Cuôc đối đầu gián điệp Trung - Đài

01/02/2015 09:00 GMT+7

Hoạt động gián điệp giữa Trung Quốc và Đài Loan vẫn nở rộ, bất chấp sự cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển trong những năm gần đây.

Hoạt động gián điệp giữa Trung Quốc và Đài Loan vẫn nở rộ, bất chấp sự cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển trong những năm gần đây.

 Các binh sĩ Đài Loan trong một cuộc tập trận thường niên -  Ảnh: ReutersCác binh sĩ Đài Loan trong một cuộc tập trận thường niên -  Ảnh: Reuters
Trong hơn 3 thập niên qua, Vương Thiện Hùng đóng rất đạt vai một nhà báo ở Hồng Kông. Ông từng là trưởng ban tin tức của tờ Văn hối báo trước khi trở thành biên tập viên cấp cao của tờ Đại công báo. Ít ai biết Vương là một điệp viên Trung Quốc được Bộ An ninh quốc gia nước này huấn luyện từ năm 1982 và cử sang Hồng Kông với nhiệm vụ tuyển mộ các nhà báo Hồng Kông và Anh. Vương chịu trách nhiệm thu thập tin tức tình báo về quá trình chuẩn bị trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, nghiên cứu về hoạt động của các cơ quan tình báo Anh MI5 và MI6. Tuy nhiên, đó không phải là bí mật duy nhất của Vương. Tháng 10.2014, Vương bất ngờ biến mất khỏi Hồng Kông mà không hề báo cáo với tờ báo nơi ông ta làm việc. Vụ mất tích của Vương làm dấy lên nhiều đồn đoán trong giới quan sát chính trị ở Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc khi ấy.
Điệp viên hai mang
Tháng 12.2014, tin tức về việc Vương là một gián điệp hai mang hoạt động cho Đài Loan bắt đầu lan truyền trong giới truyền thông Đông Bắc Á. Theo tờ Taipei Times, Vương được cho là đã lên một chuyến bay đến Đài Bắc vào tháng 10, sau khi được cảnh báo rằng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc chuẩn bị sờ gáy ông ta do phát hiện hoạt động chuyển tin tức tình báo cho Đài Loan ít nhất từ thập niên 1990. Cuối tháng 12.2014, trang tin tức chuyên về tình báo Intelligence Online dẫn nguồn tin độc quyền khẳng định Vương đang có mặt ở Đài Loan, bất chấp sự phủ nhận của nhà chức trách tại đây. Vương lúc đó đang được các quan chức phản gián thuộc Cục Tình báo quân sự Đài Loan thẩm vấn, theo Intelligence Online. Báo chí Hồng Kông tiết lộ Vương bị một nữ điệp viên Đài Loan tuyển mộ sau khi đến hòn đảo này nhiều lần trong thập niên 1980, dưới vỏ bọc nhà báo.
Vụ đào thoát của Vương được đánh giá là một trong những vụ gián điệp hai mang lớn nhất giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong vài thập niên qua và gây tổn thất nặng nề cho Trung Quốc. Một chuyên gia Đài Loan giấu tên nhận xét Vương sẽ là tài sản hết sức quý giá đối với Đài Bắc, do ông ta nắm tường tận cấu trúc tình báo của Trung Quốc sau nhiều thập niên hoạt động ngầm ở Hồng Kông. Chuyên gia này cũng cho rằng có khả năng Vương đã được đưa ra khỏi Đài Loan để cung cấp thông tin cho các cơ quan tình báo phương Tây.
Ổ gián điệp Trung Quốc
Giới chức Trung Quốc đến nay vẫn chưa lên tiếng về trường hợp của Vương và không ai biết được quá trình thẩm vấn ở Đài Loan diễn ra thế nào. Tuy nhiên, vào giữa tháng 1, Đài Bắc công bố phá được một ổ gián điệp Trung Quốc nằm trong lực lượng phòng vệ và truy tố một cựu đại úy quân đội Trung Quốc cùng 4 sĩ quan cấp cao của Đài Loan.
Theo trang Defense News, đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên Đài Loan bắt giữ và truy tố một người đại lục hoạt động gián điệp. Viện Công tố Đài Bắc cho biết cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc (PLA) Trấn Tiểu Giang đến Đài Loan nhiều lần dưới vỏ bọc doanh nhân và du khách sau khi được cấp hộ chiếu Hồng Kông năm 2005, nhằm tuyển mộ các sĩ quan tại ngũ và về hưu của Đài Loan. Các thông tin mà mạng lưới này thu thập bao gồm dữ liệu về chiến đấu cơ Dassault Mirage 2000, ra đa cảnh báo sớm tầm xa do Hãng Raytheon sản xuất hiện được triển khai tại núi Lạc Sơn ở huyện Tân Trúc và các kế hoạch mua sắm của Đài Loan. Trấn được cho là đã trả những cộng tác viên khoảng 9.400 USD, cùng các chuyến du lịch đến Đông Nam Á.
Trong số những sĩ quan Đài Loan bị truy tố, cựu thiếu tướng Hứa Nãi Quyền được xem là nhân vật cầm đầu. Từng là chỉ huy quân sự trên các đảo Kim Môn và Mã Tổ, Hứa về hưu từ năm 2007 và được bổ nhiệm làm trưởng phòng xã hội của huyện đảo Kim Môn. Hồ sơ của Hứa cho thấy ông từng tranh cử nghị sĩ năm 2012 song bất thành. Tháng 11.2014, Hứa tiếp tục chạy đua vào chức ủy viên Hội đồng huyện Kim Môn nhưng lại thất bại. Dựa vào những chi tiết này, truyền thông Đài Loan hiện đặt ra nghi vấn về việc Trung Quốc cung cấp tiền cho các chiến dịch tranh cử của Hứa để ông trở thành người vận động chuyển giao các đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ cho Trung Quốc.
Mất phương hướng
Giới quan sát và các chuyên gia quân sự ở Đài Loan nhận xét vụ bê bối gián điệp nói trên đã nhen nhóm lại những lo ngại rằng quan hệ thương mại ngày càng phát triển giữa hai eo biển có thể khiến các quan chức Đài Loan trở thành các mục tiêu dễ công phá hơn. Trang Defense News dẫn lại báo giới Đài Loan cho biết các quan chức của Bắc Kinh thường hay nói đùa với nhau rằng hiện nay mua Đài Loan dễ hơn đánh chiếm hòn đảo này. Theo Cục An ninh Đài Loan, chỉ riêng năm ngoái đã có 15 vụ án gián điệp bị phanh phui và 90% số đó liên quan đến các sĩ quan tại ngũ hoặc về hưu. Tình trạng này đáng báo động đến nỗi ngay trong ngày nhậm chức 30.1, tân lãnh đạo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Cao Quảng Kỳ đã phải kêu gọi các sĩ quan hãy cảnh giác trước hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.
Theo tờ The Wall Street Journal, một trong những lý do khiến các sĩ quan Đài Loan mất đi nhuệ khí và dễ sa ngã là họ mất phương hướng trước quan hệ ấm dần giữa hai bờ eo biển. “Lúc huấn luyện, bạn được dạy bảo rằng kẻ thù là Trung Quốc và phải chuẩn bị đánh nhau với họ. Trong cùng lúc, các lãnh đạo chính quyền trở nên thân hiện hơn với cái gọi là kẻ thù. Điều này khiến giới quân sự hoang mang về chỗ đứng của họ trong xã hội”, ông Arthur Hong, phụ tá giáo sư tại Đại học Quân sự Đài Loan, nói. Ngoài ra, các sĩ quan cũng bất mãn trước việc chính quyền hạ lương thưởng do ngân sách quân sự ngày càng bị cắt giảm.
Theo giáo sư chuyên nghiên cứu về châu Á Bruce Jacobs thuộc Đại học Monash (Úc), hoạt động gián điệp giữa Đài Loan và Trung Quốc không phải là điều mới mẻ. “Nhưng đó là một vấn đề cho thấy bất chấp quan hệ xuyên eo biển ấm lên trong những năm gần đây, vẫn có mức độ ngờ vực cao giữa Đài Loan và Trung Quốc”, ông nói.
Những dữ liệu rò rỉ
Theo giới phân tích, những vụ bê bối gián điệp có nguy cơ khiến Mỹ đánh giá lại việc bán vũ khí cho Đài Loan do không còn tin tưởng hòn đảo này có thể bảo vệ các công nghệ quân sự mà họ chuyển giao.
Trong vài năm qua, các sĩ quan Đài Loan đã bán cho Trung Quốc dữ liệu về máy bay cảnh báo sớm E-2K Hawkeye, các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và hệ thống tên lửa phòng không Hawk, theo Defense News.
Các nguồn tin quân sự Đài Loan còn cho biết Trung Quốc đã thu thập đủ thông tin để có thể phá hoại kế hoạch phòng thủ Đài Loan và đảo Bành Hồ, chương trình nâng cấp hệ thống kiểm soát và chỉ huy Bác Thắng, hệ thống tên lửa Vạn Kiếm và dự án công nghệ chiến tranh điện tử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.