Công ty Trung Quốc bị tố tàn phá Cameroon

Khánh An
Khánh An
24/04/2018 07:15 GMT+7

Quy định lỏng lẻo khiến ngành công nghiệp khai thác vàng của Cameroon rơi vào hỗn loạn dưới bàn tay của các công ty Trung Quốc.

Hãng AFP hôm qua đưa tin cơ quan chức năng Cameroon vừa ban hành lệnh cấm đối với 4 công ty khai thác vàng (gồm 3 công ty của Trung Quốc và 1 công ty địa phương) sau khi tình trạng khai thác vô tội vạ và chiếm đất dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực bùng phát giữa các công ty Trung Quốc và người dân địa phương. Trong số này có Công ty Lu et Lang của Trung Quốc khét tiếng vì sẵn sàng cho người giết bất cứ ai lén tìm vàng trong khu vực do công ty quản lý.
Trước đó, nhân viên người Trung Quốc đã đánh chết một người địa phương lén tìm vàng trong khu vực khai thác của công ty tại làng Longa Mali. Công ty bị đình chỉ vài ngày trước khi được hoạt động trở lại.
Mâu thuẫn giữa các công ty Trung Quốc và người địa phương đã âm ỉ từ lâu vì tình trạng mua đất nông nghiệp giá rẻ bèo để khai thác vàng. Ông Michel Pilo, trưởng làng Mali, cho biết người Trung Quốc đang tàn phá đồng ruộng bằng cách cưỡng ép họ bán đất để khai thác vàng. Ông đưa ra ví dụ một mảnh đất giá 500.000 franc Trung Phi (21 triệu đồng) bị họ ép bán chưa tới 1/6 giá trị.
Một quan chức địa phương thừa nhận rằng nông dân không có lựa chọn nào ngoài việc bán đất cho các công ty Trung Quốc nếu không muốn bị họ ngang nhiên chiếm đoạt để đào vàng.
Ông Narma Ndoyama, một nông dân ở làng Longa Mali, đang rất lo lắng vì các công ty khai thác vàng của Trung Quốc đang tiến gần đến mảnh đất trồng khoai mì hiện là nguồn sống chính của gia đình. “Mong chính quyền sớm khảo sát để bảo vệ mảnh đất của tôi vì nếu không thì sớm muộn họ cũng sẽ giẫm đạp lên đó”, ông than thở.
Thiếu minh bạch
Trước thực trạng hỗn loạn của ngành khai thác vàng, ông Gabriel Yadji, đại diện Bộ Mỏ, Công nghiệp và Phát triển công nghệ Cameroon, cho rằng chính những người dân đất nước Trung Phi này có một phần trách nhiệm lớn. “Thật dễ để nổi giận đối với người Trung Quốc, nhưng chính người Cameroon đã để họ làm như vậy”, ông chỉ trích.
Ở Cameroon, quy trình xin giấy phép khai thác mỏ bị xem là một mê cung vì chưa ai xin được giấy phép khai mỏ ở quy mô công nghiệp. Trong khi đó, giấy phép khai thác quy mô nhỏ lại được cấp tràn lan cho người bản địa trước khi họ bán hoặc cho các công ty nước ngoài thuê lại. Tổ chức Bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn Foder cho biết quy trình này hoàn toàn thiếu minh bạch. Bằng chứng là truyền thông địa phương đưa tin giấy phép từng được cấp cho các vị tướng, tá, đại biểu Quốc hội, bộ trưởng và thậm chí cả cháu của đương kim Tổng thống Paul Biya.
Nghi vấn tham nhũng không chỉ xoay quanh việc xin giấy phép mà còn ở tình trạng bảo kê hoạt động khai thác vàng. Quy trình thiếu minh bạch dẫn đến việc Cameroon không có số liệu chính thức về diện tích đất khai thác mỏ, đồng thời dẫn đến thực trạng dù giàu tài nguyên khoáng sản nhưng quốc gia này vẫn phát triển chậm và còn nghèo. Chính phủ thành lập Đơn vị hỗ trợ và phát triển khai thác mỏ quy mô nhỏ (CAPAM) nhưng cơ quan này không đủ nhân lực để giám sát. “Nhiều trường hợp chúng tôi rất mừng vì các công ty Trung Quốc tự nguyện khai báo sản lượng”, một nhân viên CAPAM cho biết. Theo quy định, các công ty khai thác vàng phải nộp lại cho nhà nước 25% sản lượng. Tuy nhiên, việc thiếu giám sát khiến nhà nước bị thất thu số lượng lớn vàng. Năm ngoái, Cameroon chỉ thu được 255 kg vàng từ tất cả các công ty trên cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.