Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật-Ấn-Úc-Pháp gửi tín hiệu gì tới Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
06/04/2021 13:30 GMT+7

Giới chuyên gia nhận định cuộc tập trận chung do Pháp dẫn đầu với “Bộ tứ kim cương” ở vịnh Bengal gửi một tín hiệu tới Trung Quốc và hé lộ cách châu Âu đang định hình chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các tàu chiến từ  Pháp và 4 nước thuộc “Bộ tứ kim cương”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đang tham gia cuộc tập trận chung mang tên La Perouse do Pháp dẫn đầu ở vịnh Bengal từ ngày 5-7.4. Đây là cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa 4 nước thành viên thuộc “Bộ tứ kim cương” kể từ khi lãnh đạo 4 nước có cuộc gặp trực tuyến hồi tháng rồi. Đây cũng là lần đầu tiên Ấn Độ tham gia cuộc tập trận La Perouse.
Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố nỗ lực của “Bộ tứ kim cương quan trọng” trong việc đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực”, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Pháp tập trận cùng "Bộ tứ kim cương" để sẵn sàng đương đầu Trung Quốc

Trong tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ gọi cuộc tập trận La Perouse là "cuộc tập trận 5 quốc gia quy mô lớn” và nó sẽ “cung cấp cơ hội cho lực lượng của 5 nước nâng cao các kỹ năng và thúc đẩy hợp tác hàng hải trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Nhà nghiên cứu Yogesh Joshi tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore nhận định cuộc tập trận gửi một tín hiệu tới Trung Quốc rằng “nếu tất cả những nhà nước lớn khác đang chỉ trích hành vi của Trung Quốc hoặc ủng hộ ngăn chặn tình trạng mạnh bạo của Trung Quốc, thì hành vi của Trung Quốc chắc chắn có gì đó không ổn trước”, theo SCMP.
Ngoài ra, Tiến sĩ Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định cuộc tập trận sẽ có ý nghĩa nhất định nếu các quốc gia tham gia quyết định biến nó thành sự kiện thường kỳ.

Tàu đổ bộ Mỹ USS Somerset trong cuộc tập trận La Perouse ngày 5.4

Hải quân Pháp

“Nếu thành công, cuộc tập trận này có thể trở thành dấu hiệu khích lệ đối với các quốc gia khu vực không thuộc "Bộ tứ kim cương" cân nhắc những hoạt động tương tự với bộ tứ này”, ông Koh nhận định.
Cuộc tập trận 3 ngày nói trên còn mở rộng thêm sự hiện diện của "Bộ tứ kim cương" ở khu vực sau khi mỗi quốc gia thành viên của bộ này trong tuần trước đã có ít nhất một cuộc tập trận song phương với ít nhất một thành viên khác.
SCMP chỉ ra vào ngày 28-29.3, không quân và hải quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận với tàu sân bay Mỹ ở Vịnh Bengal còn Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản tiến hành hai cuộc tập trận song phương khác nhau, gồm một cuộc tập trận với chiến hạm Úc ở Biển Đông từ ngày 29-31.3 và một cuộc tập trận với chiến hạm Mỹ ở biển Hoa Đông vào ngày 29.3.

Chiến hạm Nhật và Úc tập trận ở Biển Đông từ ngày 29-31.3

JMSDF

Cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ R.S.Vasan, hiện là giám đốc Trung tâm Chennai nghiên cứu Trung Quốc, nhận định việc Ấn Độ lần đầu tham gia La Perouse cho thấy nước này sẵn sàng tham gia những hoạt động đa phương mà có thể bị Bắc Kinh xem đáng nghi. Kể từ cuộc đụng độ gây chết người ở khu vực biên giới giữa hai nước hồi tháng 6.2020, cách tiếp cận của New Delhi đã thay đổi, theo ông Vasan.
“New Delhi cảm thấy bị Bắc Kinh làm cho thất vọng…Trong một cách nào đó, Trung Quốc đã đẩy Ấn Độ tham gia những liên minh này”, ông Vasan nhận định.
Cuộc tập trận La Perouse cũng hé lộ cách các cường quốc châu Âu đang định hình những chiến lược duy trì hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi họ có lợi ích kinh tế.
Đức và Anh đã thông báo sẽ điều tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay, trong khi Pháp, Đức và Hà Lan đang dẫn đầu việc soạn thảo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.