Chuyện 'người giàu cũng khóc' ở Hàn Quốc

06/06/2021 18:20 GMT+7

Là nước có nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới nhưng mức độ hạnh phúc Hàn Quốc của người dân nước này lại xếp hạng gần cuối trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) mới đây trích dẫn Báo cáo Hạnh phúc thế giới cho thấy Hàn Quốc xếp thứ 35 trong số 37 thành viên OECD về mức độ hạnh phúc, chỉ trên Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Phần Lan là nước đứng đầu bảng trong năm thứ 4 liên tiếp.
Báo cáo do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDSN) công bố, xác định thứ hạng của các nước dựa trên các tiêu chí như GDP bình quân đầu người, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và tự do xã hội từ năm 2018 đến năm 2020, theo tờ The Korea Times.
Các số liệu thống kê khác được trích dẫn trong báo cáo KDI cho thấy người dân nước này đang phải sống một cuộc sống “không mấy dễ dàng”. Theo số liệu của OECD, người dân Hàn Quốc làm việc nhiều giờ hơn so với người dân ở các thành viên OECD khác. Cụ thể, một người Hàn Quốc làm việc 1.967 giờ mỗi năm, chỉ kém Mexico là 2.137 giờ mỗi năm và nhiều hơn so với mức trung bình của OECD là 1.726 giờ.
Một số người than phiền về áp lực phải cạnh tranh và làm việc để kiếm tiền, ngày càng trở thành nô lệ của công việc và hiếm khi được nghỉ phép dài ngày vì là trụ cột kinh tế của gia đình.

Người trẻ Hàn Quốc tại một hội chợ việc làm tại Seoul

Reuters

Từ trẻ em đến người già

Báo cáo năm 2020 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) về mức độ hạnh phúc của trẻ em cho thấy trẻ em Hàn Quốc xếp hạng thứ 34 trong số 38 quốc gia về sức khỏe tinh thần, mặc dù sức khỏe thể chất và kỹ năng học tập của chúng đều nằm được xếp hạng cao.
Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng là dân số già đi nhanh chóng. Theo KDI, số lượng người cao tuổi ở Hàn Quốc tăng 4,4% hàng năm từ năm 2011 đến năm 2020, cao hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 2,6%. Thêm vào đó tỷ lệ nghèo của người cao tuổi là 43,4% vào năm 2019, mức cao nhất trong các nước OECD với tỷ lệ trung bình là 14,8%.
Một phụ nữ 69 tuổi tại tỉnh Gyeonggi chia sẻ: "Sau khi mất chồng năm 2007, tôi từng làm giảng viên tự do dạy an toàn giao thông cho trẻ em. Lúc đó, tôi kiếm được khoảng 1,5 triệu won (31 triệu đồng) mỗi tháng, không nhiều nhưng cũng có thể sống qua ngày. Tuy nhiên, tôi đã mất việc vào năm ngoái sau khi dịch COVID-19 bùng phát và đang phải tiêu tiền tiết kiệm. Tôi không biết mình có thể sống như thế này được bao lâu nữa. Cảm giác như cuộc sống của tôi có quá nhiều bất trắc, và điều này khiến tôi chán nản".

Biến đổi khí hậu đe dọa sinh kế của các "hải nữ" Hàn Quốc

Mặt khác, trang thu thập dữ liệu chi phí sinh hoạt toàn cầu Numbeo đã đưa ra một phân tích tương tự cho thấy chất lượng cuộc sống của Hàn Quốc đứng thứ 42 trong số 83 quốc gia được khảo sát trong năm 2021. Xếp hạng của quốc gia này thậm chí còn thấp hơn một số quốc gia đang phát triển như Nam Phi. Thứ hạng của các nước được phân tích theo nhiều chỉ số như chi phí sống, sức mua, ô nhiễm, tỷ lệ tội phạm, khí hậu và chất lượng hệ thống y tế. Thứ hạng này thấp hơn vào năm 2017 khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức, khi đó Hàn Quốc xếp 22/67 nước.
Giáo sư Park Myung-bae thuộc Khoa sức khỏe và phúc lợi xã hội người cao tuổi tại Đại học Pai Chai (Hàn Quốc) nêu ý kiến: “Chính phủ nên thiết lập hệ thống hiệu quả hơn có thể giúp trì hoãn việc nghỉ hưu của người cao tuổi để họ có thể độc lập về tài chính trong một thời gian dài hơn. Chính phủ cũng nên tích cực khuyến khích người dân tham gia hệ thống chế độ hưu trí bổ sung do các tổ chức tư nhân vận hành để họ có thể chuẩn bị cho tương lai".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.