Cộng đồng Việt ở Mỹ chung tay chống dịch Covid-19

19/04/2020 07:00 GMT+7

Bằng cách quyên góp hoặc tự may khẩu trang, mua găng tay y tế để tặng bệnh viện địa phương và những người ở tuyến đầu chống dịch..., cộng đồng người Việt tại Mỹ đang chung tay chống dịch Covid-19 .

Vì dịch bệnh, các tiệm làm móng (nail) của người Việt phải ngừng kinh doanh do lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ. Không ít người cảm thấy lo lắng mỗi khi phải rời nhà, vì sợ có thể trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn kỳ thị người gốc Á tại địa phương.
Bất chấp tình cảnh khó khăn vì thiếu thu nhập, nhiều người đã nghĩ ra sáng kiến góp phần giải quyết khó khăn cho những người ở tuyến đầu chống dịch như y bác sĩ, cảnh sát và lính cứu hỏa, theo Đài NBC.

Khẩu trang “ra lò” từ gia đình bác Đinh Hạnh

Ảnh: Mậu Toàn

Từ bé gái 9 tuổi đến cụ ông 83 tuổi cùng tham gia

Một ví dụ điển hình là dự án do hai phụ nữ gốc Việt là bà Huong Wang, chủ cửa hiệu Top Nail & Hail Beauty Supply và bà Tammy Luu, chủ tiệm Jasmine Beauty Supply ở thành phố Taylorsville (bang Utah).
Hai bà khuyến khích các nhân viên cùng may khẩu trang và làm những công việc khác để gia tăng khoản đóng góp trang thiết bị y tế. Nhóm may khẩu trang không phân biệt tuổi tác, tiếp nhận người nhỏ nhất là một bé gái 9 tuổi, và cao tuổi nhất là cụ ông đã 83. Sau khi đọc được lời kêu gọi của nhóm này trên Facebook, bà Hue Nguyen, cùng ở bang Utah, cũng tham gia.
“Đây là thời điểm đa số mọi người đều tạm thời “thất nghiệp”, đặc biệt là những người làm nail và tóc. Vì thế, họ vui mừng vì có thể góp sức mình để làm điều có ý nghĩa cho cộng đồng”, bà Nguyen nói. Trong đợt đầu tiên, nhóm của họ đã quyên góp được 700 khẩu trang cho các nhân viên y tế và cảnh sát, lính cứu hỏa thường xuyên xông xáo trên tuyến đầu chống dịch. Sau đó là hơn 13.000 khẩu trang y tế, 15.000 găng tay y tế, cùng các dung dịch tẩy trùng cần thiết.
Phong trào tương tự cũng diễn ra ở bang Alabama. Ông Huy Nguyen, chủ tiệm Top Nails 2 ở thành phố Mobile, đã vét sạch khẩu trang và găng tay bảo hộ trong kho cửa hàng và chuyển đến bệnh viện địa phương. Không chỉ ông Huy Nguyen, nhiều chủ tiệm nail người Việt khác cũng ở thành phố này cùng chung tay quyên góp tổng cộng 134.000 bộ găng tay và 23.000 chiếc khẩu trang cho một bệnh viện trong vùng. Ông Huy Nguyen sau đó còn kêu gọi bạn bè là chủ tiệm nail ở các thành phố khác ở Mỹ hành động tương tự.
“Chúng tôi không làm việc trong lĩnh vực y tế nên không thể trực tiếp chống vi rút, song chúng tôi muốn chia sẻ trách nhiệm và những gì mình có với cộng đồng”, theo Đài NBC dẫn lời ông Huy Nguyen. Trước đó, một dược sĩ người Việt ở thành phố Mobile đã lên mạng xã hội Facebook kêu gọi mọi người chung tay chống dịch bệnh.

Nhóm chị Nancy Đặng tranh thủ ăn trưa

Ảnh: Nancy Đặng

Biến tiệm nail thành xưởng may

Gia đình Lisa Nguyen - sở hữu tiệm Cowboys Nail Bar ở thành phố Plano (bang Texas) cũng quyết định tặng mọi khẩu trang, găng tay có trong kho cho một số người làm việc tại Trung tâm y tế Southwestern thuộc Đại học Texas, sau khi biết tin các y, bác sĩ tại đây không có đủ đồ bảo hộ và trang thiết bị y tế. “Với những thứ chúng tôi có, chúng tôi chỉ hy vọng chúng sẽ hữu ích không chỉ đối với các thành viên trong gia đình mà cả đồng nghiệp của họ”, Lisa Nguyen cho hay.
Còn ở tiệm Zen Nails ở vùng ngoại ô Brentwood của thành phố Nashville (bang Tennessee), nơi này đã trở thành xưởng may khẩu trang và áo bảo hộ cho các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Những chiếc bàn từng đặt máy đánh bóng móng tay chân cho khách nay được thay thế bằng máy may. Các nhân viên tình nguyện làm việc 9 giờ mỗi ngày để may đồ bảo hộ cho những cơ sở y tế địa phương. Trang Nguyen, đồng sở hữu tiệm Zen Nails, cho hay chị từng làm y tá trong nhiều năm nên biết được tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế ở địa phương qua lời kể của đồng nghiệp cũ.
“Khi nghe nhiều y tá kể về tình trạng thiếu đồ bảo hộ cá nhân, tôi thực sự muốn giúp một tay. Những người này cần được bảo vệ để họ có thể chăm sóc bệnh nhân. Tôi nghĩ chúng tôi có thể may khẩu trang và áo bảo hộ vì gia đình tôi biết may những thứ này”, Trang Nguyen chia sẻ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của tiệm, khách quen đua nhau đến tặng máy may, đồng thời quyên tiền để mua vải, nguyên vật liệu để sản xuất các đồ bảo hộ cá nhân. Trong tuần đầu tiên, họ sản xuất hơn 3.000 khẩu trang và áo choàng bảo hộ có thể tái sử dụng. Lô “hàng” này sau đó đã được gửi tặng cho 3 bệnh viện địa phương.

Ăn mì gói vẫn may tốt khẩu trang

Chia sẻ với chính quyền và người dân địa phương vào thời điểm khó khăn này, gia đình bác Đinh Hạnh tại thành phố Orlando (bang Florida) dành thời gian cách ly tại nhà để may khẩu trang vải tặng các y, bác sĩ và bệnh nhân nơi người thân của gia đình đang làm việc tại Bệnh viện Orlando Regional Medical Center.

Huy động bạn trai người Mỹ cùng tham gia may khẩu trang

Bạn trai người Mỹ của chị Kim Jepsen E phụ đo cắt vải

Ảnh: Kim Jepsen E

Theo chị Kim Jepsen E sống tại thành phố Seattle (bang Washington), chị và bạn trai người Mỹ nhận thấy tình trạng khan hiếm khẩu trang nên quyết định mua vải về may.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Kim cho biết chị và bạn trai xếp hàng nhiều giờ đồng hồ mới mua được vải. Nhờ từng học may nên chị Kim không gặp nhiều khó khăn trong việc may khẩu trang. Ngoài ra, có bạn trai nhiệt tình đo cắt vải nên chị cũng có thêm động lực hoàn thành công việc của mình. Các khẩu trang sau khi may xong được chị và bạn trai cho vào bao đóng gói lại rồi đặt một ít trước nhà để người dân gần đó ai cần đến lấy dùng. Chị Kim kể một người hàng xóm thậm chí đã để một tờ 20 USD dưới hộp khẩu trang trước nhà chị nhằm phụ góp thêm với chị. Chị Kim đã may được gần 100 chiếc khẩu trang tặng cho một cơ sở y tế địa phương cũng như hàng xóm để cùng bảo vệ sức khỏe. Tuy không nhiều nhưng chị Kim và bạn trai mong muốn đóng góp một chút gì đó cho cộng đồng.
Trả lời Thanh Niên, bác Đinh Hạnh cho hay bác có kinh nghiệm may 40 năm nên đã cùng các anh chị em lên ý tưởng may khẩu trang tặng bệnh viện. Do nhóm chỉ có một người biết may nên những người còn lại được phân chia các công việc như đi mua vải, vẽ và cắt khẩu trang. Mỗi ngày, nhóm làm được 50 - 70 khẩu trang.
Bác Hạnh chia sẻ: “Hiện nay tình hình kinh tế khó khăn nhưng các y, bác sĩ đã phải làm việc liên tục trong tình trạng khan hiếm khẩu trang. Lúc đầu, có người còn đề nghị mua khẩu trang với giá 10 USD/chiếc, nhưng gia đình từ chối vì thực sự chỉ may cho những người cần thiết lúc này”. Bác Hạnh kể thêm vì nhóm may rất ít người và lại là khẩu trang 4 lớp nên số lượng gửi tặng còn rất hạn chế, tuy nhiên gia đình vẫn đang cố gắng để giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Tính đến nay, gia đình đã may được hơn 400 khẩu trang và gửi tặng bệnh viện địa phương liên tục mỗi ngày.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nancy Đặng ở thành phố Westminster (bang California) kể rằng, nhóm chị may khẩu trang tặng các cơ sở chăm sóc người tàn tật, viện dưỡng lão, bệnh viện… trong vùng. Theo chị Nancy Đặng, mỗi ngày nhóm chị gồm 4 người có thể may khoảng 180 - 200 chiếc. Sau một tháng, nhóm chị đến nay đã trao tặng hơn 2.000 chiếc khẩu trang cho các cơ sở trên.
Chị Nancy Đặng cho biết việc quyên góp này do chị khởi xướng sau khi nghe tin nhiều nơi lâm vào tình trạng thiếu thốn khẩu trang. Ban đầu chị tự bỏ tiền túi mua vật liệu về may và sau đó biết tin, bạn bè và người thân của chị người góp của người góp sức hỗ trợ chị.
Chị không phải là thợ may nên đã lên mạng tự học cách may khẩu trang. Chị cũng kể thêm ban đầu có gặp khó khăn một chút trong việc tìm mua nguyên vật liệu, song nguồn hàng hiện khá phong phú nhờ được nhiều chủ cửa hàng vải “tài trợ”. Nhóm chị làm việc liên tục và thường lót dạ bằng những tô mì gói để có thêm thời gian may khẩu trang. Do lệnh hạn chế tiếp xúc xã hội nên sau khi may xong, nhóm chị sẽ liên hệ trực tiếp các cơ sở trên và họ cho người đến tận nhà lấy.
Với chị, cảm động nhất là hình ảnh đại diện cơ sở chăm sóc người tàn tật Project Independence ở thành phố Costa Mesa (bang California) đến tận nhà chị lấy khẩu trang và liên tục cảm ơn dù chỉ có thể nói chuyện qua lớp kính cửa. Hiện nhóm chị Nancy Đặng đang nỗ lực hoàn tất khoảng 1.300 chiếc khẩu trang chuẩn bị gửi tặng thêm cho các cơ sở trên vào những ngày sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.