tiếp quản Anbang và điều tra ông Ngô là động thái cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến việc giữ ổn định cho nền kinh tế. Tháng 4.2017, Chủ tịch Tập tuyên bố trong cuộc họp với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng an ninh tài chính là một phần quan trọng của an ninh quốc gia và là nền tảng chính cho sự ổn định và phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Bắc Kinh lo ngại sự ảnh hưởng các tập đoàn và doanh nghiệp như Anbang với hệ thống công ty con phức tạp cùng các khoản nợ lớn có thể gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Dù vậy, việc truy tố ông Ngô Tiểu Huy được cho là có sự đồng thuận trong nội bộ đảng và sự tiếp quản được tiến hành kỹ càng nhằm tránh gây nguy cơ bất ổn. “Anbang quá lớn để bị sụp đổ. Ngay cả khi tập đoàn này không có giá trị thật, nhà chức trách cũng sẽ tái cấu trúc nó một cách rất cẩn trọng”, một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này nói với The Financial Times. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng Anbang có rất nhiều đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau, họ đã là một phần quan trọng trong bộ máy và có thể đặt ra mối đe dọa cho toàn hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.