Cuộc chiến sống còn của Coca-Cola và Pepsi

25/08/2006 22:27 GMT+7

Sau khi chính quyền một số bang ở Ấn Độ cấm bán các sản phẩm của Coca-Cola và Pepsi với lý do vượt quá độ an toàn cho phép, hai tập đoàn nước giải khát này đã cho rằng họ có thể vượt qua được thử thách. Tuy nhiên, tình hình có vẻ đã trở nên nghiêm trọng.

Đầu tháng 8, sau khi Trung tâm khoa học và môi trường Ấn Độ (CSE) đưa ra kết luận rằng các sản phẩm của Coca-Cola và Pepsi có chứa một hàm lượng thuốc trừ sâu gấp 24 lần giới hạn cho phép, một số bang của Ấn Độ ra lệnh cấm tiêu thụ nước giải khát của hai hãng này. Khi đó, các nhà điều hành Coca-Cola và Pepsi tại Ấn Độ cho rằng đây chỉ đơn thuần là một vụ "khủng hoảng" và họ có thể dễ dàng giải quyết như vụ đầu tiên vào năm 2003. Tuy nhiên, dường như mọi tính toán ban đầu này đã không đúng vì đến thời điểm này đã có tới 1/4 số bang của Ấn Độ đưa ra lệnh cấm hoặc tương tự.

Không lường trước

Các nhà điều hành Coca-Cola và Pepsi đã không lường hết được tình hình nên không có được những phản ứng nhanh chóng và hiệu quả. Họ không thấy được  đây có thể là một vụ xì-căng-đan với quy mô trên toàn quốc gia có số dân trên 1 tỉ người, không hiểu được vai trò của các chính trị gia Ấn Độ với các công ty nước ngoài cũng như sự tối cần thiết trong việc lấy lại niềm tin người tiêu dùng. Ngay sau khi CSE công bố kết luận của họ, lãnh đạo Coca-Cola và Pepsi đã lập ra các ủy ban độc lập tại Ấn Độ và Mỹ, làm việc trên hai hướng song song là pháp lý và quan hệ công chúng để giải quyết vụ việc. Các ủy ban này làm việc một cách rất bài bản, họ thiết lập những bộ phận thí nghiệm và quyết định sẽ chờ cho đến khi có kết quả chính thức mà không hề đưa ra bất kỳ phản ứng nào với kết luận "chết người" của CSE. Sự chậm trễ này đã đem đến hậu quả tức thì:  Người tiêu dùng dỡ bỏ các biển hiệu Coca-Cola, Pepsi, họ đăng báo hình ảnh người ta đổ hai loại nước giải khát tên tuổi này vào miệng lừa; báo chí, truyền hình Ấn Độ gọi đây là hai loại "chất độc"; các nhà hoạt động chính trị Ấn Độ lên tiếng ủng hộ việc cấm hoặc hạn chế uống Coca-Cola và Pepsi... Chuyên gia phân tích A.Agnihitric (New Delhi) nói rằng: "Chúng tôi có tới 36 kênh thông tin, Coca-Cola và Pepsi đã không hiểu hết quyền lực của thông tin tại Ấn Độ".

Giám đốc của tổ chức Thông tin chiến lược Levick (Mỹ) thì cho rằng Coca-Cola và Pepsi đã "đi sau" trong cuộc khủng hoảng này, còn các đại diện của hai hãng này tại Ấn Độ cũng thừa nhận rằng họ sẽ phải tìm cách để khôi phục lại niềm tin của khách hàng. Năm 2003, hai "đại gia" thế giới này cũng đã đối phó với một vụ việc y hệt tại thị trường Ấn Độ và họ đã vượt qua một cách ngoạn mục.

Giơ đầu chịu báng?

Giám đốc Sunita Narain của CSE, cơ quan đã công bố "án tử" cho Coca-Cola và Pepsi, có vẻ "thông cảm" với hoàn cảnh mà hai tập đoàn này đang mắc phải khi tuyên bố rằng sự "rùm beng" của báo chí vừa qua đã đi lạc hướng vì mục tiêu chính của họ không phải là Coca-Cola và Pepsi mà là Chính phủ Ấn Độ. Theo bà Narain, năm 2003, CSE đã yêu cầu chính phủ phải tiêu chuẩn hóa các loại đồ uống nhẹ, sữa, thức ăn trẻ em, nước đóng chai. Tuy nhiên, chính phủ đã chậm trễ trong việc áp dụng các quy chuẩn này. Do vậy, việc CSE đưa ra kết luận về Coca-Cola và Pepsi chỉ nhằm "nhắc nhở" chính phủ về vấn đề trên. Điều đó không phải là không có căn cứ vì một báo cáo khoa học gần đây đã công bố rằng một số loại nước đóng chai của Ấn Độ có độ an toàn quá giới hạn tới 140 lần!

Những nhà lãnh đạo Coca-Cola và Pepsi cũng đã làm những thủ tục cần thiết để bác bỏ cáo buộc của CSE khi viện dẫn rằng sản phẩm của họ đã được kiểm tra, đánh giá của các phòng xét nghiệm độc lập, uy tín trên thế giới với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, vấn đề có vẻ trở nên rất khó khăn khi mà tiêu chuẩn pháp lý về mức độ thuốc trừ sâu trong nước giải khát tại Ấn Độ chỉ mới được các cơ quan chức năng đồng ý về mặt nguyên tắc chứ chưa có quy định chính thức nào về vấn đề này.

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.