Cử tri Mỹ tại Việt Nam bầu tổng thống như thế nào?

21/09/2020 08:00 GMT+7

Cử tri Mỹ tại Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các bước để đảm bảo lá phiếu của mình đến kịp nước Mỹ trước ngày bầu cử tổng thống 3.11 tới.

Chỉ còn hơn 40 ngày nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra. Các cử tri Mỹ ở nước ngoài nói chung và tại Việt Nam nói riêng đều lo ngại lá phiếu của mình sẽ không đến kịp nước Mỹ đúng thời hạn kiểm đếm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những biện pháp hiện tại của chính quyền liên bang có thể hạn chế khả năng vận chuyển của dịch vụ bưu chính.

Bỏ phiếu từ rất sớm

Chủ tịch tổ chức đảng Dân chủ dành cho công dân Mỹ tại Việt Nam (DA) Gregory Dolezal (hiện là Phó giám đốc chương trình Hoa Sen Plus của Đại học Hoa Sen) cho biết đã sớm nắm bắt tình hình và có hướng giải quyết đảm bảo người Mỹ tại Việt Nam vẫn có thể tham gia bầu cử tổng thống. Tối 17.9 vừa qua, tổ chức này đã mở sự kiện hỗ trợ công dân Mỹ tham gia bầu cử từ TP.HCM. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có gần 100 công dân Mỹ tới tham gia sự kiện và được ông Dolezal cùng hai thành viên khác trực tiếp hỗ trợ đăng ký, hướng dẫn gửi phiếu trở lại Mỹ. Ông Dolezal cho biết tính đến nay những ai đăng ký bỏ phiếu đều đã nhận được lá phiếu của mình tại Việt Nam.
“Chúng tôi khuyến khích các công dân Mỹ đăng ký và gửi lá phiếu đi càng sớm càng tốt. Đây là cách tối ưu trong trường hợp dịch vụ bưu chính đình trệ khi ngày càng đến gần cuộc bầu cử, các lá phiếu từ khắp nơi trên thế giới dồn về nước Mỹ”, ông chia sẻ với Thanh Niên. Ông Dolezal cho biết việc nhận và gửi phiếu trở lại Mỹ tốn rất nhiều thời gian. “Mất khoảng 1 tháng để lá phiếu qua đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Mỹ rồi sau đó mới tới được địa điểm kiểm phiếu của các bang”, ông nói.
Ông Dolezal cũng là một trong những cử tri bỏ phiếu qua thư. Hôm 16.9, phiếu vắng mặt của ông từ bang Georgia (Mỹ) được gửi tới Việt Nam. Chia sẻ với Thanh Niên, ông cho biết đã điền phiếu và gửi trở lại Mỹ ngay lập tức để đảm bảo lá phiếu có mặt tại bang Georgia đúng hạn.

Tôi rất yên tâm khi biết lá phiếu chính thức của mình được gửi đến Mỹ hoàn toàn bảo mật và thực sự được tính tại quê nhà Atlanta, bang Georgia

Anh Parker Ambler (cử tri Mỹ đang sinh sống tại TP.HCM)

Lần đầu tiên tham dự sự kiện do DA tại Việt Nam tổ chức, anh Parker Ambler (sống tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói với Thanh Niên rằng mình ngạc nhiên và rất vui mừng. “Trong cuộc bầu cử năm nay, ban đầu tôi cảm thấy khó có thể bỏ phiếu ở nước ngoài do chính sách của mỗi bang khác nhau. Tuy nhiên, ông Dolezal và cộng sự đã tận tình hướng dẫn tôi cách lấy, in phiếu vắng mặt, làm thế nào để gửi phiếu đến lãnh sự quán Mỹ. Tôi rất yên tâm khi biết lá phiếu chính thức của mình được gửi đến Mỹ hoàn toàn bảo mật và thực sự được tính tại quê nhà Atlanta, bang Georgia”, anh Parker Ambler nói.

Không chỉ là bầu cử

Hồi đầu tháng 2, DA tại Việt Nam thành lập hai trung tâm bỏ phiếu, tổ chức bầu cử sơ bộ đồng thời tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Trong ngày diễn ra bầu cử sơ bộ, ông Gregory Dolezal cùng các thành viên quan sát, hỗ trợ cử tri đảng Dân chủ bỏ phiếu. Mọi người bầu cho ứng cử viên chính thức đại diện đảng mình ra tranh cử tổng thống Mỹ. Sau khi hoàn tất bầu cử sơ bộ, tổ chức này kiểm đếm phiếu cẩn thận, báo cáo kết quả lên ủy ban điều hành của DA. Khoảng 600 lá phiếu sau đó được niêm phong và gửi đến CH Czech, nơi Chủ tịch quốc tế đảng Dân chủ tại nước ngoài Julia Bryan tiếp nhận. Ông Dolezal tiết lộ với Thanh Niên: “Khoảng 75% cử tri đảng Dân chủ tại Việt Nam khi đó bầu cho thượng nghị sĩ Bernie Sanders”.
Những tháng tiếp theo, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các hoạt động bên lề của DA tại VN gần như đóng băng. Mãi đến giữa tháng 9 này, khi nhận thấy tình hình tạm ổn định, ông Dolezal cùng các cộng sự mới quyết định bổ sung nhiều hoạt động liên quan. “Từ giờ đến ngày 3.11, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi gặp mặt hằng tuần để đảm bảo mọi người không gặp vấn đề gì khi bỏ phiếu, đồng thời sẽ cùng nhau chia sẻ quan điểm và giải quyết những thắc mắc liên quan bầu cử”, ông Dolezal nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dolezal, mục tiêu của ông không đơn thuần xoay quanh việc kêu gọi công dân Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống mà còn để củng cố, kết nối cộng đồng. Ngoài các sự kiện trên, ông và các thành viên DA tại Việt Nam thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện xã hội tại TP.HCM. Ông còn ấp ủ thêm nhiều dự định khác cùng mọi người sau khi kỳ bầu cử kết thúc. Ông Dolezal cho biết đa số người Mỹ tại Việt Nam đều ở rất xa gia đình và bạn bè, nên khi tham gia những hoạt động như vậy mọi người gần gũi với nhau hơn, cùng tìm hiểu và góp phần nhỏ cho đất nước nơi mình sinh sống. “Thật tuyệt khi được dành thời gian bên những người đồng hương tại nơi xa”, ông nói.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Parker Ambler cũng bày tỏ niềm vui khi sống ở Việt Nam nhưng vẫn được tham gia chính trị ở Mỹ bằng việc bỏ phiếu chứ không chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, không những thế còn được gắn kết với những người Mỹ tại Việt Nam.
Cử tri Mỹ tại Việt Nam bầu tổng thống như thế nào?1

Ông Gregory Dolezal

ẢNH: NVCC

       
Tổ chức đảng Dân chủ Mỹ tại nước ngoài (DA) là tổ chức quy tụ hàng triệu công dân Mỹ sinh sống và làm việc tại nước ngoài, có thành viên ở hơn 190 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây là tổ chức kết nối cộng đồng người Mỹ, thực hiện các hoạt động giúp họ gần gũi với đất nước mình đang sinh sống. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, các thành viên làm việc với mục đích đảm bảo cho cử tri Mỹ, bất kể thuộc đảng phái nào, thực hiện quyền bầu cử của mình. DA khuyến khích cử tri truy cập trang web www.votefromabroad.org để nhận và gửi phiếu bầu vắng mặt sớm nhất thông qua Đại sứ quán, Lãnh sự quán Mỹ hoặc thư qua đường hàng không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.