Cuộc chiến đấu chính nghĩa ở Campuchia – 10 năm máu người Việt đổ

11/06/2019 13:00 GMT+7

Ngày 7.1.1979 là dấu chấm hết cho chế độ diệt chủng, nhưng trên chiến trường lại là mở đầu cho 10 năm máu người Việt không ngừng đổ trên đất Campuchia nhằm ngăn Khmer Đỏ lần nữa trỗi dậy và hủy diệt miền đất này.

Tháng 4.1981 có một đoàn kiều dân Campuchia từ Pháp về do bác sĩ Kim Viên dẫn đầu. Khi ở Siem Reap, Kim Viên đặt câu hỏi về sự có mặt của quân đội Việt Nam trên khắp đất nước Campuchia. Quản lí khách sạn Siem Reap khi đó nói muốn quân tình nguyện Việt Nam rút đi thì dễ thôi, chỉ có một việc cần làm là đưa quân Campuchia ra mà chiến đấu với Khmer Đỏ, nhưng hãy đến bệnh viện mà xem những ai là người bị thương, cụt chân cụt tay? Toàn là thanh niên Việt Nam cả.
Ngày 7.1.1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. Ngày 8.1.1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: “Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia.
Dư luận quốc tế hay nhiều thanh niên trẻ Việt Nam ngày nay ngây thơ như chính những người lính tình nguyện Việt Nam năm ấy, cứ tưởng thủ đô Phnom Penh được giải phóng rồi thì cuộc chiến sẽ kết thúc. “Chúng tôi sẽ được trở về Tổ quốc tiếp tục cuộc sống hòa bình vừa được hưởng vài năm. Kết thúc cuộc chia ly màu gì cũng không biết nữa, nhưng ngày 7.1.1979 cứ trôi qua, tin mừng chiến thắng thì được nhận mà tin vui trở về thì chưa thấy đâu”.
Người dân Campuchia vẫy tay chào các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam Tư liệu

Chiến trường khốc liệt đến nhường nào?

Ngày 7.1.1979, với nhiều người, là dấu chấm hết cho một chế độ diệt chủng, là ngày mà đáng lẽ Việt Nam đã làm xong nhiệm vụ và vai trò chính đáng của mình với cả hai quốc gia Việt Nam và Campuchia. Nhưng trên chiến trường, ngày 7.1.1979 chỉ là bản lề mở ra 10 năm máu người Việt không ngừng đổ trên khắp đất nước Campuchia nhằm ngăn Khmer Đỏ lại lần nữa trỗi dậy và hủy diệt miền đất này.
Hơn nửa tháng để đập tan một chế độ tàn ác, một khoảng thời gian làm choáng váng cho nhiều người. Nếu chỉ tiếp cận qua số liệu ai cũng dễ dàng đưa tới kết luận về sự vượt trội của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng như sự bạc nhược của quân Khmer Đỏ.
Nhưng chỉ Việt Nam khi đó, sau hai năm đụng độ đẫm máu ở biên giới phía Tây Nam, chỉ những chiến sĩ quân tình nguyện đã trực tiếp chiến đấu mới có thể hiểu hết sự khốc liệt của chiến trường, tiềm lực và sức mạnh thật của quân Khmer Đỏ.
Trong sổ tay của ông Lý Quang Bích, nguyên Tham tán công tác tại Sứ quán Việt Nam ở Campuchia, có đoạn ghi: “Số quân Việt Nam bị thương vong trong chiến tranh chống bọn Pol Pot: chết 55.000 người, bị thương tương tự như trên. Thời kỳ 1977-1978, bộ đội Việt Nam hy sinh ở biên giới là 30.000 người. Từ sau 1979 và trong năm 1980 là 15.000 người. Từ 1981 đến hết 1988 là 10.000 người”.
Sau ngày 7.1.1979, các đơn vị Việt Nam phải mất hàng tháng trời mở các chiến dịch tiến công phía đông bắc và bắc Campuchia để giải phóng các thị xã, thị trấn ở mấy tỉnh vùng tây bắc Campuchia xa xôi.
Không có sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam thì chẳng một chính quyền nào có thể đứng vững nổi trước mối đe dọa mang tên Khmer Đỏ.
Cho tới cuối năm 1979, đầu năm 1980, sau một loạt các đòn tiến công của quân đội Việt Nam, tàn quân Pol Pot chỉ còn lại khoảng một vài nghìn tản mát, lay lắt, đói rách ở khu vực biên giới Thái - Campuchia. Việt Nam và chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã gần thành công trong việc xóa sổ hoàn toàn tàn dư, cặn bã sót lại của chế độ Khmer Đỏ.
10 năm - máu đã đổ. Đó là sự hy sinh chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam để ngăn Khmer Đỏ trỗi dậy hủy hoại miền đất Campuchia Tư liệu

Bên ngoài hỗ trợ, Khmer Đỏ trỗi dậy

Và lúc này, “cộng đồng quốc tế” đã có những bước đi “quan trọng”. Các đợt viện trợ của Trung Quốc và quốc tế được chuyển thẳng tới khu vực biên giới nhằm cứu giúp các nhóm tàn quân trên danh nghĩa là chiến dịch cứu trợ nhân đạo.
Theo tường thuật của Linda Mason và Roger Brown, những nhà nghiên cứu về các chiến dịch cứu trợ cho người tị nạn Campuchia: “Vào mùa thu năm 1979, Khmer Đỏ là nhóm nằm ở tình trạng tuyệt vọng nhất trong số những người tị nạn Campuchia tại Thái. Qua năm 1980, tình trạng (của Khmer Đỏ) nhanh chóng được cải thiện khiến các tổ chức nhân đạo đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các chiến dịch viện trợ”.
Hai nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Thái Lan, nước trực tiếp tổ chức các chiến dịch cứu trợ cùng với Mỹ, nước tài trợ phần lớn cho các chiến dịch này, đã yêu cầu Khmer Đỏ phải nằm trong diện được cung cấp.
Nhờ có những sự trợ giúp tích cực này, nhóm tàn quân Khmer Đỏ thoát khỏi bờ vực sụp đổ, từ vài ngàn còn sót lại lực lượng Pol Pot phát triển lại lên tới khoảng 30.000 đến 40.000 người. Theo ước tính của Richard Holbrooked trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thời điểm này, “khoảng 20.000 đến 40.000 chiến binh Pol Pot” đã được hưởng lợi từ các chiến dịch cứu trợ, giúp cho Pol Pot hồi phục lại và gây bất ổn cho tình hình Campuchia trong suốt một thập kỉ sau.
Năm 1982, dưới sức ép của Mỹ, Trung Quốc và ASEAN, lực lượng của Sihanouk và Son Sann đã đồng ý liên minh với Khmer Đỏ để thành lập Chính phủ liên minh của Campuchia dân chủ (CGDK) với bước đi sau đó là tạo nên một “liên minh kháng chiến mới”. Lực lượng của Sihanouk và cựu bộ trưởng của ông, Son Sann, trước đó, hầu hết là được nhìn nhận là lực lượng vô dụng. Do đó, các phần tử Khmer Đỏ đóng vai trò then chốt trong các hoạt động vũ trang chống lại nhà nước Campuchia non trẻ và quân tình nguyện Việt Nam.
Để hỗ trợ tối đa cho liên minh quỷ quái mới này, Washington đã trả các hóa đơn và quân đội Thái Lan đã hỗ trợ hậu cần, còn Singapore đóng vai trò trung gian chủ chốt trong các hoạt động này. Việc hợp nhất suy cho cùng chỉ là chiêu bài thay áo, lực lượng Khmer Đỏ hầu như hoạt động độc lập với hai lực lượng còn lại và khi quân tình nguyện Việt Nam tiến hành rút quân, nòng súng của các lực lượng trên danh nghĩa liên minh lại quay qua chĩa thẳng vào đầu nhau.
Năm 2000, luật sư Campuchia bào chữa cho Ta Mok, một chỉ huy quân sự Khmer Đỏ khét tiếng bị bắt cách đây 19 năm, nói: “Tất cả những người nước ngoài liên quan phải được triệu tập tới tòa, và không có ngoại lệ nào cả. Những Madeleine Albright, Margaret Thatcher, Henry Kissinger, Jimmy Carter, Ronald Reagan và George Bush... chúng tôi sẽ mời họ đến để họ giải thích với thế giới lý do vì sao họ ủng hộ Khmer Đỏ".
Phải hơn 30 năm qua đi kể từ khi thế giới biết đến những “Cánh đồng chết” ở Campuchia thì mãi tới tháng 7.2006, một Tòa án xét xử Khmer Đỏ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn mới được lập.
Cựu Đại sứ Ngô Điền từng chia sẻ: “Tôi thường nói với mọi người rằng đã có một Tòa án xét xử Khmer Đỏ năm 1979 của Cộng hòa Nhân dân Campuchia, với một Đoàn Luật sư ít hơn Đoàn Luật sư bây giờ rất nhiều, với một số tiền cực kỳ li ti so với hàng trăm triệu đô la bây giờ, nhưng cả hai Tòa đều có cùng một bị cáo là chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, và cuối cùng thì Tòa thứ hai có giỏi lắm cũng sẽ đạt được một kết luận về căn bản sẽ chỉ giống như Tòa thứ nhất mà thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.