Cùng thuyền, sắp khác hội

19/07/2015 11:11 GMT+7

Việc tiếp tục cứu trợ tài chính cho Hy Lạp càng đi sâu vào quỹ đạo vừa mới được thỏa thuận lại giữa nước này và EU thì bất đồng quan điểm giữa EU với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nói chung và giữa Thủ tướng Đức với Tổng giám đốc IMF càng thêm rõ nét.

Việc tiếp tục cứu trợ tài chính cho Hy Lạp càng đi sâu vào quỹ đạo vừa mới được thỏa thuận lại giữa nước này và EU thì bất đồng quan điểm giữa EU với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nói chung và giữa cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde bộc lộ càng thêm rõ nét.

EU kiên quyết không chịu xóa bớt nợ cho Hy Lạp và cho rằng vẫn có thể giải cứu được nước này mà không cần phải làm thế. Còn IMF cho rằng nếu không được xóa bớt nợ thì Hy Lạp không thể thoát ra khỏi khủng hoảng. Bất đồng quan điểm tiếp theo liên quan đến mức độ vay nợ của Hy Lạp. IMF cho rằng mức độ nợ của Hy Lạp trên thực tế cao hơn nhiều so với số liệu chính thức của EU và triển vọng sẽ còn tăng chứ không giảm như tính toán của EU.
Kết quả phân tích, đánh giá và dự báo như vậy rất khác nhau giữa EU và IMF. Cho nên thông điệp của IMF ở đây chỉ có thể là cách EU xử lý khủng hoảng ở Hy Lạp không đúng và không thích hợp, không hiệu quả và cần phải được điều chỉnh hay thay đổi.
Đằng sau đấy là chuyện ganh đua ảnh hưởng, vai trò giữa EU và IMF cũng như giữa bà Merkel và bà Lagarde. Trong quá trình đàm phán vừa qua giữa EU và chính phủ Hy Lạp, IMF và bà Lagarde bị lép vế và lấn lướt. Trong khi đó, IMF cũng đã đổ ra không ít tiền để cùng EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trợ giúp tài chính cho Hy Lạp từ suốt 5 năm nay. Bây giờ, IMF phải tìm cách gỡ gạc lại và chấp nhận bất hòa với EU và ECB. Hội cùng thuyền lâu nay tuy vẫn cùng thuyền nhưng đã bắt đầu tách hội.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.