Chuyện về 7 đệ nhất phu nhân

22/12/2017 21:56 GMT+7

Trong cơn mưa nhẹ sáng ngày 11.11, phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền chủ trì chương trình phu nhân, phu quân của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC đi tham quan Hội An.

Trong cơn mưa nhẹ sáng ngày 11.11, phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền chủ trì chương trình phu nhân, phu quân của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC đi tham quan Hội An - đô thị cổ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và làng lụa Hội An. Sau khi đi bộ dọc sông Hoài thơ mộng, đoàn đã được xem tái hiện cảnh sinh hoạt của người dân Hội An xưa dọc 2 bên tuyến phố, từ thêu trên vải, làm đèn lồng cho đến vẽ tranh sơn dầu, điêu khắc mộc... Các phu nhân, phu quân lãnh đạo APEC thích thú chụp ảnh các công trình kiến trúc đặc sắc, đặc biệt chùa Cầu - biểu tượng của thành phố di sản Hội An. Bên cạnh đó, một số phu nhân còn có những chuyến thăm riêng lẻ không nằm trong lịch trình.
Chuyện về 7 đệ nhất phu nhân 1
Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền (áo dài xanh) cùng các phu nhân lãnh đạo các nền kinh tế APEC tham quan phố cổ Hội An Ảnh: Mạnh Cường
Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc: Bà Kim Jung-sook thân thiện
Ngay sau khi cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Đà Nẵng ngày 10.11, đệ nhất phu nhân Kim Jung-sook đã tới thăm làng bích họa Tam Thanh (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam). Làng bích họa đầu tiên của Việt Nam này là thành quả của dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc - Việt Nam do UBND TP.Tam Kỳ và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (The Korea Foundation - KF) đồng tổ chức, thực hiện. Hơn 100 ngôi nhà ở làng chài nghèo trở thành những bức tranh sinh động, giúp làng bích họa Tam Thanh - mô hình phổ biến ở Hàn Quốc từ khoảng 10 năm trước - trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Tam Kỳ. Trung bình mỗi ngày, nơi này đón hơn 500 khách tham quan.
Ngay khi đệ nhất phu nhân Kim Jung-sook xuất hiện ở cổng làng Tam Thanh giản dị với áo thun trắng in dòng chữ “Nghệ thuật cho cộng đồng tốt đẹp hơn - Hàn Quốc - Việt Nam”, đầu đội nón lá và luôn mỉm cười vui vẻ, mọi người đều hiểu vì sao bà được người dân Hàn Quốc yêu mến gọi là “bà Jung-sook thân thiện”.
Bà Kim Jung-sook đi qua một số nhà dân, lắng nghe cảm nhận của họ và dành thời gian ngắm nhìn những bức bích họa nhiều màu sắc từ dự án thiện nguyện cộng đồng do các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc kết hợp thực hiện. Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc còn cùng các em nhỏ tô màu những con cá gỗ rồi gắn tác phẩm lên bức tường ở rìa làng trên con đường dẫn thẳng ra biển…
Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc: Bà Kim Jung-sook thân thiện
Ảnh: AFP
Theo trang Star2, bà Kim Jung-sook và ông Moon Jae-in quen nhau năm 1974, khi ông đang theo học luật, còn bà học thanh nhạc. Chuyện bắt đầu khi chàng sinh viên Moon Jae-in tham gia biểu tình chống Tổng thống Park Chung-hee hồi năm 1975 và bị ngất xỉu vì khí gas. Ông Moon Jae-in nói về khoảnh khắc định mệnh như trong phim: “Khi mở mắt, tôi nhìn thấy gương mặt lo lắng của cô ấy trong khi cô ấy dùng khăn tay lau mặt cho tôi”.
Sau 7 năm hẹn hò, bà Kim Jung-sook đã làm điều mà hầu như chưa có cô gái Hàn Quốc nào ở những năm 1970 dám làm khi táo bạo hỏi thẳng: “Anh có kết hôn với em không? Hãy trả lời em ngay bây giờ”, và Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc hiện nay, đã trả lời “Anh sẽ lấy em”. Họ kết hôn năm 1981, sống hạnh phúc bên nhau và có 1 con trai (năm nay 35 tuổi), 1 con gái (34 tuổi).
Hơn 30 năm sau, ở tuổi 62, người phụ nữ tên Kim Jung-sook, lại tiếp tục phá vỡ truyền thống, lần này là với tư cách tân đệ nhất phu nhân tổng thống. Việc chọn mặc Âu phục thay vì bộ Hanbok truyền thống trong lễ nhậm chức của Tổng thống Moon Jae-in là dấu hiệu cho thấy bà Kim Jung-sook sẽ không tuân thủ truyền thống làm cái bóng lặng lẽ bên người chồng quyền lực như các đệ nhất phu nhân trước đó.
Tờ Korea Herald dẫn lời phát biểu của bà Kim Jung-sook: “Tôi muốn là chính tôi, như tôi trước đây. Tôi là Kim Jung-sook. Tôi vẫn sẽ luôn gần gũi với mọi người dân ngay cả khi trở thành đệ nhất phu nhân”.
Iriana Joko Widodo phu nhân Tổng thống Indonesia: Phu nhân giản dị
Iriana Joko Widodo phu nhân Tổng thống Indonesia: Phu nhân giản dị
Qua cô em gái, bà Iriana Joko Widodo, năm nay 54 tuổi, quen và kết hôn với ông Joko Widodo, hiện là Tổng thống Indonesia, năm 1986. Họ có 2 con trai: Gibran Rakabuming Raka (sinh năm 1988) và Kaesang Pangarep (sinh năm 1994), và 1 con gái Kahiyang Ayu (sinh năm 1991).
Theo The Jakarta Post, bà Iriana Joko Widodo cho biết họ đã luôn cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong cuộc hôn nhân không chỉ toàn màu hồng, mà cũng có những thời điểm hết sức khó khăn.
Mặc dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh đồ gỗ, nhưng chàng kỹ sư tốt nghiệp Đại học Gadjah Mada vào năm 1995 đã không gặp thuận lợi trong bước đầu khởi nghiệp khi quá tin người đến mức bị một khách hàng lừa đến mất hết cả vốn liếng. Đó không phải là lần duy nhất ông chủ kinh doanh đồ gỗ thua lỗ. Bà Iriana nhớ lại: “Chúng tôi từng thất bại, nhưng chúng tôi lại đứng dậy vì chúng tôi cần phải tồn tại”.
Khi ông Joko Widodo bắt đầu tham gia chính trường, bà Iriana thừa nhận đã có rất nhiều chuyện thay đổi và bà phải học cách để thích ứng, nhưng bà thật lòng chưa bao giờ nghĩ rằng ông sẽ trở thành tổng thống. Bà nói: “Tôi không đặt kỳ vọng cao đối với ông ấy. Tôi chỉ luôn tin tưởng vào ông ấy”.
Và rồi, bà nói một cách nghiêm túc, về cơ bản thì chẳng có gì thay đổi cả: “Tôi luôn là chính tôi. Tôi chưa bao giờ so sánh mình với những đệ nhất phu nhân trước đây. Mỗi đệ nhất phu nhân có cá tính riêng. Còn tôi sẽ là chính tôi”. Và bà Iriana thật sự vẫn là một người phụ nữ giản dị, hầu như không diện những trang phục và phụ kiện đắt tiền cũng như hiếm khi trang điểm đậm…
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi điều gì khiến ông yêu Iriana, người bạn gái đầu tiên và duy nhất của ông, Tổng thống Joko Widodo đã trả lời: “Bởi vì cô ấy là một cô gái rất nông thôn”. Câu đùa của chồng khiến bà Iriana đứng bên cạnh “phản ứng”, ra dấu là không đúng đâu. Trong khi đó, bà Iriana cho biết bà nhận lời cầu hôn của Joko Widodo bởi vì "ông ấy thông minh và rất chăm chỉ".
Tuy nhiên, người phụ nữ từng tốt nghiệp đại học kinh tế lại trách yêu rằng chồng mình thiếu lãng mạn: “Ông ấy chẳng hề lãng mạn chút nào. Chúng tôi thậm chí chẳng bao giờ tổ chức sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới”. Rồi bà lại mỉm cười hạnh phúc: “Chúng tôi đã sống bên nhau trong nhiều năm. Chúng tôi không cần phải làm những chuyện như thế”. Bà còn tiết lộ thêm: “Khi ông ấy đã là tổng thống, tôi vẫn là người chuẩn bị bữa ăn cho chồng. Ông ấy rất dễ tính và ăn tất cả những món mà tôi nấu”.
Bà Hà Tinh người phụ nữ thép của Singapore
Bà Hà Tinh (Ho Ching), 64 tuổi, phu nhân đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), là Tổng giám đốc Temasek Holdings và đứng thứ 28 trong danh sách những phụ nữ quyền lực năm 2017 của tạp chí Forbes.
Hà Tinh là chị cả của gia đình có bốn chị em. Bà có thành tích học tập đáng nể, từng được vinh danh là Học sinh xuất sắc trong năm của National Junior College. Năm 1976, bà tốt nghiệp xuất sắc khoa Kỹ sư điện, Đại học Singapore, nay là Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Bà Hà Tinh người phụ nữ thép của Singapore
Ảnh: AFP
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà được nhận vào làm việc trong Bộ Quốc phòng Singapore trước khi sang Mỹ học chương trình sau đại học và đến năm 1982, bà nhận bằng thạc sĩ của Đại học Stanford (Mỹ).
Bà Hà Tinh kết hôn với ông Lý Hiển Long năm 1985, 3 năm sau khi người vợ đầu tiên của ông qua đời, để lại 2 đứa con nhỏ trong khi ông vừa chính thức bước vào con đường chính trị. Khi lấy Lý Hiển Long (ở tuổi 33), bà là một kỹ sư 32 tuổi mới vào làm viên chức trong Bộ Quốc phòng.
Là người phụ nữ quyền lực ở Singapore, bà Hà Tinh vẫn ăn mặc rất giản dị, thậm chí là xuề xòa đến mức không đẹp. Tuy nhiên, bà vẫn có những chọn lựa rất tinh tế và đầy hàm ý, như việc tự tin chọn mang chiếc ví có giá chỉ 11 USD khi cùng Thủ tướng Lý Hiển Long dự lễ chào đón ở Nhà Trắng hồi tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, đằng sau chiếc ví này là một câu chuyện cảm động. Chiếc ví màu xanh dương có họa tiết khủng long trắng do Seetoh Sheng Jie, một học sinh người Singapore 19 tuổi đang học tại Trường Pathlight thiết kế. Đây là trường học đầu tiên tại đảo quốc này dành riêng cho người tự kỷ. Việc mang chiếc ví này chính là thông điệp mạnh mẽ kêu gọi ủng hộ người tự kỷ phát huy tài năng. Bà Hà Tinh cũng là cố vấn của Trung tâm Nguồn lực tự kỷ Singapore (ARC), cơ quan đã hỗ trợ thành lập Trường Pathlight.
Cuối tháng 3 năm nay, trong thời gian cùng Thủ tướng Lý Hiển Long sang thăm chính thức Việt Nam, bà Hà Tinh đã nhờ phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền chuyển quà tặng của mình là một bộ tách sứ có in hình động vật ngộ nghĩnh do Jun-Yi, một cậu bé tự kỷ ở Singapore thực hiện đến cậu bé Hà Đình Chí, còn gọi là bé Nem. Bé Nem là một cậu bé tự kỷ mê vẽ và đã vẽ những họa tiết được chọn để trang trí trên chiếc khăn lụa mà bà Nguyễn Thị Hiền chọn để làm quà cho bà Hà Tinh.
Phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea: Bà Lynda Babao O’Neill
Phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea: Bà Lynda Babao O’Neill
Trong chuyến thăm Việt Nam nhân Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng, chiều 9.11, bà Lynda Babao O’Neill, phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill đã đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Bà đặc biệt quan tâm những tác phẩm hội họa về Tây nguyên, thiếu nhi Việt Nam và đặc biệt dành nhiều thời gian chiêm ngưỡng tác phẩm Sự thánh thiện giữa đất và người.
Không chỉ yêu nghệ thuật và đam mê tìm hiểu về các nền văn hóa, phu nhân Lynda Babao O’Neill xinh đẹp và thân thiện còn luôn đau đáu về sự phát triển của đất nước mình. Bà từng phát biểu: “Chúng tôi là một đất nước bước ra từ cuộc sống bộ tộc để chuyển vào thế giới hiện đại, nhưng chúng tôi đã không tận dụng được các cơ sở y tế và luôn ở trong tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế và bác sĩ. Chúng tôi đã có nhiều cải tiến, nhưng còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn”.
Liên quan đến giáo dục, bà Lynda Babao O’Neill quan niệm rằng học tập sớm rất quan trọng và cần phải tạo cơ hội cho trẻ em nghèo được đi học ngay từ khi còn nhỏ vì đó là thời điểm dễ hấp thu kiến thức nhiều nhất. Trang web chính thức của Thủ tướng Papua New Guinea dẫn lời bà Lynda Babao O’Neill: “Một trong những mục tiêu của tôi là đỡ đầu cho các thư viện trên khắp đất nước để khuyến khích trẻ em đến trường sớm từ khi còn nhỏ”.
Việc thành lập những thư viện Buk Bilong Pikinini - với sự hỗ trợ của chính phủ Australia và một tập đoàn khai thác dầu - phù hợp với chính sách giáo dục của chính phủ xem ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện cho ngày càng nhiều trẻ em được đến trường từ sớm vì chúng là tương lai của đất nước và là nguồn nhân lực sẽ đưa đất nước tiến lên.
Papua New Guinea là quốc gia ở Đông Nam châu Á, sát phía dưới đường xích đạo, gồm 2 quần đảo chính là Papua và New Guinea, cách phía nắc Australia 160 km. Với hệ sinh thái và nền văn hóa phong phú, nổi tiếng với những bãi biển và rạn san hô cực đẹp, nhưng Papua New Guinea lại là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Theo số liệu của Denver Post hồi tháng 4.2016, 40% dân số 7,3 triệu người của nước này sống dưới mức 2 USD/ngày.
Bà Lynda Babao và Thủ tướng Peter O’Neill có 5 người con: 2 gái (Loris và Joanne O'Neill) và 3 trai (Travis, Brian và Patrick O'Neill). Loris và Joanne học Đại học Queensland ở Australia, Travis cũng đang học phổ thông ở Australia.
Phu nhân Thủ tướng Thái Lan Naraporn Chan-ocha: Người tránh xa sự lo lắng
Phu nhân Thủ tướng Thái Lan Naraporn Chan-ocha: Người tránh xa sự lo lắng
Bà Naraporn Chan-ocha, 63 tuổi, nguyên là giảng viên tiếng Anh tại Học viện Ngôn ngữ của Đại học Chulalongkorn. Bà Naraporn cũng từng là Chủ tịch Hiệp hội Những người vợ lính. Cha bà là một cảnh sát. Xuất thân từ một gia đình Thái trung lưu điển hình, nhưng bà may mắn được theo học ở các trường tốt nhất của địa phương, từ trường nữ trung học nổi tiếng St Joseph Convent cho đến Khoa Nghệ thuật tự do thuộc Đại học Thammasat. Sau khi có bằng cử nhân, bà tiếp tục theo học thạc sĩ tại Khoa Nghệ thuật tự do, Đại học Mahidol.
Bà Naraporn gặp người chồng tương lai của mình khi ông theo học khóa tiếng Anh ngắn hạn tại Đại học Chulalongkorn. Họ kết hôn vào năm 1984, nhận được sự chúc phúc của Quốc vương cùng Hoàng hậu Thái Lan, và sinh hạ hai bé gái song sinh. Cặp sinh đôi theo đuổi dòng nhạc pop và đang thử sức trong lĩnh vực nghệ thuật với ban nhạc Badz.
Theo Asia Sentinel, sau khi thôi không giảng dạy ở Đại học Chulalongkorn, Naraporn dành thời gian rảnh để làm việc cho Tổ chức Người mù cũng như đảm nhận vị trí giảng viên khách mời trong dự án Giáo dục Vệ tinh do Trường Wang Kai Kang Won tài trợ. Kai Kang Won, tạm dịch là “Xa lánh sự lo lắng”, là tên của cung điện hoàng gia ở Hua Hin, thành phố nghỉ dưỡng của Hoàng gia Thái Lan.
Và như vậy, bà Naraporn Chan-ocha đã tự thân xây dựng mối quan hệ mật thiết với gia đình hoàng gia. Thế nên, không có gì bất ngờ khi trang web Top Ten List hồi năm 2015 từng bầu chọn bà Naraporn Chan-ocha là người phụ nữ tài năng nhất, với nhận xét: “Trong quá trình tham gia dự án giáo dục vệ tinh, bà Naraporn Chan-ocha không chỉ đóng góp vào nền giáo dục Thái Lan, mà còn bày tỏ sự trung thành với chế độ quân chủ”.
Phu nhân Tổng thống Peru: Người luôn kín đáo sau lưng chồng
Phu nhân Tổng thống Peru: Người luôn kín đáo sau lưng chồng
Ảnh: AFP
Trưa 10.11, phu nhân Tổng thống Peru - bà Nancy Ann Lange - đã đến thăm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội TP.Đà Nẵng. Trước đó, bà đã đến thăm Bảo tàng Chăm và tham quan Công viên APEC.
Bà Nancy Ann Lange de Kuczynski, 63 tuổi, một chuyên gia kinh tế người Mỹ, từng sinh ra tại thị trấn Rock Springs, cách thủ phủ Madison của bang Wisconsin khoảng 2 giờ xe chạy. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Wisconsin, bà Nancy Ann Lange, xuất thân từ một gia đình châu Âu nhập cư, đã không ở lại quê hương mới Wisconsin mà ra nước ngoài làm việc. Sau vài năm làm việc ở Ấn Độ và Nhật Bản, bà đến Peru và trở thành cố vấn quỹ hưu trí.
Bà luôn xuất hiện kín đáo phía sau lưng chồng mình, luôn ủng hộ ông nhưng không bao giờ tìm cách trở thành trung tâm của sự chú ý. Bà không thích nói chuyện với báo chí và nói chung là không xen vào các hoạt động chính trị của chồng.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận vai trò của bà Nancy Ann Lange trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Peru năm 2016. Bà lập tài khoản trên Facebook, xây dựng chương trình Chambeando por el Perú. Thông qua chương trình này, bà đi đến nhiều tỉnh thành của Peru để quảng bá cho kế hoạch xã hội Peruanos Por el Kambio.
Ông Pedro Pablo Kuczynski cũng thừa nhận vai trò quan trọng của vợ trong sự nghiệp chính trị của mình. Sau chiến thắng ngày 5.6, tân Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đã ôm bà và xúc động nói: “Cũng xin cám ơn em, Nancy yêu quý, đã đồng hành cùng anh với tất cả sự mạnh mẽ, sự thông minh, và tình cảm của em”.
Cũng theo trang Peru This Week, bà Nancy Ann Lange được đánh giá là một người nghiêm túc trong công việc và thông minh không kém chồng mình, và đó là lý do khiến họ rất ăn ý với nhau bất chấp tuổi tác cách biệt đến 16 năm. Bà gặp ông Pedro Pablo Kuczynski trong thời gian ông sống tại Mỹ và sau đó trở thành người vợ thứ hai của ông sau khi bị tiếng sáo và tiếng đàn của ông trong những tác phẩm của Chopin và Bach chinh phục.
Phu nhân Thủ tướng Malaysia: Quan tâm trẻ nhỏ
Phu nhân Thủ tướng Malaysia: Quan tâm trẻ nhỏ
Bà Rosmah Mansor kết hôn với ông Najib Razak năm 1987 - sau khi ông ly dị người vợ đầu Puteri Zainah Tengku Eskandar. Họ có 2 người con: 1 trai tên Mohd Norashman Najib và 1 gái Nooryana Najwa Najib.
Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017, bà Rosmah Mansor - phu nhân Thủ tướng Malaysia đã đến Trường đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tham quan, giao lưu với giảng viên và sinh viên Khoa Giáo dục mầm non trong buổi sáng 10.11.
Bà Rosmah Mansor, 66 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học nên bà rất quan tâm đến tâm lý trẻ nhỏ. Bà từng theo học tại Đại học Malaya và Đại học bang Louisiana ở Mỹ (tốt nghiệp năm 1978). Theo bà Rosmah Mansor, 80% sự phát triển của trí não của trẻ được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ nên việc giáo dục từ nhỏ rất cần thiết.
Tuy nhiên, phu nhân Thủ tướng Najib Razak cũng là người gây nhiều tranh cãi ở Malaysia vì sở thích mua sắm hàng hiệu, sẵn sàng vung tay để làm đẹp. Hồi đầu năm 2015, bà Rosmah Mansor từng bị chỉ trích khi than vãn về chi phí tăng cao khi gọi đến nhà thợ nhuộm tóc (1.200 ringgit, khoảng 6,5 triệu đồng) và thợ may (500 ringgit, khoảng 2,7 triệu đồng). “Chúng tôi phải may những bộ trang phục đẹp để tham dự các buổi lễ quan trọng, nhưng giá cả lại quá cao. Với những người có điều kiện thì chuyện đó bình thường. Còn với những người phụ nữ ở nhà làm nội trợ, không có thu nhập như chúng tôi thì sao?”, tờ Malaysian Insider trích lời bà Rosmah. Trong khi đó, mức lương tối thiểu của người dân Malaysia hồi năm 2015 được công bố là 900 ringgit (khoảng 4,8 triệu đồng), nhưng trên thực tế thì thấp hơn nhiều.
Kể từ khi ông Najib Razak nhậm chức Thủ tướng năm 2009, bà Rosmah Mansor thỉnh thoảng lại bị chỉ trích vì mua sắm hàng hóa xa xỉ ở nước ngoài. Theo thông tin của Reuters hồi tháng 6.2017, có một đơn kiện cáo buộc gần 30 triệu USD đã bị rút ruột từ Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) để mua nữ trang cho vợ của “quan chức số 1 Malaysia”, trong đó chỉ riêng chiếc vòng cổ có gắn viên kim cương màu hồng quý hiếm đã có giá 27,3 triệu USD. Tuy lá đơn không nêu đích danh, nhưng mọi người đều hiểu “quan chức số 1 Malaysia” chính là Thủ tướng Najib Razak. Ngày 16.6, Văn phòng Thủ tướng Najib đã phát đi thông cáo cho biết họ rất lo ngại trước những cáo buộc vô căn cứ và không cần thiết cũng như tình trạng can thiệp, thao túng của một số cá nhân đối với các vấn đề chính trị nội bộ của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.