Cuộc thư hùng trên chính trường Mỹ

02/02/2017 10:11 GMT+7

Các quyết định cấp tập của Tổng thống Mỹ Donald Trump dọn đường cho cuộc đối đầu không khoan nhượng trên chính trường Mỹ.

Chỉ bước vào Nhà Trắng hơn 10 ngày, song Tổng thống Donald Trump đã ban hành hàng loạt sắc lệnh làm náo động cả trong và ngoài nước. Quyết định mới nhất của ông Trump về việc đề cử thẩm phán Neil Gorsuch vào vị trí còn trống trong 9 ghế của Tòa án tối cao vào ngày 31.1 (giờ Mỹ) tiếp tục vấp phải sự chống đối dữ dội của phe Dân chủ. Ông Gorsuch, 49 tuổi, được chọn để thay thế thẩm phán thuộc phái bảo thủ Antonin Scalia, người qua đời cách đây 1 năm. Toàn bộ quá trình được thực hiện vô cùng kín đáo để tránh lộ thông tin vào giờ chót.
Sự dàn xếp bí mật
Ông Trump cáo buộc Nhật, Trung phá giá tiền tệ
Theo AFP, Nhật Bản ngày 1.2 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Tokyo phá giá tiền tệ nhằm giành lấy lợi thế thương mại. Trước đó, trong bài phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo các công ty dược, ông Trump tố cáo Trung Quốc và Nhật Bản đã cố tình thao túng thị trường tiền tệ, trong khi người Mỹ cứ ngồi đó “như những kẻ đần độn”.
Cùng ngày, người đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia của Nhà Trắng Peter Navarro cũng chỉ trích Đức đã lợi dụng đồng euro được định giá thấp để giành lợi thế không công bằng trước Mỹ.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ chỉ gọi điện báo cho ông Gorsuch, thẩm phán liên bang ở Colorado, về quyết định đề cử vào ngày 30.1. Sau cuộc trao đổi qua điện thoại, một đội ngũ pháp lý Nhà Trắng bay đến thủ phủ Denver, rồi lái xe đến thành phố Boulder cách đó khoảng 45 phút để đón ông Gorsuch và gia đình. Họ gặp nhau tại nhà láng giềng của vị thẩm phán để tránh ánh mắt dò xét của báo giới. Kế đến, ông được chuyển đến máy bay quân sự đang chờ sẵn và bay đến thủ đô Washington để chuẩn bị cho màn ra mắt.
Được đánh giá là có nhiều nét tương đồng với người tiền nhiệm quá cố Scalia nên ông Gorsuch sẽ giúp phe bảo thủ có lợi thế tại Tòa án tối cao, từ đó định hình hệ tư tưởng của tòa này trong cả một thế hệ. Quyết định của ông Trump do vậy sẽ có ảnh hưởng to lớn và kéo dài đối với nhiều vấn đề hiến pháp then chốt đang và sẽ được Tòa án tối cao xem xét, từ bình đẳng tôn giáo đến quyền phá thai, quyền bầu cử, quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, quyền của người đồng tính và chống phân biệt đối xử...
Chính vì thế, việc đề cử ông Gorsuch nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ phía đảng Cộng hòa, phía đã quyết liệt ngăn cản tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama trám chỗ trống trong Tòa án tối cao vào năm ngoái. Ngược lại, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ, vốn đang phẫn nộ sâu sắc với sắc lệnh về nhập cảnh gây tranh cãi của ông Trump, đã hứa hẹn sẽ chặn đường ông Gorsuch bằng mọi giá.
Hiện phe Cộng hòa chiếm 52 ghế tại Thượng viện, trong khi để chắc chắn được phê chuẩn ông Gorsuch cần có được 60 phiếu. Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ nhận định lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell có thể sẽ thuyết phục được 8 nghị sĩ Dân chủ tham gia bỏ phiếu thuận, hoặc thay đổi luật lệ để vô hiệu hóa khả năng cản trở của phe đối lập.
Phong trào “kháng cự”
Quyết định mới nhất của ông Trump được đưa ra giữa lúc nước Mỹ bị phân hóa sâu sắc bởi sắc lệnh nhập cảnh. Hiện mỗi nghị sĩ Dân chủ tại quốc hội Mỹ đang phải đối mặt với sự giận dữ cao độ từ giới cử tri ở các bang cốt lõi, những người đang gây áp lực buộc họ phải chống lại mọi quyết định của tân tổng thống, bất chấp nội dung của chúng.
Vài giờ trước khi ông Trump công bố tên tuổi ứng viên cho ghế thẩm phán, đảng Dân chủ gia tăng mức độ chống đối bằng cách trì hoãn các buổi phê chuẩn ứng viên nội các mới. Theo tờ The Washington Post, đầu tiên phe Dân chủ tẩy chay hai phiên bỏ phiếu phê chuẩn chức Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người và Bộ trưởng Tài chính, với hai ứng viên lần lượt là Tom Price và Steve Mnuchin. Kế đến, họ tiếp tục ngăn cản quá trình phê chuẩn thượng nghị sĩ Jeff Sessions, ứng viên Bộ trưởng Tư pháp, của ông Trump.
Những hành động cản trở này được thực hiện với lý do cần có thêm thông tin về các ứng viên được đề xuất để có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Thậm chí các nghị sĩ Dân chủ còn viện dẫn lý do ông Trump đột ngột sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates vào đêm 30.1 vì dám chống lại sắc lệnh nhập cảnh để tẩy chay các phiên bỏ phiếu.
Phong trào “kháng cự” Nhà Trắng như được tiếp sức với việc 900 nhà ngoại giao Mỹ cùng ký tên vào một bức thư bày tỏ sự phản đối sắc lệnh trên vào ngày 1.2, theo Reuters. Nội dung bức thư được gửi qua kênh riêng của Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ không làm cho nước Mỹ an toàn hơn. Trong khi đó, tính đến ngày 1.2, đã có các bang Massachusetts, New York, Virginia và Washington tham gia cuộc chiến pháp lý chống lại sắc lệnh của Nhà Trắng.
Sắc lệnh gây tranh cãi
Theo sắc lệnh hành pháp được ông Trump ký vào ngày 27.1, Mỹ sẽ tạm ngưng nhập cảnh đối với những người mang hộ chiếu Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày.
Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng “đóng băng” chương trình tiếp nhận người tị nạn trong 120 ngày và ngưng tiếp nhận người tị nạn từ Syria vô thời hạn.
Lý do được Nhà Trắng đưa ra là họ cần phải rà soát và tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh đối với các đối tượng thuộc diện nêu trên. Sắc lệnh bị nhiều người lên án là vi hiến, kỳ thị tôn giáo và phân biệt đối xử, với nhiều hoạt động phản kháng gây tiếng vang.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát do Reuters thực hiện vào ngày 30 - 31.1 cho thấy 49% số người dân Mỹ được hỏi ủng hộ quyết định của ông Trump, trong khi số phản đối là 41%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.