Dàn 'sát thủ diệt hạm' đón đầu hạm đội Trung Quốc

15/08/2020 06:31 GMT+7

Trong khi đe dọa dùng tên lửa tiêu diệt tàu chiến Mỹ, thì chính hạm đội Trung Quốc đang đối mặt thế trận “tên lửa diệt hạm” của Nhật Bản và Đài Loan.

Mới đây, Boeing đã ký hợp đồng với Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản) để nâng cấp chiến đấu cơ F-15 của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Nhật Bản, Đài Loan bổ sung “sát thủ”

Theo đó, 98 chiếc F-15 sẽ được nâng cấp hàng loạt công nghệ, vũ khí tối tân như hệ thống radar Raytheon AN/APG-82, máy tính và hệ thống tổ chức tác chiến thế hệ mới. Một trong các bổ sung quan trọng là tích hợp thêm tên lửa hành trình chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM. Đây là phiên bản đối hạm của dòng tên lửa hành trình AGM-158 JASSM đạt tầm bắn có thể lên đến hơn 900 km. Đến nay, tầm bắn chính xác của AGM-158C LRASM chưa được tiết lộ, nhưng giới chuyên gia quân sự ước chừng loại hỏa tiễn này có tầm bắn không dưới 500 km. Thêm vào đó, AGM-158C LRASM còn có thể tích hợp cho dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 mà Nhật Bản sớm triển khai trong tương lai.
Thời gian qua, Tokyo không ngừng đẩy mạnh việc phát triển tên lửa đối hạm tầm xa. Giữa tháng 3 vừa qua, Kyodo News đưa tin Nhật Bản sẽ tự chế tạo tên lửa đối hạm có tầm bắn lên đến trên 400 km để trang bị cho chiến đấu cơ. Loại tên lửa này được dùng để thay thế dòng tên lửa ASM-3 (có tầm bắn 200 km) đang được tích hợp trên các máy bay chiến đấu của Nhật. Liên quan dự án phát triển mới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định với quốc hội nước này rằng việc chế tạo tên lửa đối hạm tầm xa không vi hiến.
Không chỉ Nhật Bản mà Đài Loan cũng tăng cường khả năng đối hạm cho chiến đấu cơ. Hồi đầu tuần này, truyền thông quốc tế đưa tin Đài Loan đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 được trang bị tên lửa đối hạm Harpoon (AGM-84). Đây là loại tên lửa đối hạm khá nổi tiếng của Mỹ và được nhiều nước sử dụng, hiệu quả tác chiến cao. Vào tháng 5, Reuters đưa tin Đài Bắc đang thương lượng với Washington để mua thêm tên lửa Harpoon phiên bản triển khai trên đất liền. Như thế, với số tàu chiến đã được trang bị tên lửa Harpoon, Đài Bắc đang hướng đến khả năng khai hỏa tên lửa đối hạm Harpoon từ cả trên biển, đất liền và trên không.
Dàn 'sát thủ diệt hạm' đón đầu hạm đội Trung Quốc1

Lược đồ khu vực gần Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc

ĐỒ HỌA: N.M.T

Giải pháp tác chiến uy lực

Nhận xét về các động thái của Tokyo và Đài Bắc khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Việc bổ sung tên lửa chống hạm như Harpoon hay AGM-158 vào máy bay chiến đấu đa nhiệm của Mỹ tạo ra năng lực tác chiến có tính hiệu quả cao. Bởi những loại máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng phòng vệ tốt trước các loại hỏa tiễn đối không thường được mang theo bởi các khu trục hạm Type-052 và Type-055 của Trung Quốc”.
Cựu đại tá Schuster phân tích thêm: “Cả F-15 và F-16 đều tác chiến rất linh hoạt, tốc độ nhanh và tích hợp nhiều loại radar tiên tiến, kết hợp cùng các hệ thống giám sát và cảm biến, xác định mục tiêu hiện đại. Nhờ đó, 2 loại máy bay này rất hiệu quả khi hạ thấp độ cao để xác định mục tiêu, khai hỏa rồi thoát khỏi tầm bắn của đối phương”.

Hải quân Trung Quốc gặp thách thức lớn

Những động thái trên của Nhật Bản và Đài Loan được cho là nhằm ứng phó với tàu chiến Trung Quốc đang tăng nhanh về số lượng lẫn thực lực. Lâu nay, Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc phụ trách vùng biển vốn có nhiều căng thẳng giữa Bắc Kinh với Tokyo và Đài Loan.
Không những vậy, đây cũng là khu vực mà hải quân Trung Quốc thường chọn làm hải trình để tiến ra khu vực tây Thái Bình Dương. Điển hình hồi tháng 4, trước khi vào Biển Đông để tập trận, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ. Như vậy, Hạm đội Đông Hải hay các lực lượng chiến hạm của Trung Quốc di chuyển khu vực gần Nhật Bản và Đài Loan, như hải trình vừa nêu, đều phải đối mặt với thế trận “sát thủ tàu chiến” đầy uy lực.
“Việc Nhật và Đài Loan tăng cường tên lửa đối hạm cho chiến đấu cơ tạo ra mối đe dọa khiến Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc phải lo lắng. Trước đây, hạm đội này chỉ lo ngại tên lửa đối hạm tầm ngắn hoặc các loại oanh tạc cơ. Và tất nhiên, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với mối đe dọa tương tự nếu được điều động đến khu vực gần Đài Loan hay Nhật Bản. Đây là rủi ro mới cho hải quân Trung Quốc”, ông Schuster phân tích khi trả lời Thanh Niên.
Hơn 20 chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát Đài Loan?
* Đài Bắc ra tuyên bố cứng rắn với Bắc Kinh
Tờ Tự do thời báo (Đài Loan) hôm qua loan tin quân đội Trung Quốc ngày 10.8 đã điều hơn 20 chiến đấu cơ diễn tập tác chiến gần đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, đường phân định giới tuyến giữa hai bên. Trong đó có một số chiến đấu cơ J-11 và J-10 của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến trước khi bị chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan xua đuổi. Vụ việc diễn ra ngay trước khi Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ở Đài Bắc.
Hãng tin CNA ngày 14.8 dẫn lời ông Khâu Thùy Chánh, phát ngôn viên Hội đồng Sự vụ đại lục của Đài Loan, tuyên bố Đài Bắc sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước những hành động khiêu khích từ Bắc Kinh. Ông Khâu kêu gọi đại lục “không nên hành động cẩu thả” vì mọi sự đe dọa sẽ bị phản đối mạnh mẽ. Ông Khâu cảnh báo những cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trong khu vực phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, gây nguy hiểm cho sinh mạng của nhân dân Đài Loan.
Ông Khâu đưa ra tuyên bố trên sau khi Chiến khu miền đông thuộc quân đội Trung Quốc tuyên bố đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự nhắm vào Đài Loan trong thời gian gần đây. Báo chí Trung Quốc dẫn lời một phát ngôn viên thuộc Chiến khu miền đông cho hay cuộc diễn tập, với sự tham gia của nhiều đơn vị, nhằm tăng cường khả năng phối hợp chung và ứng phó “tình hình an ninh hiện nay” ở eo biển Đài Loan. 
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.