Dân Bỉ biểu tình phản đối thỏa thuận thương mại với Mỹ, Canada

21/09/2016 11:31 GMT+7

Trên 5.000 người biểu tình tập trung bên ngoài Ủy ban châu Âu tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 20.9, phản đối hai thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ và Canada.

Cuộc biểu tình ở Bỉ diễn ra sau những cuộc biểu tình rầm rộ tại các thành phố của Đức hồi cuối tuần rồi, phản đối thỏa thuận Đối tác Đầu tư và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ (TTIP), và Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế Toàn diện giữa EU và Canada (CETA), theo AFP.
Cảnh sát Bỉ ước tính trên 5.000 người biểu tình đã tập trung quanh Ủy ban châu Âu để phản đối TTIP và CETA. “Chúng tôi không cần TTIP và CETA”, những người biểu tình hô vang khẩu hiệu, giữa lúc trực thăng cảnh sát bay lượn phía trên.
“Chúng ta chắc chắn sẽ là những kẻ bại trận thảm hại. Đây sẽ là một cú sốc lớn cho ngành nông nghiệp”, nông dân Stephane Delogne, tham gia biểu tình cho AFP biết.
EU và Mỹ bắt đầu đàm phán TTIP vào năm 2013, nhắm vào mục tiêu tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 850 triệu người tiêu dùng. Nhưng tiến trình đàm phán bị gián đoạn khi các nước thành viên EU quan ngại thỏa thuận này sẽ làm giảm những tiêu chuẩn của EU trong các lĩnh vực then chốt như y tế.
Các vòng đàm phán mới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10.2016, và Tổng thống Mỹ Barack Obama kỳ vọng EU-Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng 1.2017.
Ủy viên phụ trách thương mại của EU, bà Cecilia Malmstroem cảnh báo hai bên khó mà đạt được thoả thuận vào tháng 10.2016. “Chúng ta sẽ có một thỏa thuận với Mỹ, nhưng có lẽ là sau khi Mỹ có chính phủ mới”, bà Malmstroem nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh RTBF (Bỉ).
Bà Malmstroem cũng lên tiếng bảo vệ CETA. EU và Canada đã tiến hành đàm phán CETA và dự kiến ký kết thông qua thỏa thuận này vào tháng 10.
Tuy nhiên, trước sự phản ứng từ một số nước thành viên, để thông qua CETA, EU buộc phải vận động quốc hội các quốc gia thành viên thông qua, và tiến trình này có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, theo AFP.
“Canada không phải là Mỹ. Họ nằm cạnh nhau trên bản đồ không có nghĩa là họ giống nhau”, bà Malmstroem nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia EU sớm thông qua CETA.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.