Covid-19 dập tắt biểu tình tại Thái Lan

17/06/2021 09:45 GMT+7

Làn sóng Covid -19 thứ ba tại Thái Lan đang khiến cho các cuộc biểu tình chống chính phủ không thể diễn ra vì lệch giãn cách nhưng chúng có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào khi đại dịch lắng xuống.

Các cuộc biểu tình đối lập thu hút sự ủng hộ đông đảo của giới trẻ vào năm 2020 đã đụng đến vấn đề nhạy cảm nhất trong nền chính trị Thái Lan: cải cách chế độ quân chủ. Tuy nhiên, đợt bùng phát Covid-19 mới nhất đã khiến cuộc biểu tình phải ngưng lại vì phải thực hiện giãn cách xã hội.
Tờ Nikkei Asia ngày 16.6 dẫn lời sinh viên Suthipan Sombatsuree, người từng tham gia biểu tình vào năm ngoái, cho biết Covid-19 là lý do khiến các cuộc biểu tình giảm dần vì số ca tử vong ngày một tăng cao. 
Cuộc biểu tình với quy mô lớn nổ ra vào tháng 7.2020 với hơn 10.000 người tập trung tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok và đưa ra các yêu sách như sửa đổi hiến pháp, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và chế độ quân chủ phải được cải cách.
Các cuộc biểu tình sau đó được ủng hộ mạnh mẽ và lên đến đỉnh điểm vào ngày 26.10, khi sinh viên Passaravalee Thanakijvibulphol dẫn hàng ngàn người đến đại sứ quán Đức để gửi một lá thư yêu cầu chính phủ Đức điều tra xem liệu nhà vua Maha Vajiralongkorn đã điều hành công việc nhà nước trên đất Đức có vi phạm luật pháp Đức hay không.

Người dân Bangkok chờ nhận thực phẩm trong đợt phong tỏa

AFP

Điều đó đã thúc đẩy một cuộc trấn áp của chính quyền Thái Lan đối với những người biểu tình. Nhiều thủ lĩnh biểu tình như Parit Chiwarak hay Panusaya Sithijirawattanakul đã bị bắt và bị buộc tội, hình phạt tối đa là 15 năm tù.
Tuy nhiên, các thủ lĩnh khác đã tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ lẻ xung quanh Bangkok để gây áp lực lên chính phủ thả người.
Parit và Panusaya được tại ngoại với điều kiện họ không được chỉ trích chế độ quân chủ một lần nào nữa và phải ở lại trong nước. Kể từ khi được thả, họ đã không tổ chức bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào.

Biểu tình qua mạng

Tuy nhiên, sinh viên Boonyakiat của Đại học Ramkamhaeng cho biết sự biến mất của các cuộc biểu tình lớn không có nghĩa là những người biểu tình đã bỏ cuộc. “Những gì chúng tôi thấy bây giờ là cuộc chiến chống chính phủ vẫn còn, chỉ là họ vừa thay đổi hình thức chiến đấu”, Boonyakiat nói.
Sinh viên Yuthaporn Issarachai của Đại học Sukhothai Thammathirat cho biết thay vì xuống đường, các cuộc biểu tình giờ được tổ chức trực tuyến. Những người phản đối chính phủ đang chờ đợi thời điểm thích hợp để xuống đường một lần nữa với những yêu cầu mạnh mẽ hơn. Họ cho biết sự tức giận đối với chính phủ vẫn vẹn nguyên đặc biệt là vào thời điểm khi chính phủ đang vật lộn để quản lý việc triển khai vắc xin.

Thái Lan tiêm ngừa Covid-19 hàng loạt bằng vắc xin do công ty thuộc hoàng gia sản xuất

Mặc dù chính phủ cho biết 100 triệu liều vắc xin đã được đảm bảo cho người Thái, và đợt triển khai tiêm chủng bắt đầu từ ngày 1.3 nhưng đến nay mới chỉ có 1,6 triệu người được tiêm đầy đủ. Con số này chỉ chiếm khoảng 2,3% dân số 69 triệu người của Thái Lan.
Các bệnh viện công và tư đã hoãn việc tiêm chủng trong bối cảnh thiếu vắc xin. Chính phủ đã không đưa ra lời giải thích rõ ràng với người dân, làm dấy lên lo ngại về việc liệu Thái Lan có thể vượt qua đại dịch và vực dậy nền kinh tế vào cuối năm nay như kỳ vọng hay không.
Các nhà phân tích cho rằng những bước đi sai lầm này có khả năng châm ngòi cho các cuộc biểu tình mới ngay sau khi đại dịch giảm bớt. Đợt bùng phát Covid-19 thứ ba ở Thái Lan bắt đầu vào tháng 4, đã nâng số ca mới xác nhận trung bình lên hơn 2.000 ca mỗi ngày, tăng gấp đôi so với con số trước đó trong đại dịch. Tính đến ngày 16.6, Thái Lan đã có 204.595 ca nhiễm, trong đó 1.525 người tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.