Công cụ hóa tín ngưỡng

09/09/2016 09:49 GMT+7

Mùa hành hương về thánh địa Mecca (ở Ả Rập Xê Út) năm nay đã bắt đầu. Nhưng với mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran thì điều này lại gây nên trắc trở, phức tạp và nhạy cảm mới.

Đối với người theo đạo Hồi trên khắp thế giới, mùa hành hương về thánh địa Mecca (ở Ả Rập Xê Út) năm nay đã bắt đầu. Nhưng đối với mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran thì điều này lại gây nên trắc trở, phức tạp và nhạy cảm mới. 
Quan hệ giữa hai nước này vốn đang rất căng thẳng và đầy thù địch. Hai nước đứng ở hai chiến tuyến đối địch nhau, cho dù không trực tiếp, ở cả Syria lẫn Yemen, và đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời tăng cường tập hợp lực lượng, gây dựng vây cánh để đối phó nhau.
Theo luật lệ của đạo Hồi, người theo tôn giáo này phải hành hương về Mecca ít nhất một lần trong đời. Thánh địa nằm gọn trong lãnh thổ của Ả Rập Xê Út, tức là vương triều này có quyền kiểm soát dòng người theo đạo Hồi từ những quốc gia khác đến Mecca. Vì quan hệ với Iran trở nên tồi tệ nên Ả Rập Xê Út không cấp thị thực nhập cảnh cho người Iran hành hương. Phía Ả Rập Xê Út coi người Iran là vô thần còn phía Iran coi đạo Hồi được truyền bá ở Ả Rập Xê Út không phải là đạo Hồi thật sự và chính tông.
Đúng là có sự khác biệt cơ bản về đạo Hồi ở hai nước, hay nói đúng hơn là ở hai nơi có hai dòng khác nhau, ở Iran là dòng Shiite, còn ở Ả Rập Xê Út là dòng Sunni. Nhưng vấn đề lại chỉ ở chỗ tín ngưỡng này đã bị biến thành công cụ chính trị ở cả hai nước, kích động dòng nọ đối địch dòng kia, gieo rắc thù hận, khoét sâu cách biệt. Mục đích cốt lõi là cạnh tranh giữa Ả Rập Xê Út và Iran về vai trò và ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo và ở khu vực. Vì mục đích thần thánh hóa công cụ nên thánh địa cũng không tránh khỏi bị công cụ hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.