Covid-19 diễn biến xấu trên toàn cầu

Khánh An
Khánh An
21/04/2021 07:40 GMT+7

Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tăng 8 tuần liên tiếp lên mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch, trong khi nhiều nước chật vật đối phó tình trạng lây lan phức tạp trở lại.

Đài NHK hôm qua dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay thế giới ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc Covid-19 trong tuần trước, con số trong một tuần cao nhất kể từ đầu dịch. Đó cũng là tuần thứ 8 liên tiếp số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng. Tính đến hôm qua, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mức 142 triệu, với hơn 3 triệu ca tử vong, theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Covid-19 diễn biến xấu trên toàn cầu

Tình hình đại dịch ở Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp tại Phnom Penh

Ảnh: Sao Phal Niseiy

Đáng báo động

Ông Tedros bày tỏ quan ngại về số ca tử vong tăng nhanh, đồng thời cho rằng các biến thể mới là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này. Cụ thể, trong 9 tháng đầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát có tổng cộng khoảng 1 triệu người chết. Đến 4 tháng sau đó, con số này chạm mốc 2 triệu và sau 3 tháng tiếp theo, con số này đã vượt mốc 3 triệu.
“Trên toàn cầu, số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng với tốc độ đáng lo ngại. Số ca mắc hằng tuần tăng gần gấp đôi trong vòng 2 tháng qua. Đại dịch đang tiến đến mức lây nhiễm cao nhất mà chúng ta từng chứng kiến”, theo ông Tedros. Ông cho biết một số nước từng tránh được tình trạng lây lan trên diện rộng giờ đây chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Trên toàn cầu, số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng với tốc độ đáng lo ngại. Số ca mắc hằng tuần tăng gần gấp đôi trong vòng 2 tháng qua. Đại dịch đang tiến đến mức lây nhiễm cao nhất mà chúng ta từng chứng kiến

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Theo Tổng giám đốc WHO, số ca nhiễm và nhập viện ở nhóm từ 25 - 59 tuổi đang tăng ở mức báo động, một phần do các biến thể có khả năng lây nhiễm cao và xu hướng gia tăng tiếp xúc xã hội. Phân tích của Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu trong tuần qua tăng đến 12% so với tuần trước, khiến nhiều người lo ngại rằng đại dịch khó có khả năng sớm chấm dứt. Song song đó, số tử vong cũng tăng vọt trong tháng qua với khoảng 82.000 ca trong tuần kết thúc vào ngày 18.4, trung bình 12.000 người tử vong mỗi ngày.

Nhiều điểm nóng

Theo Bloomberg, Ấn Độ và Brazil là 2 nước có số ca mắc chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những ca được ghi nhận gần đây. Hai nước này nhiều lần thay phiên có số ca mắc cao thứ hai thế giới (sau Mỹ) kể từ tháng 3. Các bệnh viện tại Mumbai (Ấn Độ) và Sao Paulo (Brazil) đang chịu áp lực lớn do số người nhập viện tăng trong những tuần gần đây.

Thêm 4 ca tử vong vì Covid-19 ở Campuchia, tình hình dịch bệnh căng thẳng

Brazil còn là nước đầu tiên ghi nhận biến thể vi rút SARS-CoV-2 có tên là P.1, được phát hiện vào tháng 12.2020. Các nghiên cứu cho thấy P.1 cùng các biến thể ở Nam Phi và Anh có mức độ lây nhiễm cao. Chính phủ Brazil mới đây khuyến cáo phụ nữ nên hoãn kế hoạch mang thai cho đến khi đại dịch đi qua, do lo ngại ảnh hưởng của biến thể vi rút.

Khuyến cáo tăng cường phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19 trên toàn cầu, chuyên gia WHO Maria Van Kerkhove nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các biện pháp phòng chống Covid-19, như tránh nơi tập trung đông người. Bên cạnh đó, chuyên gia này kêu gọi chính phủ các nước “hỗ trợ các cá nhân làm việc tại nhà và ở nhà nếu cần thiết, để có thể giảm nguy cơ vi rút gây Covid-19 lây lan”.
Tại Ấn Độ, thủ đô New Delhi bắt đầu áp lệnh phong tỏa một tuần từ 22 giờ ngày 19.4, khi số ca Covid-19 tăng nhanh, bệnh viện quá tải và thiếu nguồn cung cấp ô xy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ đóng cửa và việc di chuyển quanh thành phố 20 triệu dân này chỉ giới hạn ở các dịch vụ thiết yếu. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng ở các khu vực khác của Ấn Độ, trong đó có các bang Maharashtra và Tamil Nadu. Theo CNN, Ấn Độ ghi nhận thêm 259.170 ca mắc Covid-19 vào hôm qua và là ngày thứ 6 liên tiếp có số ca mắc trên 200.000.
Đến nay, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 31,7 triệu ca nhiễm và hơn 567.000 ca tử vong. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục kêu gọi người dân không ra nước ngoài giữa đại dịch và sẽ cập nhật hướng dẫn đi lại theo khuyến nghị của CDC. Bản cập nhật dự kiến tăng đáng kể số quốc gia xếp vào diện không nên đến, lên khoảng 80% số quốc gia trên toàn cầu.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Ấn Độ đẩy nhanh phê duyệt vắc xin ngoại

Ở châu Âu, Pháp - vùng dịch lớn thứ tư thế giới - tiếp tục chật vật với hơn 5,3 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 101.000 ca tử vong. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi các biến thể mới là “dịch trong dịch”, quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc và đóng cửa trường học đến cuối tháng 4.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là nước có số ca mắc cao nhất trong khu vực với hơn 1,6 triệu ca nhiễm, 43.567 ca tử vong, trong khi Philippines đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ 2 với nhiều nhân viên y tế mắc bệnh. Philippines ghi nhận trung bình hơn 10.400 ca/ngày kể từ đầu tháng 4, gần gấp đôi so với số trung bình trong tháng 3 và vượt xa con số 213 ca/ngày vào tháng 4.2020. Đến hôm qua, Philippines ghi nhận 945.745 ca mắc với 16.048 ca tử vong. Số liệu của chính phủ cho thấy các đơn vị chăm sóc tăng cường ở khu vực Manila đang phục vụ 84% công suất, trong khi 70% số giường tại các khoa điều trị Covid-19 đều có bệnh nhân, tính đến ngày 19.4.

Campuchia căng thẳng

Đáng chú ý, tình hình đại dịch ở Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp, dù nước này trước đó đã kiểm soát khá tốt. Theo tờ Khmer Times, sau khi có hơn 600 ca mắc trong 2 ngày liên tiếp, Campuchia hôm qua ghi nhận thêm 431 ca mới, chủ yếu ở Phnom Penh và Sihanoukville, trong đó có 1 bệnh nhân người Việt. Đến hôm qua, Campuchia đã có 7.444 ca mắc Covid-19 với 50 ca tử vong.

Việt Nam tăng cường chốt chặn dịch

Theo ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tình hình Campuchia đang diễn biến hết sức phức tạp nên tỉnh phải xây dựng kịch bản xấu nhất để ứng phó. Hiện khó khăn nhất của Kiên Giang vẫn là đường biển vì có chiều dài lên đến hơn 200 km và 63.000  km2 diện tích mặt nước biển. Trong đó nhiều vùng nước lịch sử chưa phân định được nên hằng ngày có hàng ngàn tàu cá của hai nước hoạt động khai thác hải sản. Vì vậy, ông Trung cho hay: “Trước hết là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khu vực biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Và nếu để xảy ra thì phải kịp thời phát hiện, cưỡng chế đưa đi cách ly để không lây nhiễm ra cộng đồng. Trước mắt, trong vòng 10 ngày tới, phòng hồi sức cấp cứu phải được thành lập xong. Trong khi đó, bệnh viện dã chiến chưa biết sẽ hoàn thành khi nào nhưng trên tinh thần càng sớm càng tốt…”.
Ngày 20.4, thượng tá Phạm Văn Bảy, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự TP. Hà Tiên (Kiên Giang), cho biết đơn vị đã tham mưu cho UBND và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Codid-19 TP.Hà Tiên tiếp tục thành lập thêm 3 chốt dân quân phối hợp với công an, Đoàn thanh niên và biên phòng để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép. Hiện duy trì 5 chốt, mỗi chốt từ 7 - 8 cán bộ, chiến sĩ trực 24/24. Bên cạnh đó, duy trì 3 khu cách ly đón người từ Campuchia về. Riêng lực lượng vũ trang kêu gọi tất cả bà con ở tuyến biên giới kịp thời phát hiện, tố giác người nhập cảnh trái phép. Bà con có người thân bên Campuchia nên vận động mọi người nhập cảnh chính ngạch tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để làm thủ tục vào cách ly đảm bảo an toàn sức khỏe.   
 Xuân Lam

Campuchia hôm qua tiếp tục siết quy định di chuyển liên tỉnh khi cảnh sát tại tỉnh Kampot bắt giữ 11 người Trung Quốc di chuyển đến từ tỉnh Sihanoukville. Tại Sihanoukville, tỉnh trưởng Kouch Chamroeun quyết định đóng cửa Trung tâm thương mại Sihanoukville, còn gọi là chợ Trung Quốc, trong vòng 2 tuần từ ngày 20.4 và buộc mọi tiểu thương phải xét nghiệm Covid-19.
Tại Phnom Penh, đô trưởng Khoung Sreng đã chỉ đạo chính quyền các quận phát hành “thẻ mua sắm”, cho phép 1 thành viên mỗi hộ đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm trong thời gian phong tỏa. Nhu cầu về nhu yếu phẩm gia tăng sau khi Phnom Penh phong tỏa từ tuần trước, khi nhiều khu chợ đóng cửa vì trở thành điểm nóng Covid-19, trong khi việc di chuyển giữa các quận bị cấm, dù là đi mua hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.