Đài Loan sẵn sàng phóng tên lửa bắn hạ máy bay chiến đấu Trung Quốc?

12/10/2020 19:24 GMT+7

Không chỉ điều động máy bay chiến đấu theo dõi, Đài Loan đã điều động hệ thống tên lửa phòng không ứng phó máy bay chiến đấu của Trung Quốc đại lục.

Hôm qua 11.10, thông qua mạng xã hội Twitter, Lực lượng phòng vệ Đài Loan (MND) thông báo một máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc đại lục vừa xâm phạm “vùng nhận diện phòng không của Đài Loan”. Để ứng phó, NMD cho biết đã điều động máy bay chiến đấu giám sát đối phương, đồng thời triển khai hệ thống tên lửa phòng không theo dõi chặt chẽ.

Đài Loan đã mua tên lửa MIM-23 từ Mỹ

Ảnh: AsiaTimes

Từ vài tháng trước, Đài Loan đã bắt đầu sử dụng đến tên lửa đất đối không để giám sát máy bay chiến đấu đại lục xâm nhập vùng trời lãnh thổ này. Đây có thể xem là bước chuyển quan trọng về cách thức ứng phó của Đài Bắc khi nâng mức sẵn sàng chiến đấu, cụ thể là có thể khai hỏa tên lửa đối không.

Thực tế, Đài Loan thời gian qua đang không ngừng nâng cao năng lực phòng không và triển khai thêm các hệ thống tên lửa đối không. Một số trang mạng mới đây đăng tải hình ảnh về việc Đài Loan triển khai các hệ thống tên lửa đối không tầm ngắn MIM-23 Hawk. Đây là dòng tên lửa có độ linh hoạt cao mà Đài Loan đã mua từ Mỹ khá lâu.

Cuối tháng 8, truyền thông Đài Loan đưa tin Lực lượng phòng vệ trên không của đảo đang xem xét mua thêm hệ thống pháo cận chiến Phalanx để phòng thủ trước tên lửa, máy bay không người lái.

Tên lửa Thiên Cung được phát triển với cả phiên bản dành cho tàu chiến

Ảnh: Taiwan News

Ngoài ra, Đài Bắc từ nhiều năm trước cũng mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ với tầm bắn lên đến hàng trăm km, đồng thời tự phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm xa Sky Bow. Trong đó, Sky Bow (Thiên Cung) được Đài Bắc phát triển từ đầu thập niên 1980. Từ đó đến nay, hệ thống Thiên Cung thường xuyên được Đài Bắc nâng cấp và giờ đây Thiên Cung thế hệ 3 có tầm bắn khoảng 200 km, tức có thể tấn công máy bay chiến đấu Trung Quốc từ bên trong lãnh thổ đại lục, bởi eo biển Đài Loan chỉ rộng khoảng 160 km.

Tên lửa Thiên Cung thế hệ 3 cũng được đánh giá khá cao khi đạt tốc độ Mach 7 (nhanh gấp 7 lần vận tốc âm thanh). Bên cạnh đó, Thiên Cung còn được phát triển thêm phiên bản phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Đặc biệt, từ năm 2019, Đài Loan bắt đầu quá trình trang bị tên lửa Thiên Cung 3 cho tàu chiến để bổ sung thêm năng lực phòng không từ xa và cả trên biển. Phiên bản tàu chiến của tên lửa Thiên Cung được tích hợp vào hệ thống ống phóng đứng khá phổ biến.

Hình ảnh được cho là khu vực được Đài Loan đồn trú tên lửa đối không, bao gồm cả Patriot

Google Earth

Trong khi đó, hệ thống tên lửa Patriot mà Đài Loan đang sở hữu bị đánh giá là đã khá “già cỗi”. Giữa bối cảnh căng thẳng dâng cao ở eo biển Đài Loan gần đây, Reuters hồi đầu tháng 7 đưa tin Washington đã thông qua hợp đồng nâng cấp tên lửa Patriot trị giá 620 triệu USD cho Đài Bắc. Thông qua hợp đồng này, các hệ thống Patriot của Đài Loan sẽ được nâng cấp đảm bảo khả năng tác chiến hiệu quả thêm 30 năm.

Chính vì thế, Đài Loan có thể tự tin vào hệ thống phòng không trước các hoạt động của phía bên kia eo biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.