Cuộc chiến quyền lực mềm Mỹ - Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
17/03/2018 09:30 GMT+7

Mỹ và Trung Quốc đang điều tra những cơ sở văn hóa và ngoại giao nhân dân của nhau trong bối cảnh Bắc Kinh đang ra sức gia tăng ảnh hưởng.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nhiều trung tâm văn hóa được cơ quan này bảo trợ ở Trung Quốc đã bị giới chức nước sở tại “hỏi thăm hàng loạt”. Tờ The Japan Times dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ thêm rằng trong các cuộc thẩm vấn nhân viên của một trung tâm văn hóa, cảnh sát Trung Quốc đã hỏi thẳng cơ sở này lấy kinh phí hoạt động từ đâu và có liên hệ như thế nào với chính phủ Mỹ. Đến nay, Washington đã ghi nhận hơn 150 trường hợp giới chức Trung Quốc can dự vào nỗ lực ngoại giao nhân dân của phía Mỹ, với danh nghĩa chống lại “các lực lượng thù địch”.
Ở phía bên kia, Cục Điều tra liên bang (FBI) cũng đang đẩy mạnh điều tra các viện Khổng Tử ở Mỹ vì quan ngại nguy cơ gián điệp và áp đặt ảnh hưởng. “Chúng tôi chia sẻ những lo ngại về các viện Khổng Tử và đang theo dõi sát sao. Trong một vài trường hợp, chúng ta đã bắt đầu tiến hành điều tra”, tờ The Washington Post dẫn lời Giám đốc FBI Christopher A.Wray nói. Thượng nghị sĩ Marco Rubio thì cảnh báo rằng những cơ sở lấy danh nghĩa văn hóa và học thuật của Trung Quốc đặt tại Mỹ “nhằm phục vụ mục tiêu lâu dài là gây ảnh hưởng lên quan điểm của các thế hệ lãnh đạo tương lai của chúng ta”. Hồi tháng 2, ông Rubio đã kêu gọi xem xét lại các viện Khổng Tử sau khi có lo ngại Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng lên chương trình học tập, nghiên cứu và hạn chế những chỉ trích nhằm vào nước này trong các trường đại học ở Mỹ.
Tính từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã lập khoảng 500 viện Khổng Tử ở 140 quốc gia, riêng tại Mỹ có 110 cơ sở. Bên cạnh đó, theo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc sẽ sáp nhập Cục Báo chí - Xuất bản -Phát thanh - Điện ảnh - Truyền hình vào Bộ Văn hóa để tạo thành một “siêu cơ quan văn hóa”. Tờ báo Hồng Kông dẫn lời các chuyên gia nhận định động thái này nhằm mở rộng quyền lực mềm cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực liên quan đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch lập Cơ quan Hợp tác quốc tế để điều phối tốt hơn các chương trình viện trợ cho nước ngoài.
Trong khi đó, học giả Mỹ Joseph S.Nye, “cha đẻ” khái niệm quyền lực mềm, cho rằng chiến dịch xây dựng hình ảnh của Trung Quốc đến nay vẫn chỉ mang lại hiệu quả hạn chế. Ông dẫn kết quả thăm dò ở Bắc Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản cho thấy phần lớn người dân có ấn tượng tiêu cực về ảnh hưởng của Trung Quốc. Kết quả khả quan hơn một chút ở châu Mỹ Latin và châu Phi, những nơi không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và ít lo ngại về ý đồ chiến lược của nước này. Tuy nhiên, ngay tại đây, dư luận cũng không hài lòng chuyện Bắc Kinh ồ ạt đưa người vào các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo bài phân tích đăng trên website của Hội đồng quan hệ ngoại giao (CFR, Mỹ), nỗ lực thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc bị giới hạn bởi sự đối lập giữa hình ảnh mà nước này cố xây dựng với hành động thực tế. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong một bộ phận dư luận, những hành động xấu xí của du khách ở nước ngoài, các hành động gây lo ngại về chủ quyền và những vấn đề gây tranh cãi trong nước đang cản trở quyền lực mềm của Trung Quốc. Tương tự, học giả Nye nhận định sự phát triển vượt bậc về kinh tế và văn hóa truyền thống lâu đời là những điểm có thể giúp Trung Quốc thu hút thiện cảm. “Nhưng nếu Trung Quốc muốn tận dụng thành công tiềm năng khổng lồ của mình về quyền lực mềm, nước này sẽ phải xem lại chính sách trong lẫn ngoài nước, giới hạn các tuyên bố chủ quyền và biết chấp nhận phản biện”, ông Nye nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.