Còn 'đường lưỡi bò', chưa ai tin Trung Quốc

05/12/2015 08:59 GMT+7

Hành động đơn phương ở khu vực Biển Đông là cản trở xây dựng lòng tin giữa các bên. Chừng nào Trung Quốc còn giữ bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông thì không quốc gia nào có thể tin tưởng TQ được.

Hành động đơn phương ở khu vực Biển Đông là cản trở xây dựng lòng tin giữa các bên. Chừng nào Trung Quốc còn giữ bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông thì không quốc gia nào có thể tin tưởng TQ được.

Ảnh hưởng của Mỹ đối với an ninh hàng hải ở Biển Đông là không thể phủ nhận - Ảnh: ReutersẢnh hưởng của Mỹ đối với an ninh hàng hải ở Biển Đông là không thể phủ nhận - Ảnh: Reuters
Đó là nhận định của TS Nguyễn Thanh Minh (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN) tại Hội thảo “Xây dựng lòng tin châu Á” do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) và Đại sứ quán Nhật Bản tại VN tổ chức ngày 4.12.
Theo TS Minh, xét theo cơ sở khoa học và luật pháp quốc tế, bản đồ “đường lưỡi bò” không có bất cứ cơ sở nào, chính vì vậy Trung Quốc (TQ) bỏ “đường lưỡi bò” thì niềm tin mới được xây dựng.
Giữ thế cân bằng
Theo GS-TS Oba Mie (ĐH Khoa học Tokyo), vai trò và ảnh hưởng của Mỹ và TQ đối với vấn đề Biển Đông và hoạt động bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên việc thể hiện sức mạnh của hai nước này trong việc xây dựng bá quyền ở Đông Nam Á hay lái môi trường an ninh theo lợi ích của mình có những hạn chế nhất định. Nói cách khác, Mỹ và TQ không phải có thể làm bất cứ điều gì theo ý mình như nhận định của nhiều người.
“Trước hết Mỹ - Trung phải chế ngự nhau nên thực tế khó có thể thể hiện hết chủ trương của mình. Hơn nữa TQ cũng gia tăng sức mạnh kinh tế nên quốc phòng lớn mạnh nhưng lại thiếu quyền lực mềm. Sự phản kháng đối với việc tăng cường ảnh hưởng của TQ ở các nước láng giềng cũng trở nên nóng bỏng. Quan hệ giữa TQ và các nước láng giềng vì vậy cũng trở nên bất ổn định. Còn cam kết của Mỹ với châu Á bị chế ước bởi vấn đề tài chính”, GS Oba phân tích.
Trong trường hợp Trung - Mỹ đối đầu trực tiếp và xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông thì các nước ASEAN cũng không thể làm gì. Tuy nhiên, theo GS Oba, khả năng này rất khó xảy ra vì thực tế cho thấy cả hai đều hết sức thận trọng, nhằm tránh gia tăng căng thẳng trong quan hệ.
Ngược lại, nếu sự hòa giải quan hệ Mỹ - Trung được thực hiện dẫn đến việc Mỹ công nhận chủ quyền của TQ trên thực tế thì sức ảnh hưởng trong các vấn đề trên của ASEAN sẽ bị giảm sút. Tuy nhiên, theo GS Oba, điều này sẽ vấp phải sự phản đối của một số nước ASEAN mà chủ yếu là các nước trực tiếp liên quan và Nhật Bản - nước có chủ trương đối lập về vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông. Hơn nữa, sự cho phép những hành động vi phạm luật Biển quốc tế chắc chắn sẽ tổn hại đến quyền lực mềm của Mỹ.
Theo GS Oba, như vậy cả sự đối đầu trực tiếp hay sự hòa hợp Mỹ - Trung trên cơ sở coi thường chủ trương của các nước khác đều không thể thực hiện được. Trong bối cảnh đó, chìa khóa giải quyết chính là động thái của các nước ASEAN. Qua quan sát, GS Oba cho rằng khi quan hệ đối kháng xung quanh vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng thì về “cơ bản, các nước ASEAN đều duy trì chiến lược kìm giữ sức ảnh hưởng của mình bằng việc tăng cường quan hệ với Mỹ - Trung và giữ thế cân bằng trong quan hệ với cả hai nước”.
Chừng nào Trung Quốc còn giữ bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông thì không quốc gia nào có thể tin tưởng TQ được
Lát cắt salami
Theo TS Renato Cruz De Castro (ĐH De La Salle, Philippines), hiện TQ nhận thấy mình bị mắc kẹt trong tình thế an ninh “tiến thoái lưỡng nan” vì phải đối mặt với sự hiện diện và sức ép ngày càng tăng của hải quân Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông. “Mặc dù trải qua nhiều thập niên tái cấu trúc và hiện đại hóa, các lãnh đạo TQ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng rằng lực lượng vũ trang chưa được thử nghiệm và thiếu kinh nghiệm của mình có thể thắng trong điều kiện công nghệ cao khi đối đầu với Mỹ và Nhật Bản”, TS De Castro phân tích.
Nhưng nếu sự cân bằng quyền lực chống lại lợi ích của TQ, nước này có thể sử dụng vũ lực đối với bất kỳ quốc gia nào có sự hợp tác chặt chẽ về an ninh với Mỹ và Nhật Bản. “Tuy nhiên, động thái như vậy của TQ chắc chắn sẽ kéo theo sự can dự của hai cường quốc hàng hải là Mỹ và Nhật, đặc biệt nếu quân đội TQ đẩy mạnh chiến lược chống lại sự hiện diện của hải quân Mỹ và Nhật Bản ở chuỗi đảo thứ nhất”, TS De Castro nói.
Theo TS William Choong (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - Singapore), cùng với việc tăng cường thắt chặt quan hệ kinh tế với ASEAN, trong những năm gần đây TQ đã cố gắng tăng cường sự tương tác với ASEAN trong lĩnh vực an ninh. Cụ thể, bằng việc đưa ra khái niệm “châu Á của người châu Á” để các nước châu Á quyết định tương lai an ninh khu vực cho mình.
Phát biểu tại hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) hồi tháng 5.2014, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã cho rằng chỉ có một trật tự an ninh “châu Á của người châu Á” như vậy mới mang lại “an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững” cho khu vực. Theo TS Choong, điều này được coi là một cách TQ gián tiếp nhằm giữ Mỹ, cường quốc đảm bảo an ninh khu vực trong suốt 7 thập niên qua, ở bên ngoài khu vực châu Á.
“Chiến lược của TQ là làm suy yếu các liên minh của Mỹ, làm giảm vai trò chủ chốt của Mỹ trong các nước láng giềng của TQ và cuối cùng tạo ra một trật tự an ninh mới với châu Á là hạt nhân”, TS Choong nhận định. Bên cạnh đó, việc TQ cố gắng phát triển quan hệ với các nước láng giềng cũng có một mục tiêu sâu xa hơn đó là không để một nước láng giềng nào có thể thách thức một TQ mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự.
Theo TS De Castro, TQ đang thực hiện việc hạn chế vai trò trung tâm của ASEAN theo nhiều hướng. Một mặt TQ ngăn cản ASEAN trong việc khiến ASEAN phải tuân theo cách thức giải quyết các vấn đề an ninh của họ, bằng cách cản trở đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Mặt khác, TQ còn đối phó vô hiệu hóa ASEAN bằng cách tạo ra sự chia rẽ trong ASEAN. Chiến lược này có tên gọi là cắt lát salami, một lý thuyết nổi tiếng của Mỹ. “Chiến thuật này bao gồm việc mang lại cho mỗi nước có cùng tuyên bố chủ quyền một dự án phát triển chung như là một phương tiện giải quyết các tranh chấp Biển Đông”, TS De Castro nói.
Theo TS De Castro, đây là một thành tố quan trọng của sáng kiến ngoại giao “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền về các vùng lãnh thổ đang tranh chấp trên biển. “TQ có khả năng áp dụng chiến thuật này khi thuyết phục VN và Philippines tham gia vào Chương trình thăm dò Hải dương chung (JMSU) ở Biển Đông”, ông De Castro nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.