Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac từ trần

26/09/2019 18:10 GMT+7

Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac từ trần vào ngày 26.9 ở tuổi 86, theo thông báo từ gia đình .

“Tổng thống Jacques Chirac từ trần vào sáng nay bên vòng tay yêu thương của gia đình”, con rể Frederic Salat-Baroux nói với AFP.
Trong những năm gần đây, ông Chirac ít xuất hiện trước công chúng do bị mất trí vì mắc bệnh Alzheimer và đột quỵ nhẹ. Ông Chirac được xem là một trong số lãnh đạo có sự nghiệp chính trị dài nhất ở châu Âu. Từ 1995 - 2007, ông hai lần làm Tổng thống. Trước đó ông giữ chức Thủ tướng 2 nhiệm kỳ (1974-1976, 1986-1988) và từng là thị trưởng Paris trong 18 năm (1977-1995).
Vào ngày 16.5.2007, ông Chirac đã trao lại quyền điều hành đất nước cho ông Nicolas Sarkozy để chuyên tâm hơn vào những dự án từ thiện. Trong suốt sự nghiệp chính trị, cố Tổng thống Chirac đã làm được nhiều điều cho nước Pháp nhưng cũng không ít lần ông đã phải nếm vị đắng của quyền lực...

Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến thăm và nói chuyện với các học sinh, sinh viên biết tiếng Pháp tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, ngày 7.10.2004, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Thượng đỉnh ASEM 5

TTXVN

Vị tổng thống dày dạn kinh nghiệm
Chính thức được bổ nhiệm vào bộ máy chính quyền lần đầu tiên (năm 1967) dưới thời Tổng thống Georges Pompidou với chức Tổng trưởng Bộ Xã hội khi mới 35 tuổi, ông Chirac từng 2 lần làm Thủ tướng, 3 lần làm Bộ trưởng, 18 năm làm Thị trưởng Paris, là người sáng lập đảng RPR (Rassemblement pour la République francaise: Tập hợp vì nền cộng hòa Pháp), tiền thân của đảng UMP hiện nay. Bề dày kinh nghiệm chính trường của ông còn phải kể thêm 2 lần thất bại trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1981 và 1988 cho đến trước lúc chính thức đạt đến đỉnh cao quyền lực vào năm 1995, khi ông giành chiến thắng trước đối thủ Lionel Jospin của đảng Xã hội.
Là một tấm gương cho các đồng sự của mình về sự say mê với công việc, ngay vào những ngày cuối tuần hoặc trong kỳ nghỉ, ông Chirac vẫn thường xuyên sử dụng điện thoại để bàn bạc chuyện công. Thêm vào đó, kinh nghiệm lâu năm đã giúp Chirac quy tụ được bên cạnh mình nhiều cộng sự giỏi với xuất thân, nghề nghiệp và tính tình vô cùng khác nhau.
Tuy nhiên, cũng chính kinh nghiệm quá dạn dày khiến các chính sách đối nội của Chirac có phần cứng nhắc, nên sau 12 năm cầm quyền, tình hình kinh tế - xã hội và chính trị nước Pháp không có nhiều thay đổi nổi bật, ngoại trừ một số tiến bộ về an toàn giao thông (số lượng tử vong hằng năm giảm từ 8.000 xuống còn 5.000), y tế (chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư).
Đặc biệt từ khoảng cuối năm 2005, nước Pháp đã nhiều lần chìm sâu vào khủng hoảng xã hội mà nặng nề nhất là cuộc bạo động mùa thu năm 2005 và đợt đình công, biểu tình quy tụ hàng triệu người tham gia chống lại điều luật CPE dành cho lao động trẻ.

Cựu tổng thống Jacques Chirac ngồi cạnh với Tổng thống Francois Hollande trong sự kiện ở thủ đô Paris ngày 21.11.2014

AFP

Quốc tế: vinh quang và cay đắng
Những hoạt động về đối ngoại là điểm son đáng chú ý nhất trong 2 nhiệm kỳ của ông Chirac. Ngay nhiệm kỳ đầu tiên của ông được đánh dấu bằng việc Euro chính thức trở thành đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU), nhiệm kỳ thứ 2 của ông chào đón sự tham gia "ồ ạt" vào EU của các nước Đông Âu.
Đáng kể nhất và có thể xem như thành công lớn nhất của Chirac trên trường quốc tế là khi ông chung vai sát cánh với Đức, Nga và Trung Quốc chống lại cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.
Cố Tổng thống Chirac cũng được xem là "sứ giả" trong việc truyền bá văn hóa, không chỉ của nước Pháp mà còn của các nền văn minh ít được biết đến. Tại hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM 5) vào tháng 10.2004 tại Việt Nam, ông phát biểu: "Các sản phẩm văn hóa không phải là những hàng hóa thông thường. Chúng ta cần phải trân trọng chúng vì chúng chính là phương tiện biểu đạt của tâm hồn con người". Vào cuối nhiệm kỳ thứ 2 của mình, một trong những "dấu ấn" sau cùng của ông Chirac là khánh thành Bảo tàng Quai Branly, bảo tàng về các nền văn hóa phi phương Tây, vào tháng 6.2006.
Nhưng lĩnh vực quốc tế của ông Chirac không chỉ có thành công, thất bại lớn nhất của ông chính là việc người Pháp đã nói "không" với Hiến pháp châu Âu trong kỳ trưng cầu dân ý vào năm 2005. Thất bại này làm uy tín của ông sụt giảm nghiêm trọng, thủ tướng đương nhiệm vào thời điểm ấy là Raffarin phải từ chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.