'Cục pin châu Á' đe dọa sông Mê Kông

30/04/2018 08:00 GMT+7

Chính phủ Lào đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm các đập thủy điện, đe dọa tương lai dòng sông Mê Kông.

Những năm gần đây, Lào không ngừng quảng bá với thế giới về tham vọng trở thành nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất trong khu vực hay được mệnh danh là “cục pin châu Á”. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ Lào lên kế hoạch xây dựng thêm đập thủy điện.
Tham vọng xuất khẩu điện
Theo tờ Vientiane Times, Lào hiện có 53 nhà máy thủy điện với tổng công suất 7.082 MW, có thể tạo ra 37.028 triệu kWh điện mỗi năm. Chính phủ nước này lên kế hoạch tăng công suất gần gấp đôi lên 13.062 MW trong năm 2020, hướng đến xuất khẩu cho các quốc gia Đông Nam Á.
Chính vì thế, các quan chức cấp cao Lào gần đây tăng cường chuyến thăm đến những quốc gia trong khu vực, đề xuất ký kết thỏa thuận mua bán điện. Chính phủ Lào đã ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng mua bán điện với Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Chẳng hạn ở Myanmar, nhu cầu sử dụng điện tăng 13% hằng năm, ước tính cần công suất 4.500 MW vào 2020 và đến 2030 là 13.410 MW. Năm ngoái, Lào tuyên bố lên kế hoạch xuất khẩu 200 MW điện cho Myanmar vào năm 2020 và hơn thế nữa trong tương lai. Nước này cũng đã đạt thỏa thuận bán 100 MW điện cho Malaysia thông qua Thái Lan. Để thực hiện kế hoạch này, chính phủ Lào phải tăng cường các nhà máy thủy điện.
“Có 47 đập thủy điện đang hoặc sắp được xây dựng và tất cả dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020 và 2021. Khi đó, chúng tôi có tổng cộng 100 nhà máy thủy điện, tổng công suất 13.062 MW, có thể sản xuất 66.944 triệu kWh điện hằng năm và 85% trong số này sẽ được xuất khẩu”, tờ Vientiane Times dẫn lời ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, tuyên bố hồi cuối tháng 3. Ông Inthirath cho biết thêm hiện 95% hộ gia đình và 88% làng mạc ở Lào có điện sinh hoạt.
Bên cạnh đó, thủy điện giúp Lào trở thành địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 1986, Lào mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài và đã thu hút được khoảng 6,6 tỉ USD (150.262 tỉ đồng) rót vào các dự án xây nhà máy thủy điện. Con số này chiếm 33,4% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Lào.
Giảm 30 - 40% sản lượng thủy sản
Tuy nhiên, các tổ chức và chuyên gia nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tác động tiêu cực của đập thủy điện, chẳng hạn hậu quả môi trường và đe dọa ngành nghề truyền thống như đánh bắt tại các khu vực sông Mê Kông, theo chuyên san The Diplomat.
Tổ chức liên chính phủ Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) nhiều lần cảnh báo những đập thủy điện sắp xây dựng sẽ đe dọa an ninh lương thực và sản lượng nông nghiệp, đe dọa đời sống của 60 triệu người dân ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Báo cáo của MRC công bố ngày 6.4 mô tả chi tiết tác động của 11 đập thủy điện trên Mê Kông cùng 120 đập được lên kế hoạch trong vòng 20 năm tới. Trong báo cáo 3.600 trang, MRC đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể và ước tính sản lượng thủy sản sẽ giảm 30 - 40% vào năm 2040.
Thế nhưng, Lào vẫn đẩy mạnh kế hoạch xây thêm đập thủy điện. Các quan chức Lào từng tuyên bố MRC không thể ngăn chặn nước này thực hiện quyền đối với dự án thủy điện và rằng chính phủ sẽ giải quyết một số mối lo ngại về môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.