Chuyên gia nói gì về tên lửa hành trình mới của Triều Tiên?

13/09/2021 13:28 GMT+7

Giới chuyên gia đánh giá tên lửa mới là bước tiến về mặt công nghệ của CHDCND Triều Tiên , có khả năng đạt được năng lực né tránh các hệ thống phòng thủ để tấn công các mục tiêu trên khắp Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên ngày 13.9 thông báo đã phóng thử một loại tên lửa hành trình mới trong hai ngày 11-12.9. Tên lửa bay khoảng 1.500 km trong hơn 2 giờ trên lãnh thổ và lãnh hải Triều Tiên theo đường bay hình oval và hình số 8 trước khi lao trúng mục tiêu.

Có khả năng hạt nhân?

Giáo sư Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) viết trên Twitter rằng tên lửa được thử nghiệm có thể mang theo đầu đạn tấn công những mục tiêu trên khắp Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Lewis đánh giá loại tên lửa hành trình tấn công trên bộ tầm trung này được thiết kế với khả năng bay phía ngoài tầm quét của các radar phòng thủ tên lửa và là vũ khí đáng chú ý của Triều Tiên.

Tên lửa hành trình chiến lược của Triều Tiên có ý nghĩa gì?

Trả lời phỏng vấn CNN, ông Lewis cho hay tên lửa lần này có tầm bắn xa hơn so với vũ khí được Triều Tiên phóng hồi tháng 3, vốn chỉ bay khoảng 450 km.
“Đây là thành tựu kỹ thuật đối với họ”, ông Lewis nói và nhấn mạnh rằng vụ phóng thử là điều đã được dự đoán từ trước: “Rất rõ ràng là họ sẽ thử nghiệm một thứ gì đó và tên lửa này rõ ràng nằm trong danh sách”.
Phân tích từ việc Triều Tiên gọi đây là “vũ khí chiến lược”, chuyên gia Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ) cho biết đây là tên lửa hành trình đầu tiên tại Triều Tiên được giao vai trò “chiến lược”, thường chỉ dùng cho các hệ thống vũ khí hạt nhân.
Theo ông Panda, việc phát triển vũ khí mới này là một phần nỗ lực của Triều Tiên trong những năm gần đây trong việc đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Tên lửa hành trình tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân làm phức tạp tính toán của các đối thủ trong việc triển khai radar và đầu tư vào năng lực phòng thủ tên lửa nói chung”, ông Panda nói với NK News.
Vị chuyên gia đoán rằng Triều Tiên đã mở rộng tầm bắn của tên lửa so với các vụ phóng tên lửa hành trình trước đây nhưng vẫn giữ quỹ đạo bay nằm trong không phận của nước này.
Mặt khác, ông Panda lưu ý việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un không trực tiếp theo dõi vụ phóng có thể là động thái nhằm thể hiện những hoạt động này là điều bình thường.
Nhà nghiên cứu quân sự và quốc phòng Joseph Dempsey tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) tỏ ra dè dặt về độ phát triển về mặt kỹ thuật của loại tên lửa mới so với những tên lửa hành trì khác vì vẫn còn những điểm chưa rõ.

Mối đe dọa mới

Trong khi đó, giáo sư Park Won-gon chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học nữ sinh Ewha (Hàn Quốc) đánh giá tên lửa được phóng đi lần này đặt ra mối đe dọa đáng kể. “Nếu miền Bắc thu giảm kích thước đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ, họ cũng có thể cho nó vào một tên lửa hành trình. Rất có thể sẽ có thêm những vụ thử nghiệm để phát triển nhiều hệ thống vũ khí”, ông Park bình luận với AFP.
Theo vị chuyên gia, vụ phóng tên lửa lần này là hành động phản ứng cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ hồi tháng 8. Mặt khác, ông Park cho rằng Triều Tiên chọn phóng tên lửa hành trình nhằm mục đích không gây khiêu khích Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sắp sang thăm Hàn Quốc vào ngày 14.9.
Triều Tiên bị cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, tên lửa hành trình không nằm trong các lệnh cấm vận vì được xem là gây đe dọa nhỏ hơn so với tên lửa đạn đạo.

Triều Tiên bắn thử tên lửa hành trình tầm xa

Phó giáo sư Leif-Eric Easley chuyên nghiên cứu quốc tế cũng tại Đại học nữ sinh Ewha xem vụ phóng thử là hành động khiêu khích, đồng thời lo ngại Triều Tiên có thể dự tính thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. “Nếu quả thật như vậy, vụ phóng thử đáng phải chịu lệnh gia tăng cấm vận từ cộng đồng quốc tế”, ông Easley nói.
Vụ phóng thử được công bố một ngày trước khi các quan chức đối thoại hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản gặp nhau tại Tokyo để tìm cách phá vỡ thế bế tắc liên quan đến việc đàm phán về giải giới hạt nhân Triều Tiên.
“Cuộc gặp đó nhằm tập trung vào những cách ngoại giao sáng tạo trong việc tiếp xúc với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên giờ đây điều cần thiết là một tuyên bố 3 bên nhắc đến lệnh cấm vận và hợp tác phòng thủ, kêu gọi Triều Tiên kiềm chế hành động quân sự, khôi phục đối thoại và chấp nhận viện trợ nhân đạo để giảm bớt nỗi khổ của người dân”, ông Easley nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.